Gỡ khó để xã Hòn Nghệ xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu
Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xã Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) quyết tâm nâng cao chất lượng các tiêu chí, từng bước đưa xã đảo đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Song quá trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của xã đang gặp khó khăn.
Chương trình xây dựng nông thôn mới là một hành trình dài và đầy khó khăn, thách thức, nhất là đối với các xã đảo thì khó khăn lại tăng lên gấp bội. Mặc dù khó khăn nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) nỗ lực để đưa xã đảo đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2022.
Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, diện mạo của xã Hòn Nghệ có nhiều thay đổi, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp, hệ thống chính trị ở cơ sở tiếp tục được củng cố, thu nhập và điều kiện sống của nhân dân được cải thiện và nâng cao.
Ông Nguyễn Văn Trí, ngụ ấp Bãi Chướng, xã Hòn Nghệ nói: “Nhờ có chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bà con xã đảo có cuộc sống đủ đầy hơn, đường, điện, trường, trạm được Nhà nước đầu tư”.
Đồng chí Tạ Minh Tài - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hòn Nghệ cho biết bài học kinh nghiệm được địa phương rút ra trong quá trình xây dựng xã nông thôn mới nâng cao là phát huy vai trò chủ thể của người dân tham gia xây dựng nông thôn mới.
Xã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục người dân nhận thức rõ tầm quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới, qua đó giúp người dân hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, xã tăng cường huy động các nguồn lực trong cộng đồng, người dân thành đạt xa quê, các doanh nghiệp… đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và các công trình phúc lợi thuộc nhóm không có sự hỗ trợ của Nhà nước.
Không dừng lại ở thành tích xã nông thôn mới nâng cao, Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) đang tiếp tục phấn đấu tiến lên xã nông thôn mới kiểu mẫu. Tuy nhiên, với những quy định mới của bộ tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, xã Hòn Nghệ đang gặp nhiều khó khăn.
Số lượng học sinh trên địa bàn ít, thế nên chỉ cần 1-2 học sinh không theo học chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên cấp phổ thông hoặc giáo dục nghề nghiệp theo chỉ tiêu 2.5 về giáo dục thì xã sẽ không đạt tiêu chí này. Tiêu chí số 6 du lịch, hiện xã chưa được công nhận là điểm du lịch hoặc khu du lịch.
Về thu nhập, theo bộ tiêu chí của tỉnh, năm 2024 thu nhập bình quân của xã đạt từ 86 triệu đồng/người, đến năm 2025 là 91 triệu đồng/người; đây cũng là tiêu chí khó đối với một xã đảo điều kiện kinh tế còn khó khăn, người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản. Hiện hoạt động khai thác thủy sản gặp khó do ngư trường cạn kiệt, đầu ra cá nuôi lồng bè bấp bênh, từ đó rất khó để thu nhập của người dân được nâng lên.
Nước sinh hoạt cũng là một vấn đề nan giải của xã, người dân trên đảo chủ yếu sử dụng nguồn nước ngầm từ trạm cấp nước xã, mùa khô lượng nước thiếu hụt, không đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân trong khi xã chưa có bể chứa, hồ chứa trữ nước phục vụ vào mùa khô.
Về tiêu chí môi trường, hiện lò đốt rác tập trung của xã chỉ xử lý được rác thải nhựa, giấy, cây, lá, còn chất thải rắn không đốt được do nhiệt độ lò có giới hạn. Đường giao thông nông thôn của xã có chiều ngang 3,5m, nhà dân xây dựng cặp hai bên lề đường, rất khó để mở rộng đường giao thông quanh đảo.
Theo Chủ tịch UBND xã Hòn Nghệ Tạ Minh Tài, thực tiễn tại địa phương khi xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, xã xác định những tiêu chí dễ thực hiện trước, khó thực hiện sau, không nóng vội. Đối với những việc khó, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải tiên phong vào cuộc tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện tham gia.
Bên cạnh đó, cùng nỗ lực của địa phương trong việc khơi dậy sức dân và phát huy nội lực từ dân thì cần sự quan tâm hỗ trợ rất lớn từ các ban, ngành cấp tỉnh, huyện để gỡ khó giúp xã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu trong thời gian tới.
Bài và ảnh: THÙY TRANG