Hà Tĩnh và 'pho lịch sử bằng vàng' của Đảng

Nếu nói 'Đảng ta thật là vĩ đại' thì mỗi đảng bộ địa phương, mỗi ngành, mỗi đơn vị trong cả nước là một bộ phận quan trọng làm nên sự vĩ đại đó. Nếu nói lịch sử Đảng ta là 'một pho lịch sử bằng vàng' thì lịch sử của mỗi đảng bộ địa phương, của từng ngành, đơn vị là những trang vàng chói lọi mà nên. Lịch sử Đảng bộ Hà Tĩnh là một trong những trang chói lọi như vậy.

Với tất cả tinh thần khiêm tốn, người Hà Tĩnh có quyền tự hào về những đóng góp to lớn trong lịch sử hào hùng của dân tộc. Trải qua thời gian, vượt qua không gian, trên mỗi tấc đất và từng con người Hà Tĩnh đều tạo dựng nên những dấu ấn lịch sử vô cùng kỳ diệu, trở nên những “hiện tượng” có một không hai trong lịch sử nước nhà và được nâng lên ở tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh.

 Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du. (Ảnh: Đậu Hà).

Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du. (Ảnh: Đậu Hà).

Thật lạ kỳ, không ở đâu trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt “Sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa/ Ngăn bước quân thù phía Nam, phía Bắc”, lại hun đúc và sản sinh ra nhiều con người “làm nên lịch sử” đến như vậy. Sử xưa chép lại, từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XVII có 148 vị đại khoa, 3 trạng nguyên; có nhiều người nổi danh như Danh nhân văn hóa thế giới - Đại thi hào Nguyễn Du, mà “Kiệt tác của ông có thể so sánh một cách xứng đáng với kiệt tác của bất kỳ quốc gia nào, thời đại nào”.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, chỉ vì ghét “Cái chí bon chen trong trường danh lợi” mà quyết chí theo học nghề thuốc giúp đời, giúp người. Ông trở thành Đại danh y, niềm tự hào của Hà Tĩnh nói riêng và của cả dân tộc Việt Nam, được UNESCO vinh danh.

 Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - đại danh y, nhà văn hóa lớn của dân tộc.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - đại danh y, nhà văn hóa lớn của dân tộc.

Không ít những bậc danh nhân, hiền tài “tiếng thơm” còn mãi lay động lòng người, như: nhà viết sử Phan Huy Chú - bác học, danh nhân văn hóa, tài danh lỗi lạc về bách khoa thư; Nguyễn Công Trứ - nhà quân sự, nhà kinh tế, nhà thơ nôm trác việt; Nguyễn Biểu - nhà ngoại giao được xếp vào danh sách “bề tôi trung nghĩa” (triều Lê sơ), trở thành tấm gương tiêu biểu cho tinh thần dũng cảm của quân dân Đại Việt trong tình cảnh đất nước bị xâm lăng; La sơn Phu tử Nguyễn Thiếp - một danh sĩ hơn đời, nổi tiếng uyên thâm, học cao hiểu rộng, cốt cách phi phàm…

Cũng rất ít ở đâu trên đất nước này, người dân tưởng như quanh năm chỉ lam lũ với vốn tri thức kinh nghiệm để lo miếng cơm manh áo, lại sản sinh ra những người con trung kiên, sớm giác ngộ tinh thần yêu nước, nhạy bén về chính trị, vượt qua mọi hiểm nguy, đi theo tiếng gọi thiêng liêng của “Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên” do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, tổ chức, huấn luyện. Và rồi thế hệ thanh niên yêu nước ấy đều trở thành những hạt giống đỏ, những tấm gương cộng sản tiêu biểu có một không hai trong lịch sử cách mạng nước nhà.

 Nhà lưu niệm, nơi lưu giữ hàng trăm hiện vật nói về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Tổng Bí thư Trần Phú.

Nhà lưu niệm, nơi lưu giữ hàng trăm hiện vật nói về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Tổng Bí thư Trần Phú.

Đó là Tổng Bí thư của Đảng trong thời kỳ đầu cách mạng - đồng chí Trần Phú với lời nhắn nhủ bạn bè “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”; đồng chí Hà Huy Tập - Tổng Bí thư của Đảng, người đã góp phần tích cực trong việc khôi phục lại cơ quan Trung ương của Đảng bị phá vỡ sau cao trào 1930-1931, tham gia chuẩn bị và tổ chức Đại hội Đảng I, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng lãnh đạo suốt 4 năm kể từ khi cao trào 1930-1931 bị thực dân Pháp “dìm trong biển máu”; hay ý chí, tinh thần của anh Lý Tự Trọng - người thanh niên cộng sản đầu tiên; người chiến sĩ cộng sản kiên trung, thế hệ học trò đầu tiên của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - đồng chí Lê Duy Điếm…

Trần Phú, Hà Huy Tập, Lý Tự Trọng, Lê Duy Điếm... là những hạt giống đỏ chuẩn bị cho quá trình thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và gây dựng phong trào cách mạng ngay từ khi còn thai nghén. Sự hy sinh anh dũng của các đồng chí ấy khi tuổi đời còn rất trẻ nhưng không hề uổng phí. Tên tuổi, công trạng của họ mãi mãi ghi đậm trong lịch sử hào hùng của Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh, đồng thời đi vào lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng ta như những trang chói lọi nhất.

 Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đến cuối tháng 3/1930, Đảng bộ lâm thời Hà Tĩnh được thành lập (tại Bến đò Thượng Trụ, xã Thiên Lộc, Can Lộc).

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đến cuối tháng 3/1930, Đảng bộ lâm thời Hà Tĩnh được thành lập (tại Bến đò Thượng Trụ, xã Thiên Lộc, Can Lộc).

Cùng với những nhân vật ấy là những sự kiện lịch sử không thể phai mờ. Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đến cuối tháng 3/1930, Đảng bộ lâm thời Hà Tĩnh được thành lập (tại Bến đò Thượng Trụ, xã Thiên Lộc, Can Lộc), tiếp đó là các tổ chức quần chúng lần lượt ra đời. Nhờ đó, phong trào quần chúng phát triển mạnh mẽ, hợp thành cao trào

Xô-viết Nghệ Tĩnh, đỉnh cao của phong trào cách mạng trong những năm 1930-1931. Đến cuối những năm 1930-1931, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 170 làng Xô-viết được thành lập, ban bố quyền tự do dân chủ cho Nhân dân, kêu gọi thực hiện nếp sống mới, trừng trị các phần tử phản cách mạng. Tuy còn những hạn chế là “chưa đúng hoàn cảnh, bạo động trong lúc chưa có tình thế cách mạng, bạo động riêng lẻ” như Trung ương Đảng đã chỉ ra, nhưng cao trào Xô-viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 chính là cuộc diễn tập đầu tiên chuẩn bị cho cách mạng giành chính quyền sau này. Vì thế, trong Tổng khởi nghĩa 1945, Hà Tĩnh là một trong 4 tỉnh giành được chính quyền sớm nhất cả nước.

Phát huy tinh thần Xô-viết Nghệ Tĩnh và Cách mạng Tháng Tám, trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Nhân dân Hà Tĩnh lại được hun đúc thêm chí khí và nghị lực phi thường, tiếp tục đánh giặc bằng mọi thứ vũ khí, bằng tinh thần yêu nước và bằng lòng tự trọng. Đã có hàng ngàn, hàng vạn người con Hà Tĩnh xung phong tham gia dân công hỏa tuyến, TNXP, dân quân tự vệ… và cũng có hàng vạn người dân làm hậu phương vững chắc với tinh thần “xe chưa qua, nhà không tiếc”.

 Xô viết Nghệ - Tĩnh là sự phát triển tất yếu của cao trào đấu tranh cách mạng của công nhân và nông dân cả nước trong những năm 1930-1931. Ảnh tư liệu.

Xô viết Nghệ - Tĩnh là sự phát triển tất yếu của cao trào đấu tranh cách mạng của công nhân và nông dân cả nước trong những năm 1930-1931. Ảnh tư liệu.

Đặc biệt, trong Chiến dịch đông xuân 1953-1954, Hà Tĩnh có 56.000 dân công (chiếm hơn 1/2 số lượng dân công cả nước), góp phần đập tan “Pháo đài không thể công phá” của giặc Pháp, làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng. Trong 10 năm (1965-1975) chống Mỹ cứu nước, Hà Tĩnh đã bổ sung một lực lượng lớn cho quân đội gồm 92.913 thanh niên (chiếm hơn 10% dân số lúc bấy giờ), huy động 334.128 dân công hỏa tuyến, 10.636 TNXP, bổ sung cho các chiến trường 21 tiểu đoàn, 15 đại đội bộ đội địa phương… góp phần quan trọng làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975.

 Chiến tranh lùi xa, truyền thống anh hùng, sáng tạo, kiên cường của người dân Hà Tĩnh tiếp tục phát huy trong xây dựng CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Chiến tranh lùi xa, truyền thống anh hùng, sáng tạo, kiên cường của người dân Hà Tĩnh tiếp tục phát huy trong xây dựng CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Chiến tranh đi qua, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh đau xót với 25.625 người hy sinh, 11.636 thương binh, 7.705 bệnh binh. Tất cả các huyện, thị và 184 xã, thị trấn, 17 cơ quan, 34 cá nhân và 801 bà mẹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng. Những tên đất, tên làng trở thành biểu tượng của tinh thần quyết thắng, anh hùng như Ngã ba Đồng Lộc; “làng đỏ” Phù Việt; Nhà lao Hà Tĩnh… Đó là sự đóng góp vô cùng to lớn so với thực lực của Hà Tĩnh, góp phần viết nên “pho lịch sử bằng vàng” của Đảng ta.

Những thanh niên trí thức Trần Phú, Hà Huy Tập, những Lý Tự Trọng, Lê Bình, Phan Đình Giót, Võ Triều Chung, 10 nữ TNXP hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc cùng hàng vạn anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, những người có nhiều cống hiến cho quê hương, đất nước đã trở thành biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng để Nhân dân và tuổi trẻ cả nước mãi mãi tự hào, học tập, noi theo.

Chiến tranh lùi xa, truyền thống anh hùng, sáng tạo, kiên cường của người dân Hà Tĩnh lại được tiếp tục phát huy trong xây dựng CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, nhất là từ sau khi tách tỉnh (1991), Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh đã lãnh đạo các tầng lớp nhân dân đoàn kết, nhất trí, vượt qua nhiều khó khăn thử thách, tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh phát triển KT-XH, cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta làm nên những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử quan trọng.

KT-XH của Hà Tĩnh đã có sự thay đổi cơ bản và toàn diện, từ một địa phương nông nghiệp lạc hậu đã trở thành điểm sáng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng NTM. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được cải thiện. Khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố, hệ thống chính trị từng bước được đổi mới. Thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân ngày càng vững mạnh, chính trị - xã hội ổn định, tạo ra thế và lực mới để Hà Tĩnh tiếp tục đi lên với nhiều triển vọng tốt đẹp.

 Hà Tĩnh ngày càng phát triển hiện đại, văn minh.

Hà Tĩnh ngày càng phát triển hiện đại, văn minh.

Quyết tâm xây dựng Hà Tĩnh ngày càng giàu mạnh, “Hà Tĩnh phải làm sao cho tình hình nổi bật lên” như Bác Hồ hằng mong muốn, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh tiếp tục phát huy truyền thống 95 năm kiên trung với Đảng, nêu cao tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo; khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế và các nguồn lực của địa phương, phát triển nhanh và bền vững. Nhất định, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh sẽ viết tiếp những trang sử vẻ vang, góp phần làm phong phú và sinh động hơn nữa “pho lịch sử bằng vàng” của Đảng quang vinh và dân tộc Việt Nam anh hùng.

TS Nguyễn Thành Vinh-nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Tuyên giáo

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/ha-tinh-va-pho-lich-su-bang-vang-cua-dang-post282119.html
Zalo