Gieo chữ trên đất khó: Ươm mầm tri thức ở vùng cao
Hơn 60 năm trước, trong hành trình đưa ánh sáng tri thức đến những vùng đất xa xôi của Tổ quốc, hàng trăm thầy cô giáo trẻ từ miền xuôi đã tình nguyện gác lại ước mơ, hoài bão để lên đường đến với miền núi Lạng Sơn. Với đôi chân không ngại đường xa, đôi tay dựng xây lớp học và trái tim đầy nhiệt huyết, họ đã gieo những 'hạt mầm' tri thức trên mảnh đất đầy khó khăn nhưng giàu khát vọng. Những câu chuyện về sự hy sinh thầm lặng, ý chí kiên cường và tình yêu nghề cháy bỏng của họ vẫn sống mãi trong ký ức của biết bao thế hệ, trở thành biểu tượng đẹp đẽ về lòng tận tụy và sứ mệnh cao cả của nghề giáo.
Năm 2024, tròn 65 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi các thầy cô miền xuôi lên công tác ở miền núi (1959 – 2024). Đó không chỉ là một dấu mốc của ngành giáo dục mà còn là minh chứng sống động cho tinh thần cống hiến, sự hy sinh lặng thầm của biết bao thế hệ giáo viên.
Sau kháng chiến chống Pháp thắng lợi, miền Bắc bước vào thời kỳ phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, ở các tỉnh miền núi như Lạng Sơn, nền giáo dục còn sơ khai, thiếu thốn trăm bề, đặc biệt là đội ngũ giáo viên.
Ngày 15/8/1959, Chính phủ ban hành Thông tư số 3116-A7, điều động giáo viên từ các tỉnh miền xuôi lên miền núi công tác, đáp lại lời kêu gọi của Bác Hồ. Từ đó, hàng trăm thầy cô trẻ tuổi, tràn đầy nhiệt huyết đã rời xa quê hương, gia đình, mang tri thức lên những vùng đất còn nhiều khó khăn, trong đó có mảnh đất biên giới Lạng Sơn.
Nhà giáo Phạm Thị Dã, năm nay đã 80 tuổi, nhớ lại ngày rời Trường Trung cấp Hùng Vương, Phú Thọ năm 1962 để lên Hữu Lũng, Lạng Sơn công tác: “Ngày đó, giao thông khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, nhưng lòng nhiệt thành của tuổi trẻ đã giúp tôi vượt qua tất cả”. Suốt 29 năm gắn bó với Lạng Sơn, cô Dã không chỉ giảng dạy mà còn tham gia nhiều hoạt động giáo dục khác, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng học trò và đồng nghiệp.
Thầy Hoàng Hữu Đôn, quê ở Thái Bình, lại có một hành trình khác. Năm 1969, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội Khoa Sinh học, thầy lên Bình Gia, Lạng Sơn. Thầy kể: “Những năm đó gian khổ lắm, cơm độn ngô, sắn, nhà tranh tre vách đất, trường lớp phải sơ tán liên tục do chiến tranh. Nhưng chúng tôi vẫn kiên cường bám bản, bám trường, vừa dạy học, vừa xây dựng cơ sở vật chất. Tôi cùng đồng nghiệp tự tay dựng lớp, làm bàn ghế bằng tre, vận động học sinh đến lớp, gieo từng con chữ nơi bản làng xa xôi...".
Những năm tháng ấy, hình ảnh các thầy cô lặn lội từng bản làng, học tiếng dân tộc để giao tiếp với bà con, dạy học trò từ cách ăn chín uống sôi, làm chuồng gia súc xa nơi ở, đến việc đến trạm y tế khi ốm đau... đã trở thành biểu tượng của lòng yêu nghề, mến trẻ. Không chỉ là người truyền dạy tri thức, các thầy cô còn là những người cha, người mẹ thứ hai, giúp thay đổi diện mạo của cả những cộng đồng vốn khép kín.
Thầy Võ Viết Đại, người con của quê hương cách mạng Thanh Chương, Nghệ An, lớn lên trong một gia đình nhà Nho giàu truyền thống hiếu học, nơi cả bố và chị đều là những nhà giáo mẫu mực. Năm 1959, thầy được gia đình gửi ra Hà Nội để học tập tại ngôi trường cấp 3 Chu Văn An, một trong những ngôi trường giàu truyền thống nhất của nền giáo dục Việt Nam. Tiếp nối con đường tri thức, thầy Võ Viết Đại trở thành sinh viên Khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội vào những năm đầu thập niên 1960.
Mang trong mình bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ và lý tưởng cao đẹp về nghề giáo, thầy đã bắt đầu sự nghiệp gieo chữ của mình trên mảnh đất Thất Khê, huyện Tràng Định, một vùng đất xa xôi, mới lạ đối với người thanh niên trẻ. Năm nay đã gần 85 tuổi đời, gần 60 năm gắn bó với mảnh đất này, thầy Võ Viết Đại đã chắp cánh cho biết bao thế hệ học trò, khơi dậy trong các em niềm khát vọng bay cao, bay xa, biến những ước mơ thành hiện thực. Thầy Đại tâm sự: “Tuổi trẻ của tôi đã hòa vào mảnh đất Lạng Sơn, nơi tôi coi là quê hương thứ hai.”
Theo lời kể của các thầy cô, trước những khó khăn buổi đầu, song nhớ lời dặn dò của Bác Hồ trước khi lên đường: “Công tác ở miền núi có nhiều khó khăn... các cô, các chú cần xung phong đến nơi, đến chốn. Cần có tinh thần bền bỉ khắc phục khó khăn, làm tròn nhiệm vụ”, các thầy cô giáo đã biến điều kiện khắc nghiệt thành động lực để cống hiến.
65 năm – Hành trình không ngừng nghỉ
Chỉ trong vòng hơn 15 năm, từ 1959 đến 1975, hàng trăm thầy cô từ miền xuôi đã đến Lạng Sơn "gieo chữ". Họ không chỉ dạy chữ mà còn dạy người, đặt nền móng cho nền giáo dục miền núi, để rồi từ những ngôi trường tranh tre, nền đất, ngày nay Lạng Sơn đã có một hệ thống giáo dục vững mạnh. Những "viên gạch đầu tiên" ấy đã tạo nên sức bật cho cả một tỉnh biên giới. Trong dòng chảy thời gian, nhiều thầy cô đã rời xa cõi tạm, nhưng hình ảnh của họ vẫn sống mãi trong tâm trí bao thế hệ học trò. Tri thức mà các thầy cô truyền trao không chỉ là nền tảng cho những ước mơ bay cao, bay xa, mà nhân cách của họ còn trở thành ngọn nguồn sức mạnh, ảnh hưởng sâu sắc hơn bất kỳ lời răn dạy hay cuốn sách giáo khoa nào.
Dẫu có thể không nhận được những phần thưởng cao quý, hay cuộc sống vật chất vẫn đạm bạc, đơn sơ, nhưng chính các thầy cô lại sở hữu sự giàu có mà không ai có thể sánh được. Đó là sự giàu có từ tri thức, nhân cách đạo đức và những kỷ niệm không phai trong lòng học trò. Đó là niềm hạnh phúc khi nghe tiếng gọi “thưa thầy”, “thưa cô” từ những mái đầu bạc quay về thăm trường xưa. Nhờ những cống hiến thầm lặng ấy, các thầy cô miền xuôi không chỉ thay đổi diện mạo giáo dục tỉnh nhà mà còn gián tiếp góp phần tạo sức bật cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Lạng Sơn.
Những thầy cô miền xuôi lên Lạng Sơn dạy học chính là những người dẫn đường, hun đúc nên những bó đuốc tri thức lớn. Chính họ đã đặt nền móng vững chắc cho ngôi nhà tri thức của Lạng Sơn, giúp các giáo viên trên địa bàn tỉnh tiếp bước trên đôi chân của mình, tiếp tục viết nên những trang sử vàng cho giáo dục, nuôi dưỡng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực cho quê hương.
Ngày nay, cuộc sống của các thầy cô miền xuôi lên Lạng Sơn công tác đã bớt gian nan hơn. Trường lớp khang trang, khu tập thể giáo viên tiện nghi, giao thông thuận lợi, điện lưới phủ khắp thôn bản... Tất cả đã giúp thầy cô yên tâm giảng dạy và cống hiến. Tuy vậy, trước những thách thức mới của giáo dục và sự phát triển như vũ bão của cách mạng khoa học công nghệ, các thầy cô vẫn cần không ngừng học tập, rèn luyện, sáng tạo. Quan trọng nhất, họ phải giữ vững tâm sáng, lòng trong và tình yêu thương đối với nghề, với học trò.
Cùng với đội ngũ giáo viên tỉnh nhà, các thầy cô miền xuôi đang từng ngày viết tiếp bản hùng ca sư phạm, biến Lạng Sơn từ một vùng đất nghèo, dân trí thấp trở thành một tỉnh năng động, trên đà phát triển và hội nhập mạnh mẽ với cả nước. Câu chuyện của họ là biểu tượng của sự cống hiến, của tinh thần "tất cả vì học sinh thân yêu" và của niềm tin rằng giáo dục là ngọn đèn soi sáng tương lai.
65 năm không chỉ là một chặng đường mà còn là một bản anh hùng ca của tình yêu nghề, tình yêu đất nước. Những người thầy, người cô năm ấy, dù không có tượng đồng, bia đá ghi công, nhưng hình ảnh của họ chính là những pho tượng thiêng liêng trong ký ức học trò. Như những đốm lửa nhỏ đầu tiên, họ đã soi sáng con đường tri thức, để từ đó Lạng Sơn có một ngôi nhà giáo dục vững chãi, tiếp tục đào tạo nhân tài cho quê hương. Mỗi mùa xuân, khi hoa đào nở rộ trên những triền núi, câu chuyện về những người gieo chữ lên non lại trở thành ngọn lửa truyền cảm hứng, nhắc nhở thế hệ trẻ về lòng biết ơn và sự cống hiến.
Từ những bài học về tình yêu nghề, lòng kiên nhẫn và tinh thần bền bỉ của các thầy cô đi trước, ngành giáo dục Lạng Sơn đang vững vàng tiến bước, viết tiếp những trang sử vẻ vang. Chính từ những con chữ được gieo trên non ấy, tương lai của cả một vùng đất đã được thắp sáng.