Hà Tĩnh: Phụ nữ nông thôn vẫn khó tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi

Đây là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Nga, Ủy viên Ban Thường vụ, Hội LHPN huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, khi nói đến những khó khăn của phụ nữ nông thôn muốn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo ở địa phương thời gian qua.

 Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả đã giúp người dân huyện Thạch Hà có thu nhập ổn định, giảm nghèo bền vững.

Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả đã giúp người dân huyện Thạch Hà có thu nhập ổn định, giảm nghèo bền vững.

Xây dựng các mô hình kinh tế điểm để hội viên học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau

- Được biết Hội LHPN huyện Thạch Hà là một trong những địa phương có nhiều hoạt động, mô hình hỗ trợ giúp phụ nữ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững, xin chị cho biết, huyện Hội đã có những mô hình, hoạt động điển hình gì?

Để giúp hội viên có cơ hội vươn lên thoát nghèo, làm chủ cuộc sống, thời gian qua, Hội LHPN huyện Thạch Hà tích cực phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội, tạo điều kiện cho hội viên được vay các nguồn vốn ưu đãi như: vốn giải quyết việc làm, vốn hỗ trợ hộ nghèo, vốn học sinh sinh viên... Thông qua việc quản lý chặt chẽ và hướng dẫn chị em sử dụng vốn hiệu quả, nhiều gia đình hội viên đã có điều kiện đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.

Nhiều gia đình hội viên đã có điều kiện đầu tư vào chăn nuôi, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.

Nhiều gia đình hội viên đã có điều kiện đầu tư vào chăn nuôi, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.

Hội cũng đồng thời tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo về phát triển kinh tế vườn hộ, hướng đến liên kết trong sản xuất kinh doanh; kêu gọi chị em phụ nữ hỗ trợ nhau phát triển kinh tế như khâu nối ký kết tiêu thụ sản phẩm giữa các chị kinh doanh dịch vụ: nhà hàng, khách sạn, cửa hàng tạp hóa với các chị làm ở các lĩnh vực sản xuất ….

Xây dựng các mô hình kinh tế điểm. Cụ thể, Hội LHPN huyện xây dựng và hỗ trợ nhân rộng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả do phụ nữ làm chủ như mô hình trồng rau an toàn, chăn nuôi theo hướng VietGAP. Thành lập các Tổ hợp tác như: Tổ hợp tác chăn nuôi gà có liên kết, HTX chăn nuôi dê….Các mô hình này vừa tạo thu nhập ổn định cho chị em, vừa là nơi để các hội viên khác đến học hỏi kinh nghiệm.

Hội cũng luôn động viên, khuyến khích chị em tham gia các mô hình Tiết kiệm tín dụng tự quản (còn gọi là tiết kiệm theo gương Bác). Đây là một trong những mô hình hoạt động hiệu quả, được nhân rộng ở khắp các chi hội phụ nữ trên địa bàn huyện. Chị em tự nguyện tham gia đóng góp một khoản tiền nhỏ hàng tháng, sau đó các tổ nhóm bình xét và cho hội viên có nhu cầu vay với lãi suất ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình. Mô hình này không chỉ giúp chị em tiếp cận nguồn vốn mà còn tạo thói quen tiết kiệm, tương trợ lẫn nhau trong cộng đồng.

Áp lực công việc gia đình và định kiến giới vẫn còn tồn tại

Từ thực tế, theo chị, phụ nữ ở địa bàn nông thôn muốn vươn lên thoát nghèo thường gặp khó khăn gì?

Tôi thấy, phụ nữ ở địa bàn nông thôn khi muốn thoát nghèo thường phải đối mặt với nhiều khó khăn mang tính đặc thù. Trong đó, khó khăn lớn nhất là việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi bị hạn chế. Bởiso với khu vực thành thị, phụ nữ nông thôn thường khó tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng do thiếu tài sản thế chấp, thủ tục phức tạp hoặc thiếu thông tin về các chương trình hỗ trợ.

Các hội viên hỗ trợ giúp nhau ngày công để vươn lên ổn định cuộc sống

Các hội viên hỗ trợ giúp nhau ngày công để vươn lên ổn định cuộc sống

Bên cạnh đó, việc thiếu kiến thức và kỹ năng cũng là rào cản khiến chị em phụ nữ nông thôn muốn phát triển kinh tế hay khởi nghiệp cũng khó hơn. Mặc dù chị em rất cần cù, chịu khó, song nhiều chị em ở nông thôn lại hạn chế về kiến thức kinh doanh, quản lý tài chính, marketing, cũng như các kỹ năng chuyên môn trong các lĩnh vực sản xuất mới. Trong khi đó, các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật đôi khi chưa đáp ứng đủ nhu cầu, hoặc vẫn còn khoảng cách về chất lượng so với yêu cầu thực tế.

Ngoài ra, áp lực công việc gia đình và định kiến giới vẫn còn tồn tại. Phụ nữ ở nông thôn thường phải gánh vác nhiều công việc gia đình, chăm sóc con cái, người già, dẫn đến việc không có nhiều thời gian và nguồn lực để tập trung phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại những định kiến giới nhất định, họ cho rằng vai trò chính của phụ nữ là chăm sóc gia đình, ít khuyến khích họ tham gia vào các hoạt động kinh tế lớn.

Trang bị kiến thức và kỹ năng số là vô cùng quan trọng

Để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ hội viên phụ nữ vươn lên làm giàu chính đáng, xin chị cho biết, Hội LHPN huyện Thạch Hà đã làm gì, nhất là trong thời đại chuyển đổi số hiện nay?

Tôi cho rằng, trang bị kiến thức và kỹ năng, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, đây là vấn đề then chốt để hỗ trợ hội viên phụ nữ vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Hội LHPN huyện cũng đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, tập trung vào việc nâng cao năng lực cho chị em để thích ứng với những thay đổi của thời đại. Cụ thể: Tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng số cơ bản. Hội LHPN huyện đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn về sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, internet, các ứng dụng cơ bản như email, mạng xã hội, thanh toán trực tuyến... Mục tiêu là giúp chị em làm quen và tự tin hơn trong môi trường số.

Hàng năm, các cấp Hội huyện Thạch Hổ đã hỗ trợ nhiều mô hình sinh kế cho phụ nữ nghèo

Hàng năm, các cấp Hội huyện Thạch Hổ đã hỗ trợ nhiều mô hình sinh kế cho phụ nữ nghèo

Hội LHPN huyện cũng tổ chức các buổi chia sẻ, hướng dẫn chị em cách quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội, cách thực hiện các giao dịch trực tuyến an toàn và hiệu quả. Đồng thời thành lập mô hình phụ nữ hội nhập trên môi trường mạng; tham gia cuộc thi ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội…

Như chị vừa chia sẻ về những nỗ lực của Hội LHPN huyện trong việc hỗ trợ hội viên vươn lên xây dựng kinh tế gia đình, chị có thể chia sẻ về gương điển hình được Hội LHPN huyện hỗ trợ kiến thức khoa học kỹ thuật, vươn lên làm giàu thời gian qua?

Nói về các mô hình phát triển kinh tế và khởi nghiệp điển hình ở địa phương thời gian qua thì khá nhiều. Trong đó, có chị Nguyễn Thị Thu Hà, chủ cơ sở Kẹo Lạc Sửu Hà xã Thạch Kênh – đạt giải Ba ý tưởng khởi nghiệp cấp tỉnh Hà Tĩnh năm 2023.

Hay chị Trần Thị Huyền, chủ cơ sở Cu đơ Lệ Phương – Thị trấn Thạch Hà. Đây là đia đình đã 3 đời làm nghề sản xuất kẹo cu đơ. Từ cách nấu kẹo cu đơ thủ công, gia đình chị Huyền đã dần dần đưa kỹ thuật, công nghệ vào quy trình chế biến bằng các loại máy móc hiện đại như: máy xay gừng, máy khuấy kẹo, nồi áp suất điện, bộ đóng gói sản phẩm…

Nhiều hội viên đã đến học hỏi kinh nghiệm từ gia đình chị Huyền, rồi đầu tư cơ sở vật chất để phát triển kinh tế gia đình

Nhiều hội viên đã đến học hỏi kinh nghiệm từ gia đình chị Huyền, rồi đầu tư cơ sở vật chất để phát triển kinh tế gia đình

Sự đầu tư bài bản trong sản xuất không chỉ giúp cơ sở tiết kiệm công sức, thời gian chế biến mà còn thể hiện tư duy đổi mới, sáng tạo không ngừng nghỉ của người con hết lòng yêu nghề, giữ nghề. Hiện nay, trung bình mỗi ngày cơ sở của chị Huyền sản xuất từ 200 - 300 miếng cu đơ; mỗi năm hơn 60.000 sản phẩm. Mức giá dao động từ 10.000 -20.000 đồng/miếng.

Cũng như thương hiệu kẹo cu đơ Lệ Phương, trong thời đại công nghệ số, nhiều hội viên đã đến học hỏi kinh nghiệm từ gia đình chị Huyền, rồi đầu tư cơ sở vật chất, cải tiến kỹ thuật để kẹo sản xuất nhanh hơn, chất lượng hơn. Cả tỉnh Hà Tĩnh hiệu có khoảng hơn 400 lò kẹo lớn nhỏ, thu hút lượng lao động lớn, nổi bật với nhiều thương hiệu tên tuổi như: Cu đơ Thư Viện, Cầu Phủ, Hương Sơn, Công Thảo, Thu Chiến, Thanh Hạnh, Phong Nga…để cùng vươn lên làm giàu, ổn định cuộc sống.

Cần hỗ trợ hội viên ứng dụng kiến thức được tập huấn vào thực tế

Theo chị, để hội viên ở địa bàn nông thôn không gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận kiến thức, khoa học kỹ thuật hiện đại, các cấp Hội có mong muốn gì?

Tôi nghĩ, với thời đại công nghệ số ngày càng phát triển mạnh mẽ hiện nay, việc đa dạng hóa các hình thức đào tạo và tập huấn cho hội viên, phụ nữ rất quan trọng. Chúng ta không chỉ dừng lại ở các lớp học tập huấn truyền thống, Hội mong muốn có thể triển khai nhiều hình thức đào tạo linh hoạt hơn, như: Các buổi hội thảo chuyên đề, các lớp tập huấn ngắn ngày, các chương trình đào tạo trực tuyến (nếu điều kiện hạ tầng cho phép), hoặc các buổi chia sẻ kinh nghiệm thực tế từ các mô hình thành công.

Tổ hợp tác chăn nuôi gà có liên kết đã giúp nhiều phụ nữ nông thôn ổn định cuộc sống

Tổ hợp tác chăn nuôi gà có liên kết đã giúp nhiều phụ nữ nông thôn ổn định cuộc sống

Tôi cũng mong muốn có đội ngũ cán bộ Hội được đào tạo bài bản về nghiệp vụ, có kiến thức về khoa học kỹ thuật. Đặc biệt là có sự nhiệt tình, tâm huyết trong việc hỗ trợ và hướng dẫn hội viên khi gặp khó trong quá trình phát triển kinh tế gia đình hay khi khởi nghiệp.

Đồng thời, cần hỗ trợ hội viên ứng dụng kiến thức được tập huấn vào thực tế. Bởi chúng ta không chỉ dừng lại ở việc truyền đạt kiến thức, mà Hội mong muốn có các chương trình hỗ trợ hội viên ứng dụng những gì đã học vào thực tế sản xuất và đời sống. Ví như: Hỗ trợ chị em về vốn, giống, vật tư hoặc có thể mở rộng việc kết nối với thị trường tiêu thụ… giúp chị em phụ nữ nông thôn tự tin trong môi trường sản xuất, kinh doanh, tự tin thực hiện ước mơ khởi nghiệp, vươn lên làm giàu của mình.

Xin cảm ơn chị!

Hải Linh (thực hiện)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/ha-tinh-phu-nu-nong-thon-van-kho-tiep-can-cac-nguon-von-vay-uu-dai-20250424170021296.htm
Zalo