Gợi mở để báo chí và doanh nghiệp đồng hành phát triển trong kỷ nguyên mới

Đề xuất các giải pháp, sửa đổi, bổ sung, ban hành cơ chế, chính sách, nguồn lực để thúc đẩy sự phát triển của báo chí; Xu hướng phát triển của báo chí hiện nay, vai trò trong việc góp ý chính sách bảo vệ doanh nghiệp (DN), quyền lợi của người lao động...

Đó là những chia sẻ, gợi mở của cộng đồng DN, doanh nhân về mối quan hệ báo chí và DN đồng hành phát triển trong kỷ nguyên mới với phóng viên Báo Kinh tế và Đô thị nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025).

Các đại biểu và cộng đồng DN tại Diễn đàn Báo chí - Doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển bền vững năm 2024 do Báo Kinh tế và Đô thị tổ chức. Ảnh: Thanh Hải

Các đại biểu và cộng đồng DN tại Diễn đàn Báo chí - Doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển bền vững năm 2024 do Báo Kinh tế và Đô thị tổ chức. Ảnh: Thanh Hải

Công cụ định hướng dư luận

Cộng đồng DN đều đánh giá mối quan hệ giữa bào chí và DN không thể tách rời, báo chí là "kim chỉ nam" cho sự phát triển bền vững của DN. Trưởng phòng Thông tin & Truyền thông Tổng Công ty May 10 Vũ Hồng Quang nhìn nhận, trong kỷ nguyên số, báo chí không chỉ là kênh thông tin mà còn là công cụ quan trọng để định hướng dư luận, xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng và nhà đầu tư. Thương hiệu May 10 đang phải đối mặt với tình trạng giả mạo thương hiệu nghiêm trọng trên các nền tảng số, vai trò của báo chí trong việc cảnh báo người tiêu dùng về hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi lừa đảo là vô cùng cấp thiết.

Trưởng phòng Thông tin & Truyền thông Tổng Công ty May 10 Vũ Hồng Quang tại chương trình an sinh xã hội của May 10. Ảnh: Khắc Kiên

Trưởng phòng Thông tin & Truyền thông Tổng Công ty May 10 Vũ Hồng Quang tại chương trình an sinh xã hội của May 10. Ảnh: Khắc Kiên

Do đó, ông Vũ Hồng Quang mong báo chí tiếp tục là tiếng nói phản biện, giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật. Đối với một ngành thâm dụng lao động như dệt may, báo chí có vai trò quan trọng trong việc thông tin về môi trường làm việc, chế độ phúc lợi, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định.

Để làm được điều đó, cần xây dựng cơ chế hợp tác chặt chẽ hơn giữa các cơ quan báo chí và DN để truyền tải thông tin chính xác, kịp thời. DN cần chủ động cung cấp thông tin, báo chí cần có đội ngũ phóng viên chuyên trách, am hiểu về lĩnh vực kinh tế, DN để đưa tin có chiều sâu và khách quan. Việc này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh các đối tượng giả mạo thương hiệu có thể tận dụng sự thiếu thông tin để tung tin sai lệch. Các cơ quan báo chí cần được đầu tư nguồn lực để thực hiện các phóng sự điều tra chuyên sâu về tình trạng hàng giả, hàng nhái, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh và gian lận thương mại.

“Những bài báo có tính chất điều tra, phơi bày sai phạm sẽ tạo áp lực xã hội đáng kể, buộc các cơ quan chức năng phải vào cuộc một cách quyết liệt hơn để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền lợi chính đáng của DN và người lao động” – ông Vũ Hồng Quang nói.

Đồng thời cho rằng, báo chí còn lan tỏa những câu chuyện tích cực, nỗ lực của DN trong việc chăm lo đời sống người lao động, thực hiện trách nhiệm xã hội, từ đó góp phần xây dựng một hình ảnh DN mạnh mẽ và đáng tin cậy trong mắt công chúng. “May 10 cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí để cung cấp thông tin chính xác, minh bạch, góp phần vào sự phát triển chung của ngành và của đất nước” – ông Vũ Hồng Quang khẳng định.

Cầu nối quan trọng của doanh nghiệp

Công ty TNHH Lâm Minh đồng hành cùng Hội thảo “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị tòa soạn thông minh” do Báo Kinh tế và Đô thị tổ chức ngày 15/5/2025 tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Công ty TNHH Lâm Minh đồng hành cùng Hội thảo “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị tòa soạn thông minh” do Báo Kinh tế và Đô thị tổ chức ngày 15/5/2025 tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Trong khi đó, Giám đốc Công ty TNHH Lâm Minh Nguyễn Tài Dũng đề xuất các giải pháp, sửa đổi, bổ sung, ban hành cơ chế, chính sách, nguồn lực để thúc đẩy sự phát triển của báo chí. Cần sửa đổi Luật Báo chí phù hợp với thực tiễn phát triển số, truyền thông đa nền tảng để phục vụ đúng người – đúng nhu cầu – đúng thời điểm. Có chính sách tài chính hỗ trợ cơ quan báo chí công lập, đặc biệt là báo chí chính luận đảm bảo duy trì hoạt động thông tin thiết yếu. Nghiên cứu mô hình thu phí nội dung số, song song với hỗ trợ quảng cáo, tài trợ minh bạch. Thiết lập quỹ hỗ trợ phát triển báo chí nhằm tạo nguồn lực dài hạn...

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (HANSIBA) Nguyễn Vân chia sẻ, trong giai đoạn đất nước bước vào thời kỳ “đổi mới”, mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, báo chí là cầu nối giữa DN với xã hội và người tiêu dùng, giữa DN với DN, giữa DN với Nhà nước, với các cơ quan chức năng.

Trong bất cứ giai đoạn nào, báo chí cũng luôn giữ vai trò quan trọng, song hành cùng DN góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường... Báo chí còn tổ chức thực hiện những chương trình an sinh xã hội với sự đồng hành của đội ngũ DN, doanh nhân, góp phần vào công cuộc “xóa đói giảm nghèo”, khắc phục thiên tai bão lũ, dịch bệnh.

HANSIBA kể từ khi hình thành và đi vào hoạt động từ năm 2015 đã luôn chú trọng, cùng các DN công nghiệp hỗ trợ hội viên đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, đồng hành cùng các cơ quan báo chí. Trong đó, có Báo Kinh tế và Đô thị luôn kịp thời thông tin về các hoạt động của HANSIBA và đầu tư, sản xuất kinh doanh của DN thành viên.

PGS.TS Nguyễn Thành Lợi – Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị chúc mừng HANSIBA nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2024. Ảnh: Khắc Kiên

PGS.TS Nguyễn Thành Lợi – Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị chúc mừng HANSIBA nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2024. Ảnh: Khắc Kiên

Từ thực tế, ông Nguyễn Vân chỉ ra, HANSIBA nhận thấy đội ngũ báo chí, trong đó có các cơ quan báo chí đối tác vẫn còn nhiều “trăn trở”, có thể nói là còn khó khăn về nguồn lực để thúc đẩy “sứ mệnh” to lớn trong giai đoạn hiện nay. Giải bài toán này, tự thân mỗi cơ quan báo chí đều phải nỗ lực hội nhập và chuyển mình. Tuy nhiên, điểm mấu chốt vẫn nằm ở “cơ chế chính sách” từ phía Nhà nước. Từ đó, tiếp thêm nguồn lực tự chủ, tăng sự chủ động được quyết định những vấn đề mang tính chất “xã hội hóa” theo đúng quy định nhằm mang lại những giá trị thiết thực cho cuộc sống.

Nghị quyết 68 vừa được ban hành đang là bước ngoặt mang tính lịch sử cho kinh tế tư nhân. Ông Nguyễn Vân mong báo chí tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng DN trong quá trình thực thi để Nghị quyết 68 thực sự phát huy hiệu quả như kỳ vọng. Ngoài ra, cũng hy vọng tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025), Quốc hội sẽ thông qua Luật Báo chí (sửa đổi). Để những nội hàm được nêu trong dự thảo Luật lần này, sẽ bao quát hết các mô hình, vấn đề báo chí số, tòa soạn thông minh, nhà báo số, công cụ số AI, blockchain… mà Luật Báo chí 2016 chưa đề cập. Khi đó, Báo chí Việt Nam có cơ sở thực tiễn để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa, góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng đất nước trong vận hội mới, kỷ nguyên mới của dân tộc.

PGS.TS Nguyễn Thành Lợi – Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị:

Báo chí là một phần trong hệ sinh thái để DN phát triển bền vững

Bản thân DN luôn chủ động và cố gắng có các giải pháp thích ứng linh hoạt, chủ động nhất. Cùng với sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, báo chí nói chung và báo Kinh tế và Đô thị nói riêng là một kênh đồng hành tin cậy với các DN vượt qua khó khăn. Đây cũng là thời điểm các DN rất cần tiếng nói đồng hành từ báo chí để phản ánh kịp thời và kiến nghị tới cơ quan chức năng.

Nếu DN gặp khó khăn, vướng mắc, có thể chia sẻ trực tiếp; chúng tôi sẽ cử phóng viên đến hiện trường để ghi nhận thực tế, thu thập thông tin và phản ánh chính xác, khách quan. Với mỗi vấn đề cụ thể, nhà báo có thể kết nối với chuyên gia, nhà khoa học để xây dựng các bài viết chuyên sâu, tạo sức lan tỏa đến toàn xã hội, từ đó góp phần tháo gỡ cho DN.

Báo chí không đứng ngoài cuộc mà là một phần trong hệ sinh thái hỗ trợ DN phát triển bền vững. Mấu chốt là báo chí và DN cần đồng hành, cùng đi một hướng, tin cậy lẫn nhau.

Hy vọng trong thời gian tới, sự hợp tác giữa báo chí và DN sẽ thực chất hơn, không làm theo hình thức hay “đánh trống ghi tên”. Cần có những sản phẩm cụ thể, thiết thực từ các tọa đàm, hội thảo… Hiện Báo Kinh tế và Đô thị đang tổ chức Diễn đàn “Báo chí đồng hành với doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững” tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Quảng Trị trong tháng 5 và 6. Đây là năm thứ 3 sự kiện này được tổ chức với kỳ vọng là nơi DN có thể chia sẻ kinh nghiệm, phản ánh tâm tư, nguyện vọng và đưa ra các đề xuất chính sách. Những nội dung thiết thực tại diễn đàn sẽ được tổng hợp thành văn bản gửi TP Hà Nội để làm cơ sở tham vấn điều hành. Là Thủ đô, Hà Nội không chỉ cần dẫn đầu về phát triển kinh tế - xã hội, mà còn phải là hình mẫu về mối quan hệ hiệu quả giữa báo chí và DN.

Khắc Kiên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/goi-mo-de-bao-chi-va-doanh-nghiep-dong-hanh-phat-trien-trong-ky-nguyen-moi.710584.html
Zalo