Hà Giang tăng 20 bậc so với năm 2022 về chuyển đổi số cấp tỉnh

Tỉnh Hà Giang đứng 37/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 20 bậc so với năm 2022 về chỉ số chuyển đổi số năm 2023 (Chỉ số DTI).

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố "Báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - DTI cấp bộ, cấp tỉnh năm 2023". Đây là lần thứ 4 liên tiếp Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá mức độ chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương.

Điểm DTI 2023 là tổng điểm của 9 chỉ số chính với 98 chỉ số thành phần 9 chỉ số chính được phân thành Nhóm chỉ số nền tảng chung và Nhóm chỉ số về hoạt động. Nhóm chỉ số nền tảng chung gồm 6 chỉ số chính: Nhận thức số, Thể chế số, Hạ tầng số, Nhân lực số, An toàn thông tin mạng, Đô thị thông minh (không tính điểm vào DTI cấp tỉnh); Nhóm chỉ số về hoạt động gồm 3 chỉ số chính: Hoạt động chính quyền số, Hoạt động kinh tế số, Hoạt động xã hội số.

Điểm Trụ cột chính quyền số là tổng điểm của 7 chỉ số chính gồm 6 chỉ số thuộc nhóm chỉ số nền tảng chung và chỉ số Hoạt động chính quyền số; Điểm Trụ cột kinh tế số là tổng điểm của 7 chỉ số chính gồm 6 chỉ số thuộc nhóm chỉ số nền tảng chung và chỉ số Hoạt động kinh tế số; Điểm Trụ cột xã hội số là tổng điểm của 7 chỉ số chính gồm 6 chỉ số chính thuộc nhóm chỉ số nền tảng chung và chỉ số Hoạt động xã hội số.

Đối với khối địa phương, top 10 tỉnh, thành phố về DTI 2023 gồm: Đà Nẵng, TP.HCM, Thừa Thiên Huế, Lạng Sơn, Cần Thơ, Hà Nội, Bình Dương, Hải Phòng, Bắc Giang và Bà Rịa-Vũng Tàu. Tỉnh Hà Giang đứng 37/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 20 bậc so với năm 2022.

Để đạt được kết quả này, thời gian qua, tỉnh Hà Giang đã có nhiều nỗ lực trong công tác chuyển đổi số. Năm 2024, tỉnh Hà Giang đã thực hiện những bước tiến lớn trong hành trình chuyển đổi số, tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ trong quản lý hành chính, phát triển kinh tế. Tinh thần chuyển đổi số đã được lan tỏa mạnh mẽ thông qua sự kết hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, các doanh nghiệp và người dân, biến thách thức thành cơ hội và thúc đẩy quá trình hiện đại hóa trên toàn tỉnh.

Về chính quyền số được xây dựng dựa trên nền tảng chính quyền điện tử đã và đang phát triển vững chắc, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đã đạt 82%, trong khi tỷ lệ hồ sơ có giao dịch thanh toán trực tuyến đạt trên 90%.

Việc áp dụng mô hình họp không giấy tờ và hoàn thiện Kiến trúc Chính quyền điện tử phiên bản 3.0 đã giúp tỉnh nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động cơ quan Nhà nước, đồng thời giảm thiểu thời gian và chi phí cho người dân khi tiếp cận các dịch vụ công.

Trong lĩnh vực kinh tế, tỉnh Hà Giang đã ghi nhận những thành tựu nổi bật. 100% các hộ sản xuất nông nghiệp đã có tài khoản trên sàn thương mại điện tử, giúp các sản phẩm nông sản đặc trưng như cam sành, mật ong bạc hà... dễ dàng tiếp cận thị trường rộng lớn hơn. Đồng thời, các sản phẩm OCOP của tỉnh cũng được đăng tải và quảng bá trên các sàn thương mại điện tử, mang lại doanh thu ổn định cho các hộ nông dân.

Tỉnh Hà Giang cũng đã triển khai thành công mô hình chợ 4.0, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ trung tâm huyện, xã, giúp minh bạch hóa giao dịch và tạo môi trường kinh doanh hiện đại hơn. Với tỷ lệ dân số trên 15 tuổi có tài khoản giao dịch điện tử đạt trên 80%, Hà Giang đã trở thành một trong những địa phương tiên phong trong chuyển đổi số lĩnh vực kinh tế.

Hà Giang cũng đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng xã hội số, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận công nghệ và các dịch vụ số. Hiện nay, 100% các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh đã có cáp quang đến trung tâm; tỷ lệ thôn được phủ sóng điện thoại di động đạt 98,9%, giúp người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ viễn thông hiện đại.

Đặc biệt là công tác cải cách hành chính, hướng đến xây dựng chính quyền số, tỉnh đặt mục tiêu: “Lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền”.

Để phấn đấu hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và Nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 05/01/2024, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024, UBND tỉnh đã ban hành 96 văn bản chỉ đạo, điều hành về Cải cách TTHC. Kết quả tỉnh hoàn thành 26/33 chỉ tiêu, đạt tỷ lệ 78,79%; hoàn thành 45/48 nhiệm vụ, đạt 93,75%; hoàn thành tích hợp, chia sẻ, đồng bộ dữ liệu giữa các Cơ sở dữ liệu 23/32 nhiệm vụ, đạt 71,86%.

Trong năm 2024, tỉnh Hà Giang đã thực hiện giảm thời gian giải quyết trên 265 thủ tục hành chính ngay từ khâu đầu tiên công bố Danh mục thủ tục hành chính; hoàn thành rà soát, đơn giản hóa, tái cấu trúc quy trình cho 567 thủ tục hành chính nội bộ để giải quyết công việc cụ thể cho cơ quan hành chính nhà nước, bảo đảm việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước theo quy định tại Quyết định số 1085/QĐ-TTg; phê duyệt phương án đơn giản hóa 13 thủ tục hành chính giúp giải quyết hồ sơ cho tổ chức, cá nhân được nhanh chóng, thuận tiện hơn.

Tỉnh Hà Giang chú trọng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai các dịch vụ công trực tuyến giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân. Tỉnh cũng thực hiện công bố Danh mục 405 dịch vụ công trực tuyến toàn trình không sử dụng bản giấy, qua đó tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc tra cứu thông tin, giải quyết thủ tục hành chính.

Bích Đào

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ha-giang-tang-20-bac-so-voi-nam-2022-ve-chuyen-doi-so-cap-tinh-2370342.html
Zalo