Google xóa gần 50% ứng dụng Android vì lý do này

Theo báo cáo của Appfigures, số lượng ứng dụng Android trên Google Play đã giảm mạnh từ 3,4 triệu vào đầu năm 2024 xuống chỉ còn khoảng 1,8 triệu ở thời điểm hiện tại, tương đương mức sụt giảm 47%.

Vì sao Google xóa bỏ nhiều ứng dụng Android?

Đây là sự thay đổi đáng chú ý, đặc biệt trong bối cảnh App Store của Apple, đối thủ trực tiếp của Google lại ghi nhận mức tăng nhẹ từ 1,6 triệu lên khoảng 1,64 triệu ứng dụng cùng kỳ.

Dữ liệu cho thấy đợt “dọn kho” của Google không phải là xu hướng chung của toàn ngành mà là một chiến dịch có chủ đích.

Từ giữa năm 2024, Google bắt đầu siết chặt các tiêu chuẩn đối với ứng dụng trên Play Store. Không chỉ xóa các ứng dụng bị lỗi, không thể cài đặt hoặc không vận hành được, Google còn mở rộng phạm vi xử lý đến các ứng dụng có “chức năng và nội dung hạn chế”.

Điều này bao gồm các ứng dụng tĩnh, ví dụ, chỉ hiển thị một đoạn văn bản, một tập tin PDF hoặc một hình nền duy nhất, ứng dụng không có chức năng rõ ràng hoặc đã bị nhà phát triển bỏ rơi.

Ngoài ra, các ứng dụng có dấu hiệu mạo danh, lừa đảo, hoặc sử dụng thủ thuật đánh lừa người dùng cũng bị rà soát gắt gao hơn.

Google xác nhận họ đã triển khai các bộ yêu cầu xác minh mở rộng đối với tài khoản nhà phát triển mới, đồng thời tăng cường đánh giá thủ công kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI) để phát hiện sớm rủi ro.

Riêng trong năm 2024, Google đã ngăn chặn hơn 2,36 triệu ứng dụng vi phạm chính sách, đồng thời cấm hơn 158.000 tài khoản nhà phát triển bị xác định là phát hành ứng dụng độc hại.

 Hàng triệu ứng dụng Android bị xóa khỏi Google Play vì nhiều lý do. Ảnh: TIỂU MINH

Hàng triệu ứng dụng Android bị xóa khỏi Google Play vì nhiều lý do. Ảnh: TIỂU MINH

Sự sụt giảm mạnh về số lượng ứng dụng thoạt nhìn có thể gây lo ngại, nhưng thực tế đây là tín hiệu tích cực cho người dùng lẫn nhà phát triển.

Một kho ứng dụng gọn gàng giúp người dùng Android dễ dàng tìm thấy các ứng dụng chất lượng cao hơn, mà không phải lạc lối giữa vô vàn app rác, app thử nghiệm hoặc app lỗi thời. Đồng thời, điều này cũng mở ra cơ hội cho các nhà phát triển chân chính nâng cao khả năng hiển thị và tiếp cận người dùng.

Trước đây, Play Store thường bị chỉ trích là quá dễ dãi trong việc phê duyệt ứng dụng, tạo điều kiện cho hàng loạt app spam, quảng cáo trá hình và thậm chí cả mã độc len lỏi vào thiết bị người dùng.

Trong khi Apple duy trì quy trình kiểm duyệt nghiêm ngặt có sự can thiệp của con người, Google lại ưu tiên kiểm duyệt tự động, nhanh hơn nhưng kém kiểm soát. Đợt siết chặt lần này cho thấy Google đang nghiêm túc hơn trong việc đảm bảo chất lượng và độ tin cậy của hệ sinh thái ứng dụng Android.

Tác động từ các chính sách mới và yêu cầu pháp lý

Ngoài các chính sách chất lượng nội bộ, một số thay đổi từ phía các cơ quan quản lý cũng góp phần vào việc “làm sạch” các ứng dụng Android rác.

Từ tháng 2-2025, Liên minh châu Âu bắt đầu yêu cầu các nhà phát triển phải công khai tên và địa chỉ trên các ứng dụng phân phối trong khu vực. Những ai không tuân thủ sẽ bị xóa ứng dụng khỏi các cửa hàng tại EU. Dù Google không xác nhận chính sách này là nguyên nhân trực tiếp, nhưng rõ ràng đây là một yếu tố không nhỏ ảnh hưởng đến số lượng ứng dụng toàn cầu.

Theo Appfigures, từ đầu năm 2025 đến nay, đã có khoảng 10.400 ứng dụng mới được phát hành trên Play Store, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Điều này cho thấy Google không đơn thuần là đóng cửa với nhà phát triển, mà đang hướng tới một kho ứng dụng tinh gọn, an toàn và hữu ích hơn cho người dùng Android trên toàn thế giới.

Sự thay đổi có thể gây xáo trộn nhất thời, nhưng về lâu dài, đây là một bước đi cần thiết nếu Google muốn giữ vững niềm tin người dùng và cải thiện chất lượng hệ sinh thái của mình.

Tiểu Minh

Nguồn PLO: https://plo.vn/google-xoa-gan-50-ung-dung-android-vi-ly-do-nay-post847490.html
Zalo