Bài 2: Chuyển doanh nghiệp về Bộ Tài chính không hẳn là trở lại con đường cũ
Việc chuyển doanh nghiệp nhà nước (DNNN) từ Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về Bộ Tài chính không phải quay lại con đường cũ, trong bối cảnh mới với những cơ chế, chính sách khác sẽ có hướng quản lý mới.
Bài 1: Cơ chế thị trường - con đường doanh nghiệp chưa thể đi
Cần cởi trói cho doanh nghiệp
Phiên thảo luận mới đây về việc kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Thủ tướng cho rằng, mô hình hiện nay vẫn có những hạn chế, một phần do quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13). Do đó, cần tiếp tục sắp xếp, đổi mới theo hướng tách bạch nhiệm vụ quản lý nhà nước và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đồng thời, phải phân cấp, phân quyền nhiều hơn nữa cho doanh nghiệp, tăng cường tính chủ động, năng động, sáng tạo, tự lực, tự cường.
Nhấn mạnh sự thất bại của “Siêu Ủy ban” với Pv, ông Võ Trí Thành, Nguyên phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương chỉ rõ, việc lập ra Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để tách bạch quyền sở hữu vốn nhà nước và quản lý doanh nghiệp nhưng thực tế vẫn chưa tách được. Vẫn có bộ chủ quản, có UBND tỉnh, tổ chức chính trị xã hội đại diện quyền sở hữu vốn nhà nước. Điều này dẫn đến sự chồng chéo trong quản lý. Bên cạnh đó, năng lực hạn chế của Ủy ban cũng là nguyên nhân khiến hoạt động của cơ quan này chưa đạt hiệu quả như mong đợi.
Theo PGS.TS Bùi Quang Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trước đây sử dụng phương pháp truyền thống quản lý doanh nghiệp nhà nước, hiện nay chúng ta đang bước vào kỷ nguyên chuyển đổi số sẽ giúp quản trị tốt hơn. Chuyển đổi số không chỉ mang lại sự tối ưu trong quản lý mà còn cho phép ứng dụng công nghệ để giảm nhân sự, cắt giảm chi phí hoạt động và nâng cao hiệu quả quản trị.
Bình luận về việc kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đưa các tập đoàn, tổng công ty về Bộ Tài chính quản lý, ông Bùi Quang Tuấn nhấn mạnh, đây không phải quay trở lại con đường cũ mà diễn ra trong bối cảnh mới với những cơ chế, chính sách khác. Ông cũng cho rằng công tác quản trị hiện nay đã được nâng cao hơn trước.
Nhà nước phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp
Ông Võ Trí Thành cho rằng, ngoài yêu cầu tách quyền quản lý nhà nước và quyền sở hữu vốn cần gắn với việc nhà nước trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp, quản lý dõi theo dòng vốn, không quản lý hoạt động doanh nghiệp như một pháp nhân; phân cấp quyền liên quan đến vốn nhà nước và tạo sự linh hoạt trong quản trị doanh nghiệp trước những chuyển động nhanh chóng của thị trường.
Theo đánh giá của ông Thành, những vấn đề này đã được phản ánh trong Dự thảo Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, từ ý tưởng đến cụ thể hóa trong dự thảo Luật không hề đơn giản.
“Chúng ta cần phân biệt vốn nhà nước khác với vốn tư nhân, dù ở cấp nào cũng chỉ là đại diện sở hữu, liên quan đến quyền hạn ràng buộc, trách nhiệm, năng lực, giám sát hiệu quả và giải trình. Vì nhiều tầng lớp đại diện, rủi ro và trách nhiệm nên vấn đề luôn tồn tại là các lo ngại về năng lực và xung đột lợi ích, cấp độ giải trình”, ông Võ Trí Thành nói.
Mặc dù vậy, TS. Võ Trí Thành mong muốn phải có cơ chế cho doanh nghiệp tự chủ. Ông gợi ý 3 cách tương tác phối hợp trong chia sẻ quyền hạn, trách nhiệm, linh hoạt tùy trường hợp, lĩnh vực đối với các doanh nghiệp được xác định là then chốt của nền kinh tế.
Thứ nhất, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định từ trên xuống. Thứ hai, doanh nghiệp tự nhận thấy lĩnh vực/vấn đề nào đó rất hay có lợi ích cho đất nước, nên đề xuất, báo cáo lên Thủ tướng phê duyệt. Thứ ba, doanh nghiệp chủ động thực hiện đầu tư theo đúng chiến lược, quy hoạch lập ra cho doanh nghiệp.
“Trong bối cảnh kinh tế thị trường, DNNN cần phải được hoạt động như một doanh nghiệp thực sự, được đảm bảo quyền kinh doanh và cạnh tranh. Do đó, cần phải tăng quyền tự chủ cho doanh nghiệp, tạo cơ chế thông thoáng, tạo động lực, gắn với trách nhiệm và cần có cơ chế bù đắp tổn thất, rủi ro cho doanh nghiệp và có giám sát của Chính phủ, tạo sự tự chủ, linh hoạt, sáng tạo, chủ động cao nhất”, ông Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Vì vậy, tại dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ông Võ Trí Thành kiến nghị giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể các doanh nghiệp giữ vị trí then chốt của nền kinh tế, quản lý hạ tầng quan trọng quốc gia trong từng thời kỳ, đồng thời Chính phủ lựa chọn nhân sự, năng lực và xây dựng lòng tin.
Theo ông Lê Mạnh Sơn – Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), đây là một trong những luật quan trọng tác động sâu rộng đến kinh tế - xã hội, đặc biệt các doanh nghiệp. Việc hoàn thiện pháp luật cho hoạt động quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ đảm bảo hiệu quả công tác quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp sử dụng vốn hiệu quả, doanh nghiệp chủ động nguồn vốn đó để sản xuất, kinh doanh không bị vướng mắc, không bị ràng buộc bởi các thủ tục hành chính.
Trong khi đó, PGS.TS Bùi Quang Tuấn đề xuất cần mạnh dạn trao quyền hoặc giao nhiệm vụ cho một số DNNN để phát triển các hạ tầng nền tảng, ứng dụng kinh tế chia sẻ, đẩy mạnh phát triển công nghệ số trong tương lai. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo cơ chế, chính sách phù hợp để DNNN tham gia vào các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, có khả năng chiếm lĩnh thị trường và vươn ra thế giới.
Theo Ông Tuấn, việc này có thể được thực hiện thông qua việc sử dụng nguồn lực của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) hoặc phối hợp cùng các doanh nghiệp nhà nước khác. Đồng thời, cần đổi mới mô hình kinh doanh theo hướng áp dụng quản trị hiện đại và số hóa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển bền vững.
TS Hà Khắc Minh: Việt Nam vẫn nên áp dụng mô hình quản lý tập trung
Hiện có 2 mô hình quản lý giám sát DNNN có thể rút ra bài học với Việt Nam. Một là mô hình quản lý tập trung tiêu biểu là ở Trung Quốc với Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản Nhà nước (SASAC). SASAC thành lập vào năm 2003, được Quốc vụ viện ủy quyền thực hiện trách nhiệm quản lý và giám sát tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc diện giám sát của chính quyền trung ương. Mô hình của SASAC có ưu điểm là quy tụ toàn bộ hoạt động quản lý và giám sát tài sản, vốn nhà nước về một mối, độc lập và trực thuộc Chính phủ. Điều này giúp Chính phủ thực hiện hiệu quả vai trò đại diện chủ sở hữu, thúc đẩy cải cách doanh nghiệp nhà nước và đảm bảo bảo toàn cũng như gia tăng vốn nhà nước trong các doanh nghiệp. Thời gian gần đây, Trung Quốc đang từng bước giảm bớt chức năng quản lý nhà nước đối với vốn nhà nước tại doanh nghiệp từ SASAC và chuyển sang các cơ quan liên quan, áp dụng mô hình gần giống Temasek của Singapore hoặc SCIC của Việt Nam.
Hai là mô hình quỹ đầu tư, tiêu biểu là Singapore. Hoạt động đầu tư vốn của nhà nước tại Singapore được thực hiện qua Tập đoàn Temasek thuộc sở hữu nhà nước, hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp trực thuộc Bộ Tài chính Singapore. Dù là doanh nghiệp thuộc sở hữu của nhà nước nhưng Temasek được quyền hoạt động như một tập đoàn tư nhân độc lập và ra các quyết định đầu tư tự chủ, đề cao nguyên tắc thị trường và tối đa hóa lợi nhuận trong dài hạn và không bị chi phối bởi Chính phủ.
Việt Nam từ khi thành lập Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là đang theo đuổi mô hình quản lý tập trung, tuy nhiên chưa triệt để do số lượng DN có vốn nhà nước tại các bộ ngành, các địa phương vẫn còn nhiều. Gần đây, Ủy ban này hoạt động chưa thực sự hiệu quả và trong bối cảnh tinh gọn bộ máy hiện nay thì việc kết thúc hoạt động cơ quan này, chuyển DN về Bộ Tài chính là đúng và cần thiết. Vì như vậy vẫn đảm bảo việc tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng chủ sở hữu. Hơn nữa chủ sở hữu về vốn và tài sản thì về Bộ Tài chính là đúng chức năng nhiệm vụ, chuyên môn.
Bên cạnh đó, khi chuyển doanh nghiệp về Bộ Tài chính cần quy định lại chức năng, nhiệm vụ của SCIC. Không nên để SCIC cùng thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với DN có vốn đầu tư nhà nước mà phải xây dựng thành mô hình quỹ đầu tư của chính phủ. Các DN mà SCIC đang thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nên chuyển giao luôn cho Bộ Tài chính. SCIC chỉ tập trung vào hoạt động chính là đầu tư, sắp xếp, kinh doanh vốn nhà nước ở các DN. Để làm được như vậy, tất nhiên cần có cơ chế đặc thù cho SCIC cả về nguồn lực tài chính; cơ chế đánh giá hiệu quả đầu tư; cơ chế phân phối lợi nhuận; cơ chế đặc thù về lương...