'Như có Bác trong ngày đại thắng': Giai điệu vang mãi nửa thế kỷ
Có một Hà Nội rất khác trong tháng Tư. Không vội vã, không ồn ào, mà lặng lẽ, bình yên… như thể thời gian cũng chùng xuống khi ta bước chân tới một nơi chốn đã lưu giữ biết bao ký ức của đất nước.
Trên tầng ba khu tập thể cũ, có một căn phòng nhỏ. Ở đó, suốt gần một thế kỷ, một người đàn ông đã sống, đã viết, và để lại cho cuộc đời những giai điệu dịu dàng mà bất hủ.
Đây - căn phòng nhỏ nơi nhạc sĩ Phạm Tuyên đã sống suốt mấy chục năm qua. Mỗi bức ảnh cũ, mỗi trang bản thảo đã ngả màu, là từng mảnh ký ức, từng giai điệu sống mãi trong lòng người.
Đêm 28/4/1975 khi biết được thông tin chiến thắng từ miền Nam trở về Hà Nội. Không để vợ con thức giấc, ông lặng lẽ ra hiên nhà. Giữa màn đêm, bên hiên nhà vắng, dưới ánh đèn vàng leo lét nơi hành lang tranh tối tranh sáng, chỉ trong hai tiếng đồng hồ, một bài hát được viết ra - không bằng kỹ thuật, không bằng lý trí - mà bằng tất cả tình yêu Tổ quốc có thể dâng trào trong một trái tim Việt Nam - “Như có Bác trong ngày đại thắng”.

Nhà báo Phạm Hồng Tuyến - Con gái nhạc sĩ Phạm Tuyên chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương
Thời điểm hiện tại, nhạc sĩ Phạm Tuyên không còn sáng tác nữa. Nhưng mỗi lần giai điệu cũ tình cờ vang lên trên sóng truyền hình, radio, hay những chuyến ghé thăm của nhóm phóng viên chúng tôi, khi những bài nhạc được đánh lên, ông lại ngân nga hát theo. Những câu hát đã ghi dấu một đời người… và cũng là lời kể dịu dàng của cả một dân tộc đi qua chiến tranh, để bước vào mùa xuân hòa bình.
50 năm trôi qua, nhạc sĩ Phạm Tuyên - một người nhạc sĩ gạo cội vẫn lặng lẽ như thế, như chính âm nhạc của ông: không ồn ào, nhưng sống mãi trong lòng người.
Và có lẽ, mỗi lần ca khúc “Như có bác trong ngày đại thắng” vang lên trong tháng Tư lịch sử, trái tim người Việt lại nhớ về đêm không ngủ bên hiên nhà của nhạc sĩ Phạm Tuyên, nơi ông viết nên giai điệu khải hoàn, là tiếng lòng của cả dân tộc khi chiến thắng đã gần kề của 50 năm ngày ấy.