Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam tính chuyện mở rộng kinh doanh

Trong bối cảnh Hiệp định EVFTA phát huy hiệu quả, ngày càng nhiều doanh nghiệp Đức mở rộng hiện diện tại Việt Nam, không chỉ xem Việt Nam là một thị trường tiêu thụ, mà là đối tác chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Südwolle Group vừa khánh thành nhà máy nhuộm sợi trị giá 21 triệu USD tại Ninh Thuận.

Südwolle Group vừa khánh thành nhà máy nhuộm sợi trị giá 21 triệu USD tại Ninh Thuận.

Theo Báo cáo Triển vọng Kinh doanh Toàn cầu AHK - Mùa xuân 2025 do Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK Vietnam) vừa phát hành, các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam nói đang nhận được cả cơ hội lẫn rủi ro, thách thức trong kinh doanh.

Dù cuộc khảo sát được thực hiện vào thời điểm Mỹ công bố áp thuế mới, nhiều doanh nghiệp tham gia vẫn chưa đánh giá hết tác động tiềm ẩn của chính sách này. Tuy nhiên, kết quả khảo sát vẫn phản ánh sức hút bền vững của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu ngày càng biến động.

Bất chấp những gián đoạn toàn cầu liên tục, 54% doanh nghiệp Đức tại Việt Nam kỳ vọng tình hình kinh doanh của họ sẽ được cải thiện trong năm tới.

80% doanh nghiệp đánh giá tình hình kinh doanh hiện tại là “tốt” hoặc “đạt yêu cầu”, cho thấy môi trường hoạt động tương đối ổn định. Niềm tin cũng thể hiện qua các quyết định hướng tới tương lai: 38% doanh nghiệp có kế hoạch tăng đầu tư, trong khi 43% dự kiến tăng nhân sự trong năm 2025.

"Những con số này tiếp tục khẳng định vai trò kép của Việt Nam: vừa là trung tâm sản xuất mạnh mẽ, vừa là điểm thay thế chiến lược vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", Báo cáo của AHK Vietnam nêu.

Chỉ ra những thách thức, các doanh nghiệp Đức đang kinh doanh tại Việt Nam cho biết, tuy không bị ảnh hưởng trực tiếp từ sự sụt giảm nhu cầu tại Mỹ, nhưng họ vẫn chịu tác động gián tiếp do phụ thuộc vào đối tác phục vụ thị trường này, gây khó khăn trong dự báo và kế hoạch mở rộng, nhất là trong sản xuất và thương mại.

Cùng với đó là những thay đổi chính sách đột ngột và hệ thống pháp lý chưa rõ ràng khiến các quyết định dài hạn trở nên khó khăn hơn đối với doanh nghiệp nước ngoài hay sự đối xử không công bằng trong thương mại.

Một số doanh nghiệp hiện phải đối mặt với cạnh tranh không công bằng, khi doanh nghiệp trong nước được hưởng lợi nhiều hơn. Ngoài ra, thuế nhập khẩu gia tăng cũng ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa trực tiếp đến khách hàng nước ngoài và chịu toàn bộ chi phí logistics.

Những thách thức này càng trở nên nghiêm trọng hơn do sự đứt gãy chuỗi cung ứng và giá nguyên vật liệu thô tăng cao kể từ sau đại dịch.

Doanh nghiệp nhận định, xuất khẩu sang Mỹ sẽ chịu tác động mạnh bởi các mức thuế mới,” thể hiện tính liên kết chặt chẽ giữa hoạt động tại địa phương và các diễn biến toàn cầu.

Tuy vậy, vị thế trung lập và là trung tâm sản xuất trong khu vực ASEAN của Việt Nam vẫn mang lại cơ hội. Trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) phát huy hiệu quả, ngày càng nhiều doanh nghiệp Đức mở rộng hiện diện tại Việt Nam, không chỉ xem đây là một thị trường tiêu thụ, mà là đối tác chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ.

Dẫn chứng là hoạt động đầu tư, thương mại giữa Đức và Việt Nam năm qua tăng trưởng mạnh mẽ, theo AHK Vietnam.

Năm 2024, thương mại song phương vượt 18.8 tỷ Euro (tương đương khoảng 20.4 tỷ USD).

Về đầu tư, một số doanh nghiệp Đức đã mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong năm qua. Đơn cử, Ziehl-Abegg đã khai trương nhà máy trị giá 20 triệu USD tại Đồng Nai chuyên về công nghệ thông gió và truyền động. Kärcher đưa vào hoạt động nhà máy 19.4 triệu USD tại Quảng Nam sản xuất thiết bị làm sạch.

Südwolle Group cũng chính thức khánh thành nhà máy nhuộm sợi trị giá 21 triệu USD tại Ninh Thuận.

Dù không phải là doanh nghiệp Đức, nhưng sự kiện nổi bật gần đây là LEGO (Đan Mạch) khánh thành nhà máy thứ hai tại miền Nam Việt Nam, điều này đã tạo hiệu ứng lan tỏa, thu hút sự quan tâm lớn từ các doanh nghiệp Đức đang tìm hiểu thị trường.

Thế Hải

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doanh-nghiep-duc-tai-viet-nam-tinh-chuyen-mo-rong-kinh-doanh-d273123.html
Zalo