Tăng trưởng từ đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao

Chiều 11/2, tại trụ sở Chính phủ, Hội nghị phát triển khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Hội nghị thảo luận các nhiệm vụ, giải pháp góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên, tạo đà, tạo thế, tạo lực cho những năm tiếp theo đạt tăng trưởng 2 con số và triển khai Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 57, tinh thần là rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm.

Giải pháp “cởi trói” cho khoa học công nghệ

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh muốn tăng trưởng thì phải tăng năng suất lao động, trên cơ sở phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo (ĐMST), chuyển đổi số, nhân lực chất lượng cao; giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo là đầu tư cho phát triển.

Chương trình hành động của Chính phủ đã chỉ rõ 7 nhóm nhiệm vụ với 142 nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành, cơ quan, địa phương; vấn đề là tổ chức thực hiện thế nào để khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nhân lực chất lượng cao thực sự là yếu tố đột phá, động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế, phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị, ảnh: Nhật Bắc/VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị, ảnh: Nhật Bắc/VGP

Trình bày báo cáo tổng hợp tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định KHCN, ĐMST, nhân lực chất lượng cao là những nhân tố có ý nghĩa quyết định trong nâng cao năng suất lao động, tối ưu hóa nguồn lực, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và tạo ra các sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng cao.

Thứ hai, KHCN, ĐMST có vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, bền vững, theo chiều sâu, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong kỷ nguyên công nghệ, tạo tiền đề cho những bứt phá mạnh mẽ để đạt được mục tiêu tăng trưởng cao trong thời gian dài.

Thứ ba, phát triển mạnh mẽ KHCN, ĐMST là yêu cầu tất yếu để nâng cao vị thế quốc gia, chủ động tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu và từng bước khẳng định vai trò của Việt Nam trong nền kinh tế thế giới.

Đồng tình với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá để phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và đặc biệt là quyết tâm đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, trong đó KHCN&ĐMST phải có những giải pháp đột phá, tạo động lực phát triển quan trọng trong năm 2025 và tạo tiền đề, xung lực mới, khí thế mới cho Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tiếp theo.

Quang cảnh Hội nghị

Quang cảnh Hội nghị

Thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và chuyển đổi số quốc gia và triển khai Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ; Bộ Khoa học và Công nghệ đã khẩn trương phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu, xây dựng, hoàn thiện và triển khai các giải pháp mang tính đột phá để quyết tâm "cởi trói", tháo gỡ các điểm nghẽn cản trở sự phát triển của KHCN, ĐMST, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. 3 nhiệm vụ trọng tâm gồm:

Thứ nhất, tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách về KHCN, ĐMST, bao gồm các việc hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách mới để tháo gỡ ngay các vướng mắc, khó khăn trong hoạt động KHCN, ĐMST; tập trung xây dựng Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo để thể chế hóa các chủ trương, chính sách đột phá của Đảng về KHCN, ĐMST theo quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 57-NQ/TW, trình Quốc hội thông qua trong năm 2025 cùng nhiều luật quan trọng khác…

Thứ hai, triển khai các giải pháp cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII của Việt Nam. Theo ông Huỳnh Thành Đạt, dù kết quả Chỉ số GII của Việt Nam luôn có sự cải thiện tích cực. Tuy nhiên, trên thực tế với tốc độ phát triển mạnh mẽ của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới như hiện nay, nếu Việt Nam không đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hệ thống đổi mới sáng tạo thì việc duy trì, cải thiện chỉ số GII là rất khó khăn. Chính vì vậy các bộ, ngành cần chung tay bám sát các chỉ tiêu thành phần được phân công, tập trung xây dựng các chính sách, kế hoạch hành động phù hợp để hoàn thiện hệ thống đổi mới sáng tạo của quốc gia.

Thứ ba, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ tin rằng cần đẩy nhanh tiến độ thí điểm các chính sách đặc thù đối với hoạt động KHCN, ĐMST tại các địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Khi các cơ chế, chính sách đặc thù, tháo gỡ điểm nghẽn được thí điểm thành công tại các địa phương nêu trên sẽ là tiền đề để nhân rộng mô hình triển khai cho các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Giải pháp để thu hút nguồn nhân lực khoa học chất lượng cao

Nhấn mạnh về vai trò quan trọng của nhân lực, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực khoa học, công nghệ đóng vai trò quyết định quá trình chuyển dịch nền kinh tế từ thâm dụng nhân công, thâm dụng vốn, tới thâm dụng tri thức và công nghệ, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Việc tăng số lượng và chất lượng nguồn nhân lực trình độ cao có tác động mạnh tới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bởi 3 yếu tố: Tăng năng suất lao động trực tiếp và gián tiếp; tăng thu hút đầu tư và phát triển các lĩnh vực thâm dụng tri thức và công nghệ; và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực có giá trị gia tăng lớn.

Thu hút và phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ chất lượng cao, nhất là đội ngũ nhân tài công nghệ, ngày nay đã trở thành yếu tố cạnh tranh cốt lõi giữa các quốc gia, trong đó hệ thống giáo dục đại học giữ vai trò nòng cốt.

Hiện tại, Bộ GD&ĐT xác định những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm là cần hoàn thiện thể chế cho phát triển giáo dục đại học với mục tiêu tháo gỡ các điểm nghẽn, giải phóng các nguồn lực, phát huy tiềm năng của tự chủ đại học, phát triển các cơ sở giáo dục đại học thành các trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo mạnh.

Các chính sách ưu đãi thuế, tiếp cận vốn vay với các cơ sở giáo dục đại học và các nhà đầu tư cho giáo dục đại học (trong đó có thuế thu nhập doanh nghiệp) rất cần thiết cho họ.

Chính sách hỗ trợ tài chính cho người học, đặc biệt để thu hút nhiều học sinh, sinh viên giỏi theo học các ngành STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật); chính sách hỗ trợ đào tạo và thu hút giảng viên, đặc biệt thu hút chuyên gia nước ngoài; các chính sách đầu tư, phân bổ ngân sách nhà nước cho các cơ sở giáo dục đại học cần có những đổi mới theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả.

Nhóm nhiệm vụ trong tâm thứ hai là nâng cao năng lực, hiện đại hóa hệ thống giáo dục đại học với mục tiêu nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tối ưu hóa hoạt động của cả hệ thống giáo dục đại học và từng cơ sở giáo dục đại học.

Đồng thời, cần đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực STEM gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo với mục tiêu bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao về số lượng, chất lượng và cơ cấu phục vụ đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Bộ Giáo dục và đào tạo xác định sẽ tập trung triển khai Chương trình đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn và 2 đề án quan trọng đã trình Thủ tướng (Đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao, Đề án phát triển hệ thống trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng về công nghệ 4.0); phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và triển khai các đề án, kế hoạch đào tạo nhân lực cụ thể cho các ngành đường sắt, điện hạt nhân và các ngành công nghệ khác.

Hồng Quang

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/tang-truong-tu-dot-pha-khoa-hoc-cong-nghe-doi-moi-sang-tao-va-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-160393.html
Zalo