Phát triển công nghiệp văn hóa từ mạch nguồn bản địa

Trong bối cảnh phát triển mạnh các ngành công nghiệp văn hóa như hiện nay, nhiều loại hình văn hóa bản địa đã được phục dựng, gìn giữ và phát huy giá trị, trở thành điểm nhấn quan trọng trong các chương trình quảng bá, giới thiệu văn hóa, tạo sức hút riêng cho du lịch địa phương.

Biểu diễn hát Chèo tại Lễ hội đường phố trong khuôn khổ Festival Ninh Bình năm 2024. Ảnh: Minh Quang

Biểu diễn hát Chèo tại Lễ hội đường phố trong khuôn khổ Festival Ninh Bình năm 2024. Ảnh: Minh Quang

Em Phạm Quỳnh Anh ở xã Yên Từ (huyện Yên Mô) theo học hát Xẩm từ nghệ nhân Kim Ngân-Chủ nhiệm CLB hát Xẩm Kim Ngân từ khi mới vào lớp 1. Chị Thu Hiền, mẹ em Quỳnh Anh cho biết: Tôi sinh ra ở xã Yên Nhân, người dân quê tôi mê hát Chèo, Xẩm và xem đó là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống.

Quỳnh Anh là con gái lớn của tôi. Tôi muốn con mình cũng được tưới tắm tâm hồn bởi những làn điệu xẩm ngay từ khi còn rất nhỏ. Quỳnh Anh chỉ là một trong số nhiều trẻ em yêu thích và theo học hát Xẩm ở Yên Mô.

Bà Kim Ngân, Chủ nhiệm CLB hát Xẩm Kim Ngân tự hào: Các thành viên trong CLB có độ tuổi từ 6 đến 20 tuổi. Tham gia vào CLB, các cháu sử dụng được nhạc cụ, hát được xẩm Thập ân, tàu điện, xẩm chợ... và hơn tất cả, là đã khơi gợi được niềm đam mê của thế hệ trẻ đối với Xẩm.

Xẩm cũng như nhiều loại hình nghệ thuật dân gian khác sẽ không bị quên lãng mà vẫn sẽ được lưu truyền và phát triển mạnh theo thời gian, nhờ có niềm đam mê và trách nhiệm của lớp người trẻ. Không chỉ nỗ lực gìn giữ, bảo tồn đặc trưng văn hóa của mảnh đất Yên Mô, giờ đây, Xẩm còn là nguồn nguyên liệu đặc biệt để địa phương tạo ra các sản phẩm công nghiệp văn hóa.

Ông Nguyễn Xuân Bính, Phó phòng Văn hóa-Thông tin huyện Yên Mô cho biết, huyện đã thực hiện đề án “Bảo tồn nghệ thuật hát Xẩm” nhằm tiếp tục bảo tồn, gìn giữ, phát huy cho thế hệ mai sau những giá trị độc đáo mang tính xã hội, nhân văn, những phong tục, tập quán đời thường thông qua giai điệu trong hát Xẩm. Huyện cũng đã phục dựng môi trường diễn xướng ngoài trời, kết hợp biểu diễn nghệ thuật Xẩm trong các lễ hội truyền thống trên địa bàn huyện.

Từng bước đưa hát Xẩm trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện nói riêng, tỉnh Ninh Bình nói chung. Huyện Yên Khánh là một trong những địa phương của tỉnh Ninh Bình và trong 10 tỉnh Đồng bằng Sông Hồng đã xây dựng nghệ thuật hát Chèo truyền thống đệ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Đến thời điểm này, các cấp ủy Đảng, chính quyền của huyện Yên Khánh đã đồng hành, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh hoàn thiện các chương trình, nội dung và hồ sơ để đệ trình UNESCO. Sự giàu có về văn hóa bản địa đã mở ra lợi thế mũi nhọn để miền quê xinh đẹp này thực hiện mục tiêu phát triển du lịch tâm linh, du lịch đồng quê, trải nghiệm.

Hát Xẩm tạo sức hút tại các sự kiện văn hóa lớn của tỉnh. Ảnh: Minh Quang

Hát Xẩm tạo sức hút tại các sự kiện văn hóa lớn của tỉnh. Ảnh: Minh Quang

Ông Bùi Quang Bưởng, Trưởng phòng Văn hoáThông tin huyện Yên Khánh cho biết: Là địa phương có nhiều di tích lịch sử, văn hóa; nghệ thuật truyền thống riêng có, huyện đã xác định đây là lợi thế để Yên Khánh phát triển du lịch tâm linh, du lịch nông thôn, trải nghiệm. Để thực hiện mục tiêu này, thời gian qua, huyện Yên Khánh đã phối hợp tổ chức chương trình tập huấn, bồi dưỡng, truyền dạy văn hóa phi vật thể; tuyên truyền, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ du lịch gắn với khai thác các giá trị văn hóa truyền thống.

Thông qua các lớp tập huấn, những người làm công tác văn hóa, những thành viên trong các tổ đội/CLB văn hóa, nghệ thuật ở cơ sở được tiếp nhận nhiều kiến thức về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; cách phát huy giá trị bản sắc văn hóa để phát triển du lịch cộng đồng... Ninh Bình là mảnh đất giàu bản sắc văn hóa.

Các loại hình nghệ thuật truyền thống như hát Chèo, hát Xẩm, hát Văn, múa Trống; dân ca, dân vũ của đồng bào dân tộc Mường… được nhân dân lưu truyền, bảo tồn, phát huy đã khẳng định giá trị trường tồn và sức sống mãnh liệt của các loại hình nghệ thuật truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân gian của dân tộc. Không chỉ khẳng định, nâng tầm giá trị di sản văn hóa, định vị Ninh Bình trong bản đồ cả nước và quốc tế, những bản sắc văn hóa của địa phương còn là tiềm năng để biến di sản thành “tài sản” trong hành trình phát triển công nghiệp văn hóa.

Thời gian qua, ngành Văn hóa và Thể thao đã có nhiều nỗ lực để thực hiện các đề án, kế hoạch của tỉnh về phát triển văn hóa, từ đó khơi dậy ý thức của cộng đồng cùng chung tay bảo tồn phát huy di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh. Tỉnh ta cũng tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật dân gian phục vụ công chúng; các lễ hội du lịch được tổ chức, các chương trình biểu diễn của CLB hát Chèo, Xẩm… diễn ra thường xuyên, báo hiệu sự phát triển trở lại của nghệ thuật trình diễn dân gian.

Đặc biệt hơn là sự ra đời của các chương trình nghệ thuật lớn với sân khấu thực cảnh. Đây là những sản phẩm văn hóa mang tính mới, chủ đạo là nghệ thuật dân gian kết hợp với công nghệ trình diễn hiện đại đã bước đầu thỏa mãn được thị hiếu thưởng thức của công chúng, thỏa mãn tiêu chí là những sản phẩm của công nghiệp văn hóa.

Bà Vũ Thanh Lịch, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao khẳng định: Thời gian tới, để nghệ thuật trình diễn dân gian thực sự trở thành lợi thế trong phát triển công nghiệp văn hóa, Ngành Văn hóa cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu toàn diện, phối hợp với các địa phương triển khai nhiều giải pháp để nghệ thuật dân gian vừa được bảo tồn bản sắc, vừa phát triển bền vững, đồng đều và xứng tầm trong các ngành công nghiệp văn hóa; tăng cường hoạt động quản lý, phục dựng, trình diễn, đào tạo và truyền dạy, sáng tạo và phát triển chất liệu dân gian, tạo nên tính mới cho nghệ thuật trình diễn trong bối cảnh hiện nay…

Đặc biệt, cần nỗ lực hơn nữa để tạo sức hấp dẫn cho nghệ thuật trình diễn dân gian bằng những sản phẩm văn hóa và cách thức trình diễn phù hợp với thị hiếu của công chúng trong điều kiện thẩm mỹ công chúng đang thay đổi; tăng cường kết nối với các tour, tuyến du lịch để vừa lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống vừa tạo được nguồn thu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và giữ lửa nghề cho các nghệ nhân, nghệ sĩ…

Chú thích 1 Biểu diễn hát Chèo tại Lễ hội đường phố trong khuôn khổ Festival Ninh Bình năm 2024.

Hát Xẩm tạo sức hút tại các sự kiện văn hóa lớn của tỉnh

Thu Hằng - Minh Quang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-tu-mach-nguon-ban-dia-076791.htm
Zalo