Gỡ 'nút thắt' trong dòng vốn xanh cho doanh nghiệp tiếp cận tiêu chuẩn ESG

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối mặt với hàng loạt biến động về khí hậu, địa chính trị và đòi hỏi ngày càng cao từ thị trường tiêu dùng, ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp) đang nổi lên như một chuẩn mực không thể thiếu trong chiến lược phát triển của bất kỳ doanh nghiệp nào nếu muốn trụ vững và vươn xa...

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tại Diễn đàn ESG Việt Nam lần thứ nhất do Báo Dân trí tổ chức mới đây, các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp cùng đồng thuận rằng ESG không còn là một lựa chọn mang tính tự nguyện, mà là đòi hỏi bắt buộc nếu Việt Nam muốn phát triển theo hướng bền vững, tự chủ và hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Nhấn mạnh điều này, TS Bùi Thanh Minh, Phó giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), chia sẻ nếu trước đây, tăng trưởng chủ yếu dựa vào nguồn lực từ khu vực đầu tư nước ngoài, thì nay, việc phát huy nội lực, đặc biệt là từ khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và các doanh nghiệp tiên phong đổi mới sáng tạo, đã trở thành yêu cầu cấp thiết.

Sự dịch chuyển từ phụ thuộc vào FDI sang chủ động nội lực cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt cần chủ động thích ứng với các chuẩn mực phát triển mới, trong đó ESG là trụ cột trung tâm.

Tuy nhiên, trong khi ESG được xác định là xu thế không thể đảo ngược thì thực tế triển khai tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều rào cản. Một trong những khó khăn lớn nhất chính là khả năng tiếp cận nguồn vốn xanh, đặc biệt đối với khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, lực lượng chiếm trên 97% số lượng doanh nghiệp toàn quốc.

Theo ông Mạc Quốc Anh, Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển doanh nghiệp, tín dụng xanh dù đã có nhiều chuyển biến tích cực như tăng trưởng 22% so với cùng kỳ năm trước hay các cam kết đầu tư quốc tế như khoản 210 triệu USD từ IFC, song phần lớn dòng vốn này vẫn tập trung vào các doanh nghiệp lớn có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị bài bản.

Trong khi đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa thường không có tài sản đảm bảo, thiếu báo cáo tài chính chuẩn hóa và chưa đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về minh bạch thông tin hay tiêu chuẩn ESG, dẫn đến việc bị loại khỏi “đường băng” tiếp cận vốn xanh.

Thực tế cho thấy, chỉ khoảng 4,5% tín dụng hiện nay là tín dụng xanh và tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được các chuẩn mực báo cáo phát triển bền vững cũng chỉ ở mức 30%. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp chưa từng nghe đến khái niệm ESG, hoặc không có đội ngũ nhân sự am hiểu để triển khai các tiêu chí này một cách bài bản.

Đó là chưa kể đến việc lãi suất ưu đãi cho các dự án xanh chưa thực sự hấp dẫn, khiến chi phí vốn vẫn là rào cản lớn cho các doanh nghiệp muốn chuyển đổi sang mô hình kinh doanh bền vững.

Tình trạng thiếu thông tin, thiếu cố vấn theo chuỗi giá trị, và sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa các bộ, ngành càng khiến doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực tư nhân, lúng túng trong hành trình ESG hóa hoạt động sản xuất kinh doanh.

Quang cảnh Diễn đàn ESG Việt Nam Làn thứ nhất.

Quang cảnh Diễn đàn ESG Việt Nam Làn thứ nhất.

Từ góc độ chính sách, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có những bước đi đáng chú ý trong việc thúc đẩy tín dụng xanh. Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, cho biết cơ quan này đã ban hành nhiều văn bản quan trọng như Thông tư 17/2022/TT-NHNN hướng dẫn quản lý rủi ro môi trường trong cấp tín dụng.

Đồng thời triển khai Chiến lược phát triển ngân hàng xanh, các kế hoạch hành động hỗ trợ tăng trưởng xanh, cho vay nông nghiệp bền vững và các dự án chống biến đổi khí hậu. Những nỗ lực này không chỉ giúp gia tăng nhận thức và trách nhiệm xã hội trong hệ thống tài chính, mà còn đặt nền móng pháp lý quan trọng để các tổ chức tín dụng điều chỉnh chiến lược kinh doanh theo hướng bền vững.

Dù vậy, để tháo gỡ tận gốc các nút thắt, đặc biệt trong tiếp cận tài chính xanh, các chuyên gia cho rằng cần có giải pháp thiết thực hơn dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo ông Mạc Quốc Anh, trước hết là thiết lập cơ chế bảo lãnh tín dụng xanh với tỷ lệ bảo lãnh từ 30–50% nhằm giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp yếu thế.

Thứ hai là rút gọn các tiêu chí đánh giá ESG, học hỏi từ mô hình quốc tế với 10–12 chỉ số cốt lõi thay vì yêu cầu quá phức tạp, không phù hợp với năng lực hiện tại của khối doanh nghiệp nhỏ.

Thứ ba là thúc đẩy chuyển đổi số và nền tảng dữ liệu xanh để giảm chi phí năng lượng, khí thải và nâng cao khả năng quản lý ESG. Thứ tư là cải cách chính sách thuế, đề xuất miễn hoặc giảm thuế từ 2–4 năm cho doanh nghiệp thực hành mô hình xanh.

Cuối cùng là thiết lập mạng lưới cố vấn ESG theo chuỗi giá trị – học hỏi từ các tập đoàn quốc tế như Samsung – để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ tiếp cận thị trường, công nghệ và truyền thông hiệu quả hơn.

ESG không chỉ là vấn đề môi trường hay hình ảnh doanh nghiệp, mà còn là chiến lược sinh tồn trong kỷ nguyên hội nhập và phát triển bền vững.

Việc Việt Nam xác lập ESG như một ưu tiên chiến lược, song song với hoàn thiện thể chế và cải cách chính sách tín dụng xanh, sẽ là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trở thành lực lượng tiên phong trong tiến trình kiến tạo nền kinh tế xanh, tự chủ và có sức chống chịu cao hơn trước những thách thức toàn cầu ngày càng phức tạp.

Minh Kiệt

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/go-nut-that-trong-dong-von-xanh-cho-doanh-nghiep-tiep-can-tieu-chuan-esg.htm
Zalo