Khu đô thị lấn biển Cần Giờ: Tạo động lực cho phát triển kinh tế biển của TPHCM
Khu đô thị lấn biển Cần Giờ không chỉ là một cực phát triển kinh tế mới mà còn là bàn đạp để Việt Nam tiến xa và sâu hơn ra biển. Cùng với định hướng phát triển theo mô hình ESG, Cần Giờ còn có thể vươn tầm quốc tế.
Đó là chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội - thành viên Ban Chỉ đạo đại dương toàn cầu, khi đề cập đến câu chuyện phát triển kinh tế biển.
Căn cứ địa để tiến ra biển xa hơn bằng công nghệ
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cho biết, dân số ngày càng đông, nhu cầu phát triển cao, mức sống ngày càng tăng thì biển và đại dương được xác định là nơi dự trữ (lương thực, thực phẩm, năng lượng và nhiên liệu,... ) cuối cùng của loài người. Thế nên, hướng ra biển để phát triển là xu thế tất yếu và đã bắt đầu từ thế kỷ 21.
Trên thế giới, các nước tiên tiến từ lâu đã lấy đại dương để nuôi đất liền. Còn Việt Nam, vẫn đang lấy đất liền hướng ra biển.
Trong chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định sáu lĩnh vực kinh tế biển quan trọng cần ưu tiên, gồm: du lịch và dịch vụ biển; kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; nuôi trồng và khai thác hải sản; công nghiệp ven biển; năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.
Diện tích biển của nước ta gấp 3 lần diện tích đất liền. Ông Hồi cho rằng, Việt Nam không chỉ là quốc gia ven biển, mà cần xác định phát triển kinh tế biển phải ra xa hơn, tiến sâu hơn.

Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ vừa được khởi công xây dựng. Ảnh: VG
Nhưng muốn vậy thì phải có những căn cứ địa. Thế nên, việc phát triển những đô thị lấn biển như kiểu Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, về mặt kinh tế được coi là cực phát triển mới. Từ đây sẽ kết nối với các cực khác hình thành tuyến động lực quan trọng phát triển kinh tế của đất nước.
Đây cũng là căn cứ địa, là bàn đạp để Việt Nam tiếp tục tiến biển xuống sâu và ra xa hơn bằng công nghệ. Ông Hồi nhấn mạnh, siêu đô thị lấn biển Cần Giờ chính là hướng tới phát triển một ngành kinh tế biển mới: kinh tế đô thị biển. Trong đó bao gồm thành phố ven biển, thành phố đảo và tương lai có thể là thành phố nổi, thậm chí là thành phố ngầm dưới đáy biển.
Theo ông Hồi, TPHCM hiện xác định là đô thị tầm cỡ thế giới. Xu thế phát triển hướng biển đã đặt ra từ lâu, nhưng đến nay mới thật sự là thời cơ chín muồi. Bởi, nhiều cơ chế đặc thù được trao cho TPHCM, đồng thời thành phố cũng dành nhiều chính sách đặc thù cho Cần Giờ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mạnh dạn xây dựng một siêu dự án có quy mô và đẳng cấp công nghệ ở tầm cỡ thế giới.
Việc phát triển, mở rộng siêu đô thị sẽ mở ra dư địa phát triển mới, tạo thêm động lực và vị thế cho phát triển kinh tế biển của TPHCM.
Đặc biệt, khi TPHCM sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu (có ưu thế về kinh tế biển) sẽ mở ra cơ hội để hình thành một “tam giác vàng” phát triển kinh tế biển mạnh mẽ cho thành phố là: Cần Giờ - Vũng Tàu - Côn Đảo. Ba cực liên kết quan trọng giữa bờ và biển, giữa biển và đảo; giữa kinh tế biển với kinh tế đất liền sâu trong đô thị, ông Hồi đánh giá.
Cần Giờ có thể vươn tầm thế giới
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cũng nhìn nhận, trong bối cảnh không gian phát triển ngày càng mở rộng, hướng ra biển là xu hướng toàn cầu thì việc phát triển những thành phố thông minh, xanh, bền vững, có can thiệp công nghệ chuyển đổi số tiên tiến như khu đô thị lấn biển Cần Giờ sẽ chiếm ưu thế. Ông khẳng định, đây không chỉ là hình mẫu cho Việt Nam mà còn có thể vươn tầm thế giới.
Theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, từ khu đô thị lấn biển Cần Giờ sẽ mở ra hàng loạt dịch vụ gắn với loại đô thị trên biển.
Khi TPHCM trở thành một siêu đô thị cấp quốc tế, chúng ta có thể giành lại vị trí địa kinh tế đang nằm trong tay Bangkok (Thái Lan), tạo ra một điểm trung chuyển trên tuyến giao thông này, sau đó là từ Singapore dựa vào vị trí địa kinh tế xuất sắc hơn trên tuyến giao thông Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương.
Không chỉ tạo ra được những giá trị kinh tế rất lớn, PGS.TS Vũ Thanh Ca - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo, đánh giá, ở dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ đã có những tính toán thiết kế tốt trong vấn đề bảo vệ môi trường khu vực.
Ông dẫn chứng, việc xây dựng đường tàu điện kết nối TPHCM với Cần Giờ sẽ giúp giảm phát thải khí nhà kính và giảm ô nhiễm không khí từ các hoạt động giao thông. Các tiêu chuẩn sử dụng năng lượng cao được áp dụng trong tương lai cũng làm giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động sản xuất điện.
Hay như cây xanh trong khu đô thị, rừng ngập mặn được hỗ trợ bảo vệ và phục hồi do sử dụng nguồn kinh phí từ dịch vụ môi trường rừng thu được thông qua tăng lượng khách du lịch thăm rừng. Nước thải, khí thải được thu gom, xử lý và tái sử dụng cũng làm giảm phát thải khí nhà kính.
“Khi hài hòa được mục tiêu sinh thái và xã hội, dự án này sẽ đóng góp tốt trong việc thúc đẩy mô hình đô thị xanh, phát triển theo tiêu chuẩn ESG tại Việt Nam, đồng thời góp phần đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”, ông Ca nói.
Song, PGS.TS Vũ Thanh Ca cũng lưu ý phải đảm bảo dự án hoạt động hiệu quả về mặt kinh tế. Bởi, chỉ khi đó, dự án mới có kinh phí để thực hiện bảo vệ môi trường. Điều này có nghĩa, hạ tầng dự án cần được phát triển một cách đồng bộ để đảm bảo dự án được khai thác và sử dụng một cách hiệu quả.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cũng đề xuất, thời gian tới TPHCM cần rà soát, xem xét lại không gian phát triển sau sáp nhập. Trong đó, phải tính đến các cực phát triển mới, liên kết vùng, liên thông tự nhiên để có được phương thức quản trị mới.
Theo ông, hướng đi đã đúng, tư duy đã có chiến lược rõ ràng, các dự án đã nhìn thấy rõ tính khả thi thì phải có phương thức quản trị mới để duy trì được tính hiệu quả và tính bền vững.