Vùng căn cứ cách mạng vươn mình cùng đất nước

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước, Cái Chanh (ấp Cây Cui, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân) được chọn làm Khu căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu. Mặc dù chịu mưa bom, đạn pháo của kẻ thù nhưng lực lượng cách mạng đã cùng nhân dân kiên trì bám đất, đấu tranh diệt ác, phá kìm, xây dựng chính quyền cơ sở, bảo vệ Tỉnh ủy, lập nên nhiều chiến công xuất sắc.

Đường về khu căn cứ Cái Chanh (xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) được trải nhựa giúp thuận lợi lưu thông hai mùa mưa nắng. Ảnh: TTXVN phát

Đường về khu căn cứ Cái Chanh (xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) được trải nhựa giúp thuận lợi lưu thông hai mùa mưa nắng. Ảnh: TTXVN phát

Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng, nhân dân vùng căn cứ cách mạng Cái Chanh đã và đang thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương giàu đẹp.

Vùng đất anh hùng trong kháng chiến

Chúng tôi về Cái Chanh vào những ngày cuối tháng tư lịch sử. Trên tuyến lộ 3 tháng 2 từ thị trấn Ngan Dừa (trung tâm hành chính huyện Hồng Dân) về vùng căn cứ là những khúc đường uốn lượn dọc theo tuyến kênh rạch, hai bên là những cánh đồng sản xuất mô hình tôm - lúa ngút ngàn tầm mắt.

Với người dân vùng quê anh hùng này, con tôm, cây lúa đang là những sản vật mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đường vào khu căn cứ những ngày này rợp bóng cờ hoa, hai bên đường là những ngôi nhà tường kiên cố được xây dựng khang trang, điều này cho thấy người dân nơi đây có cuộc sống sung túc.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà tường khang trang, được xây dựng có giá trị trên 1 tỷ đồng, ông Danh Sân, dù tuổi đã cao nhưng vẫn nhớ như in những năm tháng hào hùng chống đế quốc Mỹ cứu nước.

Thời kỳ chiến tranh, cuộc sống bà con nơi đây rất khó khăn, Mỹ, Ngụy càng quét vùng giải phóng. Đồn địch đóng tứ phía, cứ sau mỗi đợt địch đưa quân vào đánh rút ra thì ngay sau đó, pháo địch ở các đồn nã vào, trên không máy bay thả bom liên tiếp. Nhiều năm, khu vực Cái Chanh chịu mưa bom, bão đạn. Một khu vực rộng chỉ vài km, bị tàn phá tan hoang. Ác liệt là vậy nhưng người dân vẫn bám trụ giữ đất, giữ làng, một lòng kiên trung nuôi chứa cách mạng. Bản thân ông Danh Sân là thương binh 4/4 từng tham gia hoạt động binh vận tại chùa Kos Thum.

“Ngày trước, trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, bộ đội với nhân dân rất gắn bó, thương yêu. Nhờ nhân dân đùm bọc nên bộ đội mới yên tâm đánh giặc”, ông Danh Sân hồi tưởng.

Nhân viên Ban quản lí di tích, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu hướng dẫn khách tham quan tìm hiểu hình ảnh, hiện vật tại khu căn cứ Cái Chanh. Ảnh: Tuấn Kiệt/TTXVN

Nhân viên Ban quản lí di tích, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu hướng dẫn khách tham quan tìm hiểu hình ảnh, hiện vật tại khu căn cứ Cái Chanh. Ảnh: Tuấn Kiệt/TTXVN

Cũng như ông Danh Sân, bà Lê Thị Sấm (ấp Xẻo Gừa, xã Ninh Thạnh Lợi) ở tuổi 87 nhưng vẫn còn rất minh mẫn.

Bà vẫn nhớ rõ sự hoang tàn, đổ nát của quê hương mình dưới bom đạn của kẻ thù trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Ngày đó, bà Sấm làm nữ y tá và giao liên ở vùng căn cứ kháng chiến của Tỉnh ủy đặt tại xã Ninh Thạnh Lợi. Gian khổ và chiến tranh ác liệt đến đâu bà vẫn cùng đồng đội bám trụ bảo vệ bí mật, chăm sóc an toàn cho các đồng chí lãnh đạo ở Khu căn cứ và cán bộ, chiến sĩ, thương binh sau mỗi trận chiến với kẻ thù.

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước, gia đình bà Lê Thị Sấm có 8 người thân hy sinh cho cách mạng, được Nhà nước công nhận là Liệt sĩ. Trong đó, có chồng bà là liệt sĩ Nguyễn Văn Rịp. Mẹ của bà Sấm là bà Huỳnh Thị Mười cũng được Nhà nước truy tặng danh hiệu cao quý Mẹ Việt Nam Anh hùng. Bản thân bà Sấm trong một lần tải thương, bảo vệ cho thương binh thì bị đạn pháo của giặc bắn gẫy tay, để lại thương tích khá nặng nề trên thân thể.

Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Thạnh Lợi Nguyễn Thị Bích cho biết, trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước, Đảng bộ và nhân dân địa phương đấu tranh kiên cường, dũng cảm, phối hợp lực lượng vũ trang của tỉnh tổ chức chiến đấu lập nên những chiến công oanh liệt. Sự cống hiến và hy sinh của cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân Ninh Thạnh Lợi được Đảng và Nhà nước ghi công phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”. Riêng Khu căn cứ Cái Chanh, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia, sau đó Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng là Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt.

Điểm sáng về phát triển kinh tế

Người dân vùng căn cứ cách mạng Cái Chanh ai cũng tự hào khi nhắc về truyền thống cách mạng của quê hương. Sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, người dân nơi đây lại tiếp tục bắt tay vào trận tuyến mới, cải tạo những cánh đồng phèn chua thành trù phú, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Ông Phan Văn Thiệt, nguyên Trưởng Ban Quản lý khu di tích Cái Canh đã gần 80 tuổi nhưng vẫn còn hăng say lao động sản xuất. Đôi vợ chồng già, vẫn ngày ngày nuôi tôm, trồng lúa, thu nhập mỗi năm vài trăm triệu đồng.

Ông Thiệt chia sẻ, chiến tranh kết thúc, ông về quê gần khu căn cứ khai hoang được 5 ha đất hoang hóa, nhiễm phèn nặng.

Mô hình “lúa thơm - tôm sạch” theo chuỗi giá trị, vừa giúp nâng cao đời sống của người dân vừa giúp bảo vệ môi trường trên vùng căn cứ cách mạng Cái Chanh. Ảnh: Tuấn Kiệt/TTXVN

Mô hình “lúa thơm - tôm sạch” theo chuỗi giá trị, vừa giúp nâng cao đời sống của người dân vừa giúp bảo vệ môi trường trên vùng căn cứ cách mạng Cái Chanh. Ảnh: Tuấn Kiệt/TTXVN

Trải qua thời gian dài, với sự cố gắng của các thành viên gia đình, đất đai đã được cải tạo trở nên màu mỡ, sản xuất hai vụ tôm, một vụ lúa trong năm. Với mô hình này, mỗi năm, gia đình ông đạt lợi nhuận gần nửa tỷ đồng.

Ở vùng căn cứ cách mạng của tỉnh Bạc Liêu giờ đây, chuyện nông dân đạt lợi nhuận vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng như ông Thiệt là khá phổ biến. Sản xuất hiệu quả, thu nhập cao, không chỉ mang lại đời sống sung túc mà còn tiếp thêm động lực để người dân an tâm phát triển kinh tế gia đình, làm giàu cho quê hương.

Bí thư Huyện ủy Hồng Dân Nguyễn Văn Chung cho biết, mặc dù xuất phát điểm về kinh tế - xã hội của vùng căn cứ cách mạng Cái Chanh những năm đầu sau giải phóng vô cùng khó khăn nhưng với tinh thần, nỗ lực vươn lên, đến nay, xã Ninh Thạnh Lợi đã có điều kiện cơ sở vật chất khá tốt, hệ thống giao thông, thủy lợi - thủy nông nội đồng được đầu tư tương đối hoàn chỉnh.

Nhiều mô hình phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và giảm nghèo được nhân rộng, phát huy hiệu quả. Người dân không chỉ tiếp cận cơ bản đầy đủ dịch vụ y tế, giáo dục công mà còn được sống trong môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp. Năm 2024, bình quân thu nhập đầu người đạt gần trên 90 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,39 %; số người trong độ tuổi lao động có việc làm đạt 99,98%; nhà ở đạt chuẩn 3 cứng chiếm gần 100%, không còn nhà tạm, dột nát…

Ninh Thạnh Lợi trở thành một trong những điểm sáng về phát triển kinh tế của huyện Hồng Dân và là một trong những xã đi đầu trong huy động sức dân xây dựng nông thôn mới.

Bí thư Huyện ủy Hồng Dân cho biết, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Ninh Thạnh Lợi đang ra sức thi đua để được công nhận xã nông thôn mới nâng cao.

Vùng căn cứ cách mạng đang tiếp tục nhận được sự quan tâm đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt, với tiềm năng, lợi thế của mình, Ninh Thạnh Lợi đang được đầu tư xây dựng thương hiệu “lúa thơm - tôm sạch” theo chuỗi giá trị, giúp nâng cao đời sống người dân, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.

Cũng theo Bí thư Huyện ủy Hồng Dân, Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt đang được quan tâm đầu tư, nâng cấp, xem đây là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ sau.

Tại đây hiện đã được đầu tư xây dựng nhiều hạng mục trên diện tích 37.000 m2 gồm: Dự án gồm một số hạng mục xây mới như, Nhà bia kỷ niệm, Nhà trưng bày hình ảnh hiện vật, sân khấu ngoài trời…

Trong đó, Nhà trưng bày hình ảnh, hiện vật có liên quan đến khu căn cứ, về bố cục nội dung được chia làm 3 chủ đề chính: “Phong trào đấu tranh tự phát của nông dân Ninh Thạnh Lợi năm 1927”, “Căn cứ Xứ ủy Nam bộ (1949 - 1952)” và “Căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu (1973-1975), với hơn 200 hình ảnh hoạt động và 3 tượng bán thân bằng đồng của các đồng chí lãnh đạo tại khu căn cứ: Đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Phạm Hùng, đồng chí Võ Văn Kiệt cùng nhiều hiện vật, tài liệu khoa học phục vụ nhu cầu tìm hiểu về lịch sử của người xem.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, củng cố, xây dựng bộ máy chính quyền cơ sở trong sạch, vững mạnh, đủ năng lực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới.

Tuấn Kiệt (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/dia-phuong/vung-can-cu-cach-mang-vuon-minh-cung-dat-nuoc-20250418131452559.htm
Zalo