Bảo hiểm phi nhân thọ tìm hướng vượt 'bão'
Bão số 3 (Yagi) đã lùi xa nhưng tác động của cơn bão này tạo ra vẫn còn. Phần nào của tác động này thể hiện trên báo cáo kết quả kinh doanh và định hướng hoạt động của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.
‘Bão’ tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông
Những cụm từ như “lỗ”, “giảm lãi” do bão Yagi xuất hiện tại không ít cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2025 của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.

Bão số 3 khiến một nhà máy chế biến thủy hải sản tại Hải Phòng chịu thiệt hại nặng. Ảnh: Hoàng Thắng
Với Tổng công ty bảo hiểm Quân đội (MIC), ông Đinh Như Tuynh, Tổng giám đốc, cho biết có 1.900 vụ tổn thất do bão Yagi, với giá trị bồi thường khoảng 500 tỉ đồng. Hiện toàn bộ chi phí bồi thường cho khách hàng đã được trích lập 100%, thời gian dự kiến hoàn thành giải quyết với toàn bộ khách hàng là tháng 6-2025.
Thừa nhận bão Yagi khiến tỷ lệ bồi thường chung năm 2024 của doanh nghiệp gia tăng so với năm 2023. Nhưng ông Tuynh đánh giá, với cấu trúc tái bảo hiểm - một hình thức san sẻ trách nhiệm, chi phí bồi thường hợp đồng bảo hiểm giữa MIC một doanh nghiệp bảo hiểm khác - ở mức phù hợp, nên tỷ lệ bồi thường chung không quá lớn, chỉ tăng 10%.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng sử dụng 112 tỉ đồng từ quỹ dự phòng giai đoạn lớn để thực hiện bù đắp tổn thất tài chính cho khách hàng do thảm họa, thiên tai. “Nếu không dùng quỹ này, tỷ lệ bồi thường thực tế của MIC sẽ là 35,9%, thay vì mức 31,6% như báo cáo”, ông Tuynh nói với cổ đông.
Tuy nhiên, có một thực tế là dù đã sử dụng nguồn lực từ quỹ dự phòng và giải pháp tái bảo hiểm nhằm phân tán rủi ro, đồng thời nỗ lực gia tăng doanh thu phí bảo hiểm, nhưng lợi nhuận trước thuế cả năm 2024 của MIC chỉ đạt 308 tỉ đồng, thực hiện 70% kế hoạch được các cổ đông tham dự cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 thông qua.
Với PVI, quỹ dự phòng ước khoảng 3.400 tỉ đồng giúp doanh nghiệp dễ dàng trích lập dự phòng đầy đủ với 944 vụ tổn thất sau bão Yagi. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế năm 2024 của doan nghiệp chỉ đạt mức 766 tỉ đồng lãi trước thuế trong năm 2024, vượt kế hoạch đề ra, nhưng vẫn giảm so với mức 795 tỉ đồng của năm 2023. Với riêng lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp chỉ thực hiện khoảng 70% kế hoạch cả năm 2024, do ảnh hưởng của cơn bão số 3.
Theo ước tính của lãnh đạo PVI, lợi nhuận của doanh nghiệp có thể có thêm ít nhất hơn 200 tỉ đồng, nếu không có sự xuất hiện của bão. “Bão Yagi mang đến thử thách nhưng cũng giúp chúng tôi trưởng thành. Với cảm nhận của các khách hàng về giá trị PVI mang lại, chúng tôi tin tưởng rằng họ vẫn sẽ là khách hàng trung thành của PVI sau này”, ông ông Trần Duy Cương, Kế toán trưởng, Giám đốc Ban tài chính - kế hoạch của PVI cho biết.
Tương tự PVI và MIC, Công ty Tái bảo hiểm Hà Nội (Hanoi Re) báo lợi nhuận trước thuế đạt 240,2 tỉ đồng năm 2024, bằng 100% kế hoạch. Tuy nhiên, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm chỉ đạt 23,2 tỉ đồng (46,2% kế hoạch), do ảnh hưởng tiêu cực từ bão Yagi.
Việc doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2024 chủ yếu nhờ lợi nhuận từ hoạt động đầu tư tài chính với 217,6 tỉ đồng, vượt gần 15% kế hoạch và tăng 11,9% so với năm 2023.
Với Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo hiểm VietinBank (VBI), Bảo hiểm Agribank (ABIC) điểm chung là lợi nhuận mảng kinh bảo hiểm sụt giảm do bão. Thậm chí, nhiều đơn vị báo lỗ do chi phí bồi thường tăng đột biến.
Thực tế, bão Yagi gây thiệt hại nghiêm trọng cả về người và tài sản, với chi phí tổn thất ước tính gần 84.000 tỉ đồng tính tới cuối năm 2024. Tổng số tiền bồi thường đạt khoảng 13.000 tỉ đồng.
Điều này khiến tỷ lệ bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tăng đáng kể, với tổng số tiền bồi thường bảo hiểm gốc toàn thị trường khoảng 23.832 tỉ đồng, tương ứng tỷ lệ bồi thường 30% - chưa gồm dự phòng bồi thường. Những nghiệp vụ bảo hiểm có tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc cao, gồm bảo hiểm xe cơ giới (46,2%), bảo hiểm tàu (35,5%), bảo hiểm sức khỏe (29,8%).
Thay đổi nội tại để thích ứng với những cơn ‘bão’ mới
Bão Yagi đã lùi xa và tác động từ bão dần phản ánh vào báo cáo tài chính quí 4-2024 và quí 1-2025, nưng oanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tiếp tục đối mặt với những thách thức mới, từ xung đột địa - chính trị, chính sách thuế quan mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump, tới rủi ro từ thiên nhiên và biến đổi khí hậu.

Nhiều doanh nghiệp khó phục hồi sản xuất sau bão số 3, qua đó ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của các công ty bảo hiểm. Ảnh: Hoàng Thắng
Với chính sách thuế đối ứng, ông Phạm Anh Đức, Tổng giám đốc Bảo hiểm PVI, đánh giá trong trường hợp việc áp thuế thực sự diễn ra, với mức thuế cao như công bố trước đây, thì không quốc gia nào có thể đạt được kế hoạch tăng trưởng, do phải đối mặt cuộc chiến tranh thương mại quy mô lớn.
Hơn nữa, việc tái tục ở mức lãi suất thấp đối với các hợp đồng tiền gửi cũng là một yếu tố khác, khiến các cổ đông của PVI thống nhất thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025 với chỉ tiêu doanh và lợi nhuận trước thuế hợp nhất lần lượt mức 21.437 tỉ đồng và 1.090 tỉ đồng, đều đang thấp hơn kết quả đạt được trong năm 2024.
“Tỷ trọng các mảng doanh thu liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, FDI… tại PVI không lớn. Với mảng liên quan đến dầu khí, chịu ảnh hưởng bởi diễn biến giá dầu, tỷ trọng hiện tại cũng chỉ còn chiếm 10%. Do đó, nếu không xảy ra rủi ro bất khả kháng như cơn bão Yagi, công ty sẽ hoàn thành kế hoạch đề ra”, ông Đức nói.
Khác với PVI, MIC đặt mục tiêu lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm năm 2025 tăng 75% so với năm 2024, còn doanh thu bảo hiểm tăng 25%.
Ông Đinh Như Tuynh, Tổng Giám đốc MIC, cho biết với 33 doanh nghiệp hoạt động trên thị trường phi nhân thọ, cùng xu hướng dịch chuyển từ cạnh tranh về phí sang nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng (từ giai đoạn khách hàng phát sinh nhu cầu, đến giải quyết bồi thường và tái tục hợp đồng – PV), thì những đơn vị có danh mục sản phẩm kém đa dạng, hoặc quá tập trung vào sản phẩm có tỷ lệ bồi thường cao, chi phí bán hàng lớn, sẽ đối mặt với nguy cơ mất thị phần.
“Điều này dẫn đến khả năng cạnh tranh suy giảm và nguy cơ thua lỗ nếu không kiểm soát tốt. Một năm thì có thể cầm cự, nhưng nếu kéo dài nhiều năm, doanh nghiệp sẽ đối mặt với rủi ro mất thị phần. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp không đầu tư vào công nghệ mới sẽ bị tụt hậu so với thị trường”, ông Tuynh đánh giá.
Để thích nghi, MIC đã có những thay đổi về cơ cấu nghiệp vụ nhằm tối ưu hiệu quả lợi nhuận. Cụ thể, dịch vụ bảo hiểm tài sản kỹ thuật của MIC đã lọt vào nhóm 3-4 doanh nghiệp dẫn đầu toàn thị trường. Đặc biệt, tại các địa bàn tham gia đấu thầu, tỷ lệ trúng thầu tăng cao, phản ánh năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
"Chúng tôi thiết kế các sản phẩm bảo hiểm phù hợp, ‘may đo’ theo nhu cầu khách hàng, đặc biệt trong lĩnh vực hàng hải. Doanh nghiệp cũng tổ chức lại đội ngũ bán hàng theo hướng tinh gọn, nâng cao năng suất và thay đổi sản phẩm phù hợp để đáp ứng thị trường", lãnh đạo MIC cho biết.
Bên cạnh đó MIC sẽ tái cơ cấu danh mục đầu tư theo hướng tăng đầu tư cổ phiếu và trái phiếu có tiềm năng tốt, với kỳ vọng lợi nhuận từ hoạt động này sẽ bù đắp được ảnh hưởng của môi trường lãi suất thấp.
Tuy nhiên, điểm đáng lưu tâm là hiệu quả từ hoạt động đầu tư được lãnh đạo MIC đưa ra dựa trên kỳ vọng chỉ số VnIndex dao động trong khoảng 1.300-1.500 điểm, cùng động thái khuyến khích đầu tư công của Chính phủ. Trong khi đó, hoạt động đầu tư chứng khoán thường tồn tại nhiều rủi ro, lợi nhuận từ hoạt động đầu tư có thể tăng hoặc giảm đột biến, phụ thuộc vào kỳ báo cáo và danh mục tài sản đầu tư của doanh nghiệp.