Góp ý dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi): Cần quy định cụ thể nguyên tắc trọng dụng nhân tài

Tại phiên thảo luận Tổ của Quốc hội về dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) chiều nay 7/5, các đại biểu thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đã có những góp ý thẳng thắn, trách nhiệm đối với một số nội dung quan trọng của dự thảo luật.

Đánh giá công chức khách quan, minh bạch

Tham gia ý kiến, đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận cơ bản đồng tình với nhiều điểm trong luật. Góp ý cụ thể liên quan đến chính sách trọng dụng nhân tài được quy định tại Điều 6. Theo đại biểu, dự thảo luật quy định về cơ chế, chính sách đặc biệt để trọng dụng nhân tài, nhưng lại giao cho Chính phủ quy định chi tiết mà không nêu rõ nguyên tắc hay tiêu chí cụ thể để xác định người có tài năng. Điều này làm giảm tính minh bạch và khả năng thực thi của luật.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận góp ý chiều nay 7/5.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận góp ý chiều nay 7/5.

Do đó, đại biểu đề xuất cần quy định rõ trong luật các khung nguyên tắc, tiêu chí đánh giá tài năng như: có công trình khoa học được công nhận cấp quốc gia hoặc quốc tế; tốt nghiệp xuất sắc tại các trường đại học uy tín trong và ngoài nước; có đóng góp nổi bật đã được thực tiễn ghi nhận. Đồng thời, cần bổ sung cơ chế tuyển dụng đặc biệt như tuyển thẳng hoặc thỏa thuận mức lương cao hơn khung chung – nội dung đã được quy định tại Nghị quyết 27 của Trung ương về cải cách chính sách tiền lương. “Việc xác định rõ người tài là ai, hưởng chế độ như thế nào cần được thể chế hóa bằng luật, không thể chỉ giao Chính phủ quy định chi tiết”, đại biểu Thông nhấn mạnh.

Liên quan đến nội dung đánh giá cán bộ, công chức (quy định tại Điều 30), đại biểu cho rằng, đây là vấn đề then chốt trong công tác tổ chức, cán bộ nhưng vẫn đang là khâu yếu, chưa thật sự khách quan, minh bạch. Đại biểu nhận định, mặc dù báo cáo đánh giá hằng năm vẫn dùng những cụm từ “công khai, thẳng thắn”, nhưng thực chất còn mang tính hình thức. Việc đánh giá chưa thực sự phản ánh đúng năng lực, kết quả làm việc của công chức.

Theo đại biểu, dự thảo lần này có tiến bộ khi tiếp cận theo vị trí việc làm, sản phẩm đầu ra, bổ sung trách nhiệm người đứng đầu và cơ chế sàng lọc. Tuy nhiên, đại biểu nhận thấy còn thiếu hướng dẫn cụ thể về phương pháp đo lường sản phẩm, kết quả làm việc; thiếu công cụ đánh giá khách quan từ phía người dân và doanh nghiệp. Mặt khác, dự thảo có đề cập đến đánh giá sự hài lòng của người dân, nhưng chưa nêu rõ phương thức, tiêu chí, và cơ chế giám sát việc đánh giá của người đứng đầu. Điều này dễ dẫn đến tình trạng cảm tính, chủ quan. Vì vậy, đại biểu kiến nghị giao Chính phủ quy định chi tiết phương pháp đánh giá định lượng, định tính theo từng nhóm vị trí việc làm (lãnh đạo, chuyên môn, phục vụ…); Bổ sung quy định bắt buộc các cơ quan hành chính công phải khảo sát mức độ hài lòng thường xuyên và công khai kết quả; Quy định Ủy ban Kiểm tra hoặc đơn vị nhân sự cấp trên có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc đánh giá của người đứng đầu, bảo đảm khách quan, trung thực.

Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ.

Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ.

Góp ý về khen thưởng và xử lý kỷ luật (Chương V), theo đại biểu, dự thảo có nhiều điểm mới như phân biệt rõ hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức theo tính chất bổ nhiệm và bầu cử; mở rộng phạm vi xử lý cả cán bộ công chức đã nghỉ hưu; miễn, giảm trách nhiệm trong các trường hợp là cán bộ có vi phạm vì động cơ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm trong trường hợp bất khả kháng. Đây là quy định tiến bộ, khuyến khích tinh thần hành động vì lợi ích chung. Tuy nhiên, theo đại biểu, nội dung này vẫn chưa thực sự cụ thể để triển khai vào thực tiễn. Dù Điều 40 của dự thảo có quy định miễn giảm trách nhiệm, nhưng nhiều khái niệm trong đó còn mơ hồ. Do đó, tại Điều 40 về miễn giảm trách nhiệm đối với cán bộ công chức, đại biểu đề nghị giao Chính phủ hướng dẫn cụ thể nội dung Điều 40, xác định rõ các trường hợp được miễn giảm trách nhiệm, ai là người có thẩm quyền phê duyệt và trình tự xử lý trong các tình huống cụ thể.

Cần làm rõ phạm vi điều chỉnh và nguyên tắc kiến tạo phát triển đội ngũ

Thảo luận tại Tổ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Phạm Thị Hồng Yến đã đưa ra một số ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện hơn nội dung dự án luật.

Đại biểu Phạm Thị Hồng Yến nêu ý kiến.

Đại biểu Phạm Thị Hồng Yến nêu ý kiến.

Tại Điều 2 về cán bộ công chức nêu: “Cán bộ là công dân Việt Nam được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm hoặc chỉ định giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp xã trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách Nhà nước”; tại khoản 2 quy định: “Công chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng vào các vị trí việc làm trong các cơ quan tương tự...”. Theo đại biểu, từ sự khác biệt về hình thức tuyển chọn giữa cán bộ và công chức, đại biểu đặt vấn đề: khi người được tuyển dụng vào vị trí lãnh đạo, quản lý thì có được xem là cán bộ không? Hay cán bộ là người trước tiên phải là công chức, sau đó mới được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm vào các vị trí?

Bên cạnh đó, đại biểu nhấn mạnh đến yêu cầu chuyển đổi phương thức quản lý cán bộ, công chức từ góc độ hành chính thuần túy sang quản lý kiến tạo phát triển. “Hiện nay, trong các luật tổ chức chính quyền địa phương và luật tổ chức Chính phủ đã có đề cập đến khái niệm quản trị quốc gia, quản trị địa phương. Vì vậy, cần đặt ra câu hỏi: luật này đã thực sự thể hiện được chuyển hướng từ quản lý sang phát triển hay chưa?”, đại biểu nêu rõ. Theo đại biểu Phạm Thị Hồng Yến, tại Điều 4 của dự thảo chỉ mới nêu nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức, chưa phản ánh đầy đủ tinh thần nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ. Do đó, cần bổ sung các nguyên tắc mang tính định hướng để thể chế hóa thành các quy định cụ thể trong luật.

Một vấn đề khác cũng được đại biểu đề cập là nội dung liên quan đến công chức trong Chương II của dự thảo. Theo đó, nhiều quy định chủ yếu dẫn chiếu sang các luật khác hoặc văn bản của cơ quan có thẩm quyền, thay vì quy định rõ trong luật. Đại biểu đề nghị cần cân nhắc việc luật hóa các nội dung mang tính nguyên tắc, như công tác cán bộ là công tác của Đảng, để tăng tính minh bạch và thống nhất trong tổ chức thực hiện.

Tại Điều 48 quy định Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, lại thiếu phần giải thích cụ thể về khái niệm “cơ quan nhà nước”. Đại biểu kiến nghị cần có định nghĩa rõ ràng: “Liệu cơ quan nhà nước chỉ bao gồm Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành hay còn bao hàm cả các cơ quan của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội?”

Với tinh thần đóng góp trách nhiệm, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Phạm Thị Hồng Yến mong muốn dự thảo luật được tiếp tục hoàn thiện theo hướng rõ ràng, minh bạch và phù hợp với thực tiễn quản lý, sử dụng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức trong giai đoạn mới.

THU HÀ

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/gop-y-du-thao-luat-can-bo-cong-chuc-sua-doi-can-quy-dinh-cu-the-nguyen-tac-trong-dung-nhan-tai-130011.html
Zalo