Gỡ 'nút thắt' về thiếu hụt nhân lực chất lượng cao
Đồng Nai đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ với hàng loạt dự án trọng điểm quốc gia, của vùng và tỉnh, đặc biệt là Cảng hàng không quốc tế Long Thành dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2026. Tuy nhiên, một trong những 'nút thắt' lớn nhất hiện nay là tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, có thể cản trở tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, dù đây là địa bàn tập trung lực lượng lao động trẻ khá lớn.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là việc đầu tư vào giáo dục và đào tạo còn dàn trải, thiếu trọng điểm, dẫn đến việc các cơ sở đào tạo chưa bắt kịp xu thế sử dụng lao động của doanh nghiệp (DN), đặc biệt là trong những ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh. Mặc dù, Đồng Nai có số lượng trường đại học, cao đẳng cũng như hệ thống các cơ sở đào tạo nghề khá nhiều song những cơ sở thực sự có chất lượng vẫn còn khiêm tốn. Điều đó dẫn đến một thực tế là trường vẫn đào tạo những nghề không còn phù hợp với nhu cầu của thị trường, trong khi DN thì tìm đỏ mắt không tuyển dụng được nhân sự mong muốn.
Sự “lệch pha” về cung - cầu lao động kéo dài đã và đang khiến Đồng Nai mất đi nhiều cơ hội phát triển. Dễ thấy nhất là ở những “siêu” dự án như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhu cầu tuyển dụng lớn nhưng khó tuyển lao động tại chỗ vì không đủ điều kiện cần thiết. Nhưng không chỉ có Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Đồng Nai đang được ví như “đại công trường”, đem đến nhiều cơ hội việc làm cho người lao động. Chính vì thế, nếu không có sự chuẩn bị tốt, nhiều khả năng Đồng Nai sẽ “thua” ngay trên sân nhà vì không đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cho DN.
Để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, Đồng Nai cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó vai trò của các trường đại học, cao đẳng nghề có ý nghĩa rất quan trọng. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, Đồng Nai nên tập trung phát triển các ngành nghề mũi nhọn như: công nghiệp hàng không, công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip và trí tuệ nhân tạo, thiết bị tự động hóa và thiết bị công nghệ thông tin - là những ngành mà thị trường đang rất thiếu nhân lực. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh liên kết giữa cơ sở đào tạo và DN, chú trọng xây dựng các mô hình đào tạo theo chuỗi gắn kết với các trung tâm khởi nghiệp và các DN, tập đoàn lớn để đảm bảo chương trình đào tạo sát với nhu cầu thực tế của thị trường lao động.
Thực hiện mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao không thể thiếu vai trò thúc đẩy hợp tác giữa các cơ sở đào tạo nghề và DN để bảo đảm đầu ra cho học viên; đồng thời, giúp cơ sở đào tạo có sự đầu tư đúng hướng, hiệu quả...