Cuộc chiến nguy hiểm hơn đang rình rập nước Mỹ phía sau chính sách thuế quan

Thị trường bán tháo, nhà đầu tư rút chạy, đồng USD suy yếu – phải chăng chính sách thương mại của Tổng thống Trump đang mở đầu cho một cuộc 'ly khai tài chính' khỏi nước Mỹ?

Đồng tiền đô la Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Đồng tiền đô la Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Theo Wall Street Journal, sự biến động trên thị trường tài chính và sự suy yếu của đồng USD đang khiến giới chuyên gia lo ngại về một cuộc tái cơ cấu tài chính toàn cầu, xa rời khỏi Mỹ. Chính sách thương mại đầy tham vọng và ngẫu hứng của Tổng thống Donald Trump đang làm dấy lên những mối lo ngại về một "cuộc chiến tài chính" nguy hiểm hơn nhiều so với một cuộc chiến thương mại đơn thuần.

Thị trường phản ứng mạnh

Đầu tháng 4/2025, sau khi Tổng thống Trump công bố chính sách thương mại của mình, thị trường tài chính đã phản ứng dữ dội. Một đợt bán tháo tàn khốc diễn ra trên thị trường trái phiếu, với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm đạt mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ năm 1987. Điều đáng chú ý là đợt bán tháo này diễn ra trong bối cảnh đồng USD suy yếu, điều mà thông thường không xảy ra trong các đợt căng thẳng thị trường. Sự kết hợp bất thường này đã khiến nhiều nhà phân tích cảnh báo về nguy cơ vốn chảy khỏi Mỹ.

Steven Blitz, nhà kinh tế trưởng của GlobalData TS Lombard tại Mỹ, đã nêu rõ: "Ý tưởng cho rằng bạn có thể phá vỡ hoạt động thương mại nhưng không phá vỡ dòng vốn là một điều viển vông".

Chính sách thương mại của Tổng thống Trump cũng đang đe dọa làm tăng chi phí đi vay của Mỹ bằng cách làm suy yếu vị thế thống trị tài chính lâu đời của Washington, vốn đã thu hút hàng nghìn tỷ USD tiền nước ngoài vào nước này trong nhiều năm qua.

Mặc dù thị trường đã ổn định trở lại trong những ngày gần đây khi Tổng thống Trump làm dịu lập trường cứng rắn về thuế quan, nhưng những dấu hiệu ban đầu cho thấy một sự thay đổi trong cách các nhà đầu tư toàn cầu đánh giá tài sản Mỹ.

Thay đổi hành vi của nhà đầu tư

Steven Kamin, cựu chuyên gia kinh tế cấp cao của Fed hiện đang làm việc tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, nhận định: "Hành vi của các nhà đầu tư đã thay đổi. Thông thường, họ sẽ mua USD trong thời kỳ khủng hoảng này, nhưng thay vào đó, họ lại bán USD. Điều này cho thấy có thể các nhà đầu tư đang trở nên 'ngờ vực' về tính an toàn của các tài sản bằng USD".

Một số sự xáo trộn của thị trường phản ánh việc các quỹ đầu cơ và các nhà đầu tư lớn buộc phải hủy bỏ các giao dịch đã trở nên không có lợi nhuận.

Trong một cuộc trao đổi với các nhà phân tích đầu tháng 4 này, Giám đốc điều hành BlackRock Larry Fink cho biết Mỹ có thể phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn sau nhiều năm được hưởng lợi và chỉ ra rằng châu Âu là điểm đến tiềm năng tốt hơn cho vốn nước ngoài.

Ingo Mainert, Giám đốc đầu tư đa tài sản tại bộ phận quản lý tài sản của Allianz, cũng cho biết công ty đã chuyển từ tài sản Mỹ sang tài sản châu Âu trong tháng qua. Ông cũng tiết lộ rằng nhiều khách hàng đang cân nhắc giảm đáng kể các khoản liên kết với Mỹ, bao gồm cả việc chuyển khỏi các chỉ số như MSCI World Index, vốn được cân nhắc cho hơn 70% cho cổ phiếu Mỹ.

Theo ông Mainert, quá trình này có thể kéo dài từ sáu tháng đến một năm khi khách hàng hoàn tất các đánh giá chính thức về phân bổ tài sản của họ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng, Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng, Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN

Hậu quả tiềm tàng

Ngay cả khi điều kiện thị trường ổn định, một quá trình làm giảm dần nhu cầu của nước ngoài đối với tài sản Mỹ có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp Mỹ. Hiện tại, khoảng 30% trong số gần 29 nghìn tỷ USD trái phiếu kho bạc do công chúng nắm giữ là do người nước ngoài sở hữu, mặc dù tỷ lệ nắm giữ này đã giảm đều đặn kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Dữ liệu từ Bộ tài chính Nhật Bản cho thấy các nhà đầu tư tư nhân tại Nhật Bản đã bán 17,5 tỷ USD trái phiếu dài hạn của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 4/4, đây là lượng trái phiếu nước ngoài bán ra lớn nhất kể từ trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11/2024, theo Bank of America.

Các quan chức chính quyền Trump trước đây đã lập luận rằng người tiêu dùng sẽ không phải chịu chi phí tăng thuế quan vì đồng USD sẽ mạnh lên. Tuy nhiên, đồng USD yếu hơn lại khiến các nhà nhập khẩu và bán lẻ Mỹ có nhiều khả năng phải chuyển các chi phí tăng thêm sang người tiêu dùng.

Ludovic Subran, nhà kinh tế trưởng và Giám đốc đầu tư tại Allianz, công ty bảo hiểm khổng lồ của Đức, cho biết: "Thuế quan chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Nếu đồng USD mất giá 30%, thì lợi nhuận đầu tư của bạn vào Mỹ là bao nhiêu? Mọi người đều đang tính toán".

Ngoài cuộc chiến thương mại "thất thường" của Tổng thống Trump, các nhà đầu tư toàn cầu đang phải đối mặt với nguy cơ thâm hụt ngân sách tăng ở Mỹ và châu Âu cũng như nguy cơ xói mòn tính độc lập của chính sách tiền tệ Mỹ.

Eric Rosengren, người từng giữ chức Chủ tịch của Fed tại Boston từ năm 2007 đến năm 2021, cảnh báo: "Điều này càng kéo dài, thì khả năng USD trở thành một loại tiền tệ dự trữ ít hơn trước đây càng cao".

Như vậy, trong một thế giới mà Mỹ không được coi là đối tác đáng tin cậy, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ dần đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình sang franc Thụy Sĩ, vàng, yên Nhật hoặc euro, làm suy yếu thêm vai trò toàn cầu của đồng USD.

Vũ Thanh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/cuoc-chien-nguy-hiem-hon-dang-rinh-rap-nuoc-my-phia-sau-chinh-sach-thue-quan-20250425182949572.htm
Zalo