Gỡ vướng cho xuất nhập khẩu tại chỗ: Bài 2 - Cần cơ chế phù hợp
Nhờ cơ chế xuất nhập khẩu tại chỗ, nhiều ngành hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam đã tăng đáng kể về kim ngạch và tỷ lệ nội địa hóa nguyên vật liệu.
Tăng đáng kể tỷ lệ nội địa hóa
Khẳng định cơ chế xuất nhập khẩu tại chỗ rất quan trọng với ngành dệt may, ông Trương Văn Cẩm- Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay, ngành dệt may đã có bước phát triển nhanh chóng, nếu như năm 1999 kim ngạch của ngành đạt 1,75 tỷ USD, năm 2024 đã tăng lên gấp 25 lần, đạt 44 tỷ USD; xuất siêu từ 200 triệu USD tăng lên 19 tỷ USD.
Chuỗi cung ứng dệt may cũng rất phức tạp. Do điều kiện khí hậu, Việt Nam không sản xuất được bông, phải nhập khẩu tới 99% nhu cầu; hiện sản xuất được 3,99 triệu tấn sợi, 3 triệu m2 vải và 6 tỷ sản phẩm dệt may.
Liên quan đến chuỗi cung ứng này, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đều yêu cầu xuất xứ rất gắt, như Hiệp định Đối tác Toàn diện Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP yêu cầu xuất xứ từ sợi; Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) yêu cầu xuất xứ từ vải trở đi và thêm một số ngoại lệ. “Nếu chỉ mua nguyên phụ liệu cắt may và xuất đi thì giá trị gia tăng đạt được rất thấp, không tận dụng được các FTA”, ông Cẩm cho hay.
Soi chiếu vào cơ chế xuất nhập khẩu tại chỗ, ông Cẩm nhấn mạnh, trường hợp sợi, vải sản xuất ra tại Việt Nam không được sử dụng vào sản xuất hàng xuất khẩu là sự lãng phí lớn. “Những năm qua, cơ chế xuất nhập khẩu tại chỗ đã tạo điều kiện cho công nghiệp phụ trợ của Việt Nam phát triển. Chúng tôi muốn làm thế nào tự túc chuỗi cung ứng trong nước để tận dụng lợi thế từ FTA, do đó cần chính sách thúc đẩy phù hợp”, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhấn mạnh.
Đại diện cho ngành da giày- ngành hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam, bà Phan Thị Thanh Xuân- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày- Túi xách Việt Nam cũng bày tỏ: Cơ chế xuất nhập khẩu tại chỗ đã thúc đẩy tăng trưởng tỷ lệ nội địa hóa của ngành. Trước kia, ngành nhập khẩu 70% nguyên phụ liệu cho sản xuất, nay giảm xuống, hiện đã tự chủ được khoảng 55%. “Cơ chế này giúp chuyển dịch chuỗi cung ứng vào Việt Nam rất tốt, không chỉ tạo việc làm mà giúp tăng giá trị gia tăng cho ngành”, bà Xuân khẳng định.
Trường hợp thay đổi cơ chế xuất khẩu nhập tại chỗ, bà Xuân cho rằng, sẽ khiến tăng chi phí cho doanh nghiệp, thời gian giao hàng tăng thêm 2-3 ngày nhưng con số này không dừng ở đó. Cùng đó, mất đi động lực thúc đẩy sản xuất nguyên phụ liệu trong nước.
Đại diện một doanh nghiệp FDI đầu tư sản xuất vải tại Việt Nam cũng cho hay, kinh doanh tại Việt Nam từ năm 2018, 95% sản phẩm của doanh nghiệp dành cho xuất khẩu, sau 15 năm 10% sản phẩm được dùng trong nước. 90% sản phẩm vẫn được xuất khẩu cho các nhà máy sản xuất hàng may mặc xuất khẩu, đáng nói 70% trong số này được xuất theo cơ chế xuất nhập khẩu tại chỗ. Nếu mất cơ chế này ngay lập tức dẫn tới tăng chi phí, kéo theo giá thành sản phẩm cao hơn.
Việt Nam hiện đang là lựa chọn thay thế cho Trung Quốc, doanh nghiệp nước ngoài đều mong muốn hiện diện tại Việt Nam. Do đó, nếu không giữ được cơ chế xuất nhập khẩu tại chỗ sẽ khó giữ được các nhà đầu tư.
Chung tay xây dựng một cơ chế phù hợp
Như vậy có thể thấy, cơ chế xuất nhập khẩu tại chỗ đã chứng minh được tính quan trọng, khi đã tồn tại khoảng 25 năm, góp phần phát triển chuỗi cung ứng trong nước. Xét về mặt con số, xuất nhập khẩu tại chỗ chiếm trên 18,8% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (số liệu hải quan năm 2022).
Cơ chế này cũng giúp giảm thời gian chờ và chi phí logistics toàn chuỗi cung ứng, từ đó tăng cạnh tranh quốc gia. Đồng thời, tạo thuận lợi cho việc giao nhận, điều phối chuỗi cung ứng của thương nhân nước ngoài.
Không tạo thêm gánh nặng chi phí thuế cho tất cả các bên tham gia giao dịch, trong khi đó nhà nước vẫn đảm bảo kiểm soát được việc áp dụng ưu đãi thuế thông qua các thủ tục khai báo, kiểm tra, giám sát hải quan.
Với những lợi ích đó, ông Minh đề xuất, trong ngắn hạn, giữ nguyên quy định về xuất nhập khẩu tại chỗ, đồng thời mở rộng đối tượng áp dụng cho tất cả thương nhân nước ngoài, không phân biệt có hay không hiện diện tại Việt Nam. Cùng đó, mở rộng cho tất cả các loại hình giao dịch, không giới hạn chỉ là mua bán hay gia công.
Về dài hạn, chỉ thay thế cơ chế xuất nhập khẩu tại chỗ khi đảm bảo có cơ chế mới, giữ nguyên những ưu điểm và thuận lợi ở cơ chế này.
Trên thực tế, vướng mắc cơ bản tại khoản 1c, điều 35, Nghị định 08 là khó khăn trong việc xác minh khái niệm thế nào là thương nhân hiện diện và không hiện diện tại Việt Nam nhằm quy vào những đối tượng thực hiện thủ tục hải quan cụ thể.
Để giải quyết vướng mắc này, các chuyên gia cho rằng, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cùng các đơn vị liên quan cùng bắt tay điều chỉnh hoặc soạn ra cơ chế phù hợp, dung hòa được các vướng mắc nhằm tiếp tục phát huy chính sách này. Các chuyên gia cũng nhìn nhận, cơ chế xuất nhập khẩu tại chỗ đã chứng minh được tính hữu hiệu, do đó đây là chính sách tốt cần được duy trì.
Đồng tình với quan điểm này, ông Diệp Thành Kiệt- Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày- Túi xách Việt Nam, nêu quan điểm, cơ chế xuất nhập khẩu tại chỗ là tốt nhưng chưa hoàn thiện, chúng ta nên phối hợp để hoàn thiện chính sách này.
“Trong quá trình sửa đổi cần đánh giá thêm về tác động của chính sách nếu bỏ, trường hợp bỏ cần bù lại bằng một chính sách tốt hơn”, ông Kiệt nhấn mạnh.
Doanh nghiệp sản xuất cho xuất khẩu lo ngại sẽ mất đi động lực nội địa hóa chuỗi cung ứng nếu xóa bỏ cơ chế xuất nhập khẩu tại chỗ.