Hà Nội đẩy mạnh tiêm chủng vắc xin phòng Sởi và tăng cường giám sát dịch bệnh

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội cho biết, trong tuần qua (từ ngày 6/12 đến ngày 13/12), toàn thành phố ghi nhận 44 ca mắc Sởi tại 20 quận, huyện, không có ca tử vong. So với tuần trước, số ca mắc tăng thêm 19 trường hợp (25 ca). Tính từ đầu năm 2024 đến nay, TP Hà Nội ghi nhận 209 ca mắc Sởi tại 29 quận, huyện, không có trường hợp tử vong.

Theo CDC TP Hà Nội, bệnh nhân mắc Sởi chủ yếu là trẻ nhỏ và người chưa tiêm chủng đầy đủ. Cụ thể, các ca bệnh phân bố theo nhóm tuổi gồm: 58 trường hợp dưới 9 tháng tuổi (27,8%), 33 trường hợp từ 9 đến 11 tháng tuổi (15,8%), 32 trường hợp từ 12 đến 24 tháng tuổi (15,3%), 31 trường hợp từ 25 đến 60 tháng tuổi (14,8%) và 55 trường hợp trên 60 tháng tuổi (26,3%). Dự báo trong thời gian tới, số ca mắc Sởi có thể tiếp tục gia tăng, đặc biệt ở nhóm trẻ dưới 1 tuổi và trên 5 tuổi.

Bên cạnh dịch Sởi, trong tuần qua, thành phố cũng ghi nhận thêm 317 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm 291 ca so với tuần trước. Các bệnh nhân phân bố tại 27/30 quận, huyện, trong đó các địa bàn có số ca mắc cao là Hà Đông (36 ca), Đống Đa (33 ca), Nam Từ Liêm (24 ca), Phúc Thọ (22 ca) và Hoàng Mai (20 ca). Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, TP Hà Nội có 8.749 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm 77,7% so với cùng kỳ năm ngoái (39.343 ca). Trong tuần, thành phố phát hiện thêm 10 ổ dịch mới tại 7 quận, huyện, nâng tổng số ổ dịch từ đầu năm lên 466, hiện còn 18 ổ dịch đang hoạt động.

 Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba khám sàng lọc cho trẻ khi đến tiêm chủng.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba khám sàng lọc cho trẻ khi đến tiêm chủng.

Ngoài ra, CDC TP Hà Nội cũng ghi nhận 26 ca mắc tay chân miệng, không có trường hợp tử vong, tương đương với tuần trước. Tính từ đầu năm đến nay, thành phố có 2.474 ca mắc tay chân miệng, giảm so với cùng kỳ năm 2023 (2.710 ca). Trong tuần, phát hiện 2 ổ dịch tay chân miệng mới tại phường Mễ Trì (Nam Từ Liêm) và xã Cao Viên (Thanh Oai).

Trước diễn biến phức tạp của các dịch bệnh, CDC TP Hà Nội đã phối hợp với các địa phương tăng cường giám sát, điều tra và xử lý các ca bệnh, ổ dịch. Cụ thể, các hoạt động giám sát dịch bệnh Sởi được triển khai tại nhiều khu vực như Phú Đô (Nam Từ Liêm), Giang Biên (Long Biên), Hạ Đình (Thanh Xuân) và Thành Công (Ba Đình). Đồng thời, chiến dịch tiêm chủng vắc xin bạch hầu, uốn ván (Td) cho trẻ 7 tuổi cũng được triển khai tại các quận, huyện như Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Phúc Thọ, Ba Đình và Thanh Trì.

Trong thời gian tới, CDC TP Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện giám sát dịch bệnh tại các điểm nóng như Thượng Thanh (Long Biên), Xuân La (Tây Hồ) và La Khê (Hà Đông). Các trung tâm y tế quận, huyện được yêu cầu đẩy mạnh công tác rà soát, phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, khoanh vùng xử lý triệt để, không để dịch lây lan rộng. Đặc biệt, các đơn vị y tế cần tổ chức tiêm chủng bổ sung vắc xin Sởi cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi chưa tiêm đủ mũi và triển khai tiêm vắc xin Td cho trẻ 7 tuổi theo chỉ đạo của Bộ Y tế.

Song song với các biện pháp trên, CDC TP Hà Nội cũng tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống. Người dân được khuyến cáo chủ động thực hiện tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch để bảo vệ sức khỏe, nhất là đối với các bệnh thường gặp trong mùa đông - xuân như Sởi, Sốt xuất huyết và Tay chân miệng.

Công Ngọc

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/y-te/ha-noi-day-manh-tiem-chung-vac-xin-phong-soi-va-tang-cuong-giam-sat-dich-benh-169911.html
Zalo