Hà Nội hút doanh nghiệp vào sản xuất sản phẩm chất lượng
Thành phố Hà Nội đặt ra mục tiêu thu hút sự tham gia của 20-25 doanh nghiệp với khoảng 30-35 sản phẩm được công nhận sản phẩm chất lượng thành phố năm 2025.
Trong số đó, có 10-15 sản phẩm được công nhận lần đầu. Thành phố phấn đấu 100% các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chất lượng thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của thành phố.
Để đạt được mục tiêu trên, thành phố tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chất lượng thành phố Hà Nội.
Cụ thể là cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực xây dựng, hải quan, thuế, đầu tư. Đồng thời, tập trung triển khai, đôn đốc tiến độ thành lập, xây dựng mới và hoàn thiện đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố. Hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chất lượng tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, các quỹ của Trung ương và Thành phố.
Thành phố cũng hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chất lượng thành phố phát triển khoa học công nghệ: Kết nối với các viện nghiên cứu, các trường đại học trong nước, các nhà khoa học; Thông tin, liên kết mời các nhà sản xuất công nghệ, thiết bị của các nước có nền công nghiệp phát triển vào Việt Nam gặp gỡ, kết nối với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chất lượng thành phố Hà Nội.
Hà Nội sẽ tập trung phát triển nguồn nhân lực, tổ chức hoạt động kết nối doanh nghiệp sản xuất xuất sản phẩm chất lượng với các cơ sở đào tạo uy tín trên địa bàn thành phố; Tổ chức các lớp tập huấn ngắn hạn cho lãnh đạo, cán bộ quản lý các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chất lượng thành phố. Cùng với đó, xét chọn và tôn vinh sản phẩm công nghiệp chủ lực.
Thành phố đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chất lượng như: tổ chức hội chợ sản phẩm công nghiệp chất lượng, các khu trưng bày, các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư; tổ chức các hoạt động kết nối, hợp tác trong sản xuất kinh doanh giữa các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chất lượng với nhau và với các doanh nghiệp khác của thành phố và các tỉnh, thành phố trong cả nước. Thành phố cũng xây dựng Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chất lượng thành phố Hà Nội giai đoạn 2026 – 2030, có xét đến năm 2045.
Với vai trò là cơ quan thường trực, Sở Công Thương phối hợp các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quảng bá và tôn vinh thương hiệu sản phẩm công nghiệp chất lượng Hà Nội, Chương trình sản phẩm công nghiệp chất lượng của Thành phố; huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cùng với nguồn kinh phí Thành phố đầu tư, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, sản phẩm công nghiệp chất lượng Hà Nội.
Các sở, ban, ngành có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp Sở Công Thương thực hiện Kế hoạch đảm bảo tiến độ, đạt mục tiêu, thiết thực, hiệu quả, không chồng chéo, đúng quy định. Giới thiệu các doanh nghiệp thuộc ngành, lĩnh vực mình quản lý đáp ứng đủ điều kiện để tham gia Chương trình xét chọn sản phẩm công nghiệp chất lượng Hà Nội năm 2025.
UBND các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh tuyên truyền về đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chất lượng Thành phố đến các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chất lượng Hà Nội trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
UBND Thành phố yêu cầu triển khai kế hoạch đảm bảo đúng đối tượng, đúng quy định nhằm đạt được các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Trên cơ sở đó, các Sở ngành của Thành phố xây dựng và lồng ghép vào các chương trình, Kế hoạch khác do đơn vị mình chủ trì để thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu đề ra.
Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam TS Trần Đình Thiên chia sẻ, thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chất lượng đã khẳng định được vai trò làm trụ đỡ, động lực cho phát triển công nghiệp Thủ đô. “Mỗi năm, những doanh nghiệp này đạt doanh thu gần 200.000 tỉ đồng, chiếm gần 35% tổng giá trị sản xuất công nghiệp TP. Không dừng ở đáp ứng cho thị trường trong nước, các SPCNCL đã tăng trưởng rất nhanh về giá trị xuất khẩu, hiện kim ngạch xuất khẩu đạt gần 2 tỉ USD” - ông Thiên nêu ví dụ.
Là một trong những doanh nghiệp sản xuất ản phẩm công nghiệp chất lượng Hà Nội, Tổng Giám đốc Công ty CP Dụng cụ cơ khí xuất khẩu Nguyễn Ngọc Chung cho biết, doanh nghiệp đang hướng tới mục tiêu làm ra sản phẩm đạt chất lượng quốc tế, phục vụ người Việt và vươn tầm ra thế giới. “Hiện doanh nghiệp đang sản xuất thang máy Made in Vietnam tiêu chuẩn châu Âu, trong đó phần động cơ thang máy, doanh nghiệp đã ký kết hợp tác chiến lược toàn diện với Tập đoàn CSAG - Tây Ban Nha. Việc này mở ra cơ hội cho người tiêu dùng Việt Nam sử dụng thang máy tiêu chuẩn châu Âu với mức chi phí hợp lý” - ông Chung chia sẻ.
Thực tế cho thấy, trong quá trình sản xuất sản phẩm công nghiệp chất lượng, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với những khó khăn do những tác động tiêu cực của kinh tế thế giới có nhiều bất ổn về địa chính trị.
Tổng Giám đốc Công ty CP Cơ điện TOMECO Lê Quý Khả than rằng, hiện đơn vị đã trở thành nhà cung ứng cho Tập đoàn General Electrie-GE (Hoa Kỳ) nhưng để phát triển sản xuất đủ sức tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu cần có số vốn lớn nhưng hiện các ngân hàng đang áp dụng lãi vay lên đến 9,2%/năm. Đặc biệt, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay sản suất kinh doanh khi ngân hàng báo hết “room” tín dụng.