Hà Giang góp sức vào đại thắng mùa Xuân 1975
BHG - Cuộc trường kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước 1954 - 1975 là một trang sử oanh liệt của dân tộc Việt Nam. Với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, Hà Giang những năm tháng kháng chiến cùng miền Bắc khẳng định vai trò là hậu phương chi viện cho miền Nam ruột thịt, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân 1975.
Tìm trong kho dữ liệu lịch sử của Hà Giang thời kỳ 1954 - 1975, được thấy bao tinh thần kháng chiến của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh. Dù là địa bàn xa xôi, khó khăn nhất của miền Bắc khi ấy, nhưng từ những năm 1961, 1962, đế quốc Mỹ đã để ý đến địa bàn Hà Giang. Chúng đã nhiều lần đưa máy bay thăm dò, dọa dẫm không phận Hà Giang, nhất là tuyến Quốc lộ 2, vùng sát biên giới Việt – Trung và tiến hành những hoạt động chống phá bằng nhiều hình thức. Đầu năm 1965, Mỹ đánh phá miền Bắc quy mô lớn và ác liệt, lúc này cùng với các tỉnh, thành miền Bắc, Hà Giang chuyển hoạt động KT – XH từ thời bình sang thời chiến để đối phó với chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

Học sinh tìm hiểu lịch sử cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ tại Bảo tàng tỉnh.
Những năm tháng gian khổ, nhưng trong khí thế quyết tâm thắng giặc Mỹ, ở Hà Giang luôn sôi nổi tinh thần “Ba sẵn sàng” của thanh niên, “Ba đảm đang” của phụ nữ; tinh thần cung cấp sức người, sức của cho tiền tuyến luôn có trong ý chí của Đảng bộ, chính quyền và mỗi người dân Hà Giang. Đầu năm 1965, đợt tuyển quân đầu tiên theo Luật Nghĩa vụ quân sự thời chiến, Hà Giang có 3.035 người được tuyển chọn nhập ngũ. Các phong trào “Tay cày, tay súng”, “Vì miền Nam ruột thịt”, “Thửa ruộng 5 tấn thắng Mỹ”, “Tuần lễ làm phân chống Mỹ”… được phát động rộng khắp và được bà con các địa phương nhiệt liệt hưởng ứng.
Từ tháng 8 đến tháng 10.1965, máy bay Mỹ nhiều lần gầm rú, uy hiếp bầu trời Hà Giang, chúng ném bom phá sập cầu Vĩnh Tuy (Bắc Quang) với mục đích làm tê liệt giao thông, phá hoại, ngăn sự chi viện từ nước bạn Trung Quốc qua đường Hà Giang. Trong năm 1965, Mỹ 2 lần đánh bom vào thị trấn Vĩnh Tuy khiến một số bộ đội ta hy sinh, một số người dân thiệt mạng và bị thương, từ đây tinh thần căm thù giặc càng lên cao. Nhiều lá đơn tình nguyện lên đường đánh Mỹ đã được viết, tính riêng tại thị xã Hà Giang, cuối năm 1965 đã có đến 400 lá đơn tình nguyện lên đường của thanh niên. Trong sự sa lầy ở chiến trường Việt Nam, Mỹ tiếp tục đẩy mạnh tấn công ra miền Bắc, liên tiếp 2 ngày 17, 18.10.1972, Mỹ ném bom khu vực cầu Vĩnh Tuy, gây hư hỏng một số đoạn đường quan trọng của ta.
Theo ghi nhận, dù còn muôn vàn khó khăn, nhưng với tinh thần vì miền Nam ruột thịt, Hà Giang luôn đảm bảo giao đủ lương thực, vật chất để ủng hộ miền Nam chống Mỹ. Các phong trào thi đua lao động, sản xuất được thúc đẩy mạnh mẽ. Nông dân phấn đấu đạt năng suất lúa từ 4 – 5 tấn/ha, các cơ quan, đơn vị sản xuất thi đua với “ngày thứ 7 vì miền Nam ruột thịt”… Thực thiện Lệnh tổng động viên của Chủ tịch nước, tháng 11.1967, Tiểu đoàn Lâm Đồng 1 được thành lập tại Hà Giang, di chuyển về tỉnh Hà Bắc để nhập với Sư đoàn 304 hành quân vào miền Nam chiến đấu; sau đó tiếp tục là Tiểu đoàn Lâm Đồng 2 được thành lập để chi viện cho miền Nam. Và qua các năm tiếp theo, có rất nhiều cán bộ, thanh niên Hà Giang xung phong lên đường vào Nam chiến đấu. Đến tận thời khắc ngày 30.4.1975, vẫn còn con em Hà Giang có mặt trên những chuyến tàu, xe tiến quân vào Nam.
Giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thực hiện phong trào kết nghĩa Bắc – Nam, tỉnh Hà Giang và tỉnh Lâm Đồng đã kết nghĩa anh em. Tình cảm kết nghĩa này không chỉ động viên tinh thần đấu tranh, giải phóng quê hương Lâm Đồng mà còn là động lực để rất nhiều hoạt động thi đua sản xuất ở Hà Giang có gắn với tên Lâm Đồng, đặc biệt là công trường mở đường Lâm Đồng từ Bắc Quang đi Hoàng Su Phì những năm 60 của thế kỷ trước. Trên tất cả các lĩnh vực KT – XH, sản xuất lương thực, thực phẩm, công nghiệp, giao thông, giáo dục…, đều có những thành quả phát triển đáng ghi nhận. Từ đó, hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm và tiền của quyên góp từ Hà Giang gửi ra chiến trường. Tinh thần yêu nước, chống giặc càng làm tăng thêm tinh thần đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc ở Hà Giang. Từ đó, không chỉ tập trung làm tốt công tác xây dựng, phát triển tỉnh nhà, mà còn thực hiện tốt nhiệm vụ chi viện cho tiền tuyến miền Nam.
Đại thắng mùa Xuân 1975 là chiến thắng của cả dân tộc ta, trong đó có biết bao ý chí và máu xương Nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang cống hiến, hy sinh cho ngày thống nhất non sông. Nhiều con em Hà Giang đã anh dũng ngã xuống trên các chiến trường, nhiều người lính trở về mang theo những vết thương bom đạn; hậu quả từ chất độc da cam dioxin trên chiến trường vẫn để lại không ít nỗi đau. Chiến tranh đã lùi xa qua 50 năm, nhưng tinh thần “tất cả vì tiền tuyến”, “tất cả vì miền Nam ruột thịt năm xưa” vẫn luôn được Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân gìn giữ. Đó là truyền thống quý báu, là nền tảng tinh thần vững chắc cho sự phát triển của Hà Giang, đặc biệt là trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.