Đánh thuế nhà đất theo thời gian sở hữu để giảm tình trạng đầu cơ
Đề xuất áp dụng thuế với lợi nhuận thu được từ giao dịch bất động sản căn cứ theo tần suất giao dịch, thời gian mua, bán lại nhà, đất. Nếu thời gian này diễn ra càng nhanh thì thuế suất càng cao và ngược lại.
Nhà đất mua đi, bán lại ngay bị đánh thuế rất cao
Bộ Tài chính vừa có Tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế). Trong đó, bộ này đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định đối với thu nhập chịu thuế của cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản để đảm bảo đồng bộ với luật Đất đai năm 2024.
Hiện tại, chính sách thuế thu nhập cá nhân tại Việt Nam không phân biệt theo thời gian nắm giữ bất động sản của người chuyển nhượng. Thu nhập chịu thuế từ mua bán nhà, đất được xác định là giá chuyển nhượng từng lần, với thuế suất 2%.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, một số quốc gia trên thế giới đã sử dụng các công cụ thuế để tăng chi phí cho hành vi đầu cơ và giảm sức hấp dẫn của việc này, trong đó có thuế thu nhập cá nhân. Đồng thời, một số nước còn áp dụng thuế với lợi nhuận thu được từ giao dịch bất động sản căn cứ theo tần suất giao dịch, thời gian mua, bán lại nhà, đất. Nếu thời gian này diễn ra càng nhanh thì thuế suất càng cao và ngược lại.
Cụ thể, tại Singapore, đất mua đi, bán lại trong năm đầu tiên bị đánh thuế 100% trên giá trị chênh lệch mua, bán. Sau 2 năm, mức thuế suất giảm còn 50% và sau 3 năm là 25%. Tại Đài Loan, giao dịch bất động sản thực hiện trong 2 năm đầu sau khi mua áp dụng thuế suất là 45%. Trong 2-5 năm, thuế suất là 35%, trong 5-10 năm thuế suất 20% và sau 10 năm là 15%.
Bộ Tài chính đề xuất có thể thực hiện thu thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng nhà đất theo thời gian nắm giữ giống như một số quốc gia trên. Việc này sẽ giúp thể chế hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về sử dụng nhà đất có hiệu quả, quy định mức thuế cao với người sở hữu nhiều bất động sản. Đồng thời, đánh thuế mua bán theo thời gian sở hữu cũng làm giảm tình trạng đầu cơ, bong bóng bất động sản.
"Mức thuế suất cụ thể cần được nghiên cứu, xác định phù hợp, phản ánh được thực trạng hoạt động của thị trường bất động sản", Bộ Tài chính nêu. Theo cơ quan này, việc áp dụng thuế thu nhập cá nhân theo thời gian nắm giữ cũng cần đồng bộ với quá trình hoàn thiện các chính sách có liên quan đến đất đai, nhà ở và hạ tầng công nghệ thông tin.
Liên quan tới thuế thu nhập cá nhân đối với chuyển nhượng bất động sản, chuyên gia kinh tế Đỗ Đức Định cho rằng công cụ thuế để quản lý thị trường bất động sản là rất cần thiết. Thuế thu nhập cá nhân phải tính đến khoản thu này để đảm bảo công bằng, chống thất thu thuế và đảm bảo quản lý được tình trạng đầu cơ bất động sản đang diễn ra phổ biến hiện nay.
Lấy doanh thu trừ đi chi phí thực tế, chỉ thu trên phần lãi. Trường hợp mua bán đất đai, nhà cửa mà có hóa đơn chứng từ đầy đủ thì chỉ nên thu thuế trên phần lãi, không thể cứ thu 2% trên tổng giá trị. 2% này gọi là thuế tài sản hoặc thuế doanh thu, vừa quản lý được thị trường bất động sản vừa tránh tình trạng đẩy giá nhà đất lên cao.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nhận định, thuế là công cụ để điều tiết thị trường nhưng chính sách thuế cần có lộ trình cụ thể được tính toán cẩn thận. Phải xây dựng được một hạ tầng quản lý về đất đai, liên thông giữa các đơn vị hành chính cấp tỉnh để truy rõ số lượng bất động sản một cá nhân sở hữu. Như vậy mới tránh được tình trạng khai thiếu, khai không đúng để tránh "né" thuế. Nghiên cứu cách đánh thuế bất động sản sao cho không xảy ra trình trạng "chồng thuế" khác cũng là điểm phải lưu ý.
Đánh thuế với người sở hữu nhiều nhà đất
Hồi tháng 9, trong công văn gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo tình hình giá bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết sẽ nghiên cứu, đề xuất chính sách đánh thuế với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất nhằm hạn chế đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lời. Đề xuất của Bộ Xây dựng được đưa ra trong bối cảnh giá bất động sản, nhà ở liên tục tăng mạnh từ đầu năm đến nay.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng khẳng định, đề xuất này không phải là mới. Cách đây khoảng 7 năm, đề xuất tương tự được nêu lên đã khiến người dân băn khoăn, ngay cả với người chưa sở hữu nhà. Vì thực tế, mức thuế tăng có thể khiến giá nhà tăng cao, người dân vốn đã không có nhiều điều kiện tiếp cận nhà ở sẽ lại càng khó khăn nên tâm lý chung là chưa đồng thuận.
"Bất động sản là một lĩnh vực rất phức tạp, nên khi đánh thuế cần xem xét một cách toàn diện, thận trọng, tránh đưa ra thuế xa rời thực tế làm người dân thất vọng, không đáp ứng được mong đợi. Đề xuất đánh thuế bất động sản thứ 2 thời điểm hiện tại không chỉ khiến thị trường mất niềm tin mà còn có thể làm giá nhà tăng cao, người dân mất cơ hội tiếp cận nhà ở", ông Hiển khuyến nghị.
Bởi theo ông Hiển, công cụ thuế có tính 2 mặt. Tùy từng thị trường cụ thể mà công cụ này sẽ tác động tốt hoặc tác động cản trở tới sự phát triển của thị trường đó. Cần sử dụng công cụ thuế để kích thích thị trường phát triển minh bạch, đúng đắn chứ không nên trở thành một rào cản đối với sự phát triển của thị trường bất động sản. "Đánh thuế bất động sản chỉ là một trong nhiều biện pháp giúp cho thị trường bất động sản phát triển minh bạch và bền vững. Biện pháp tối ưu nhất là cần đẩy mạnh quá trình số hóa và xây dựng kho cơ sở dữ liệu về đất đai cũng như dữ liệu về giá trị tài sản là bất động sản", ông Hiển cho hay.
Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), hiện hệ thống pháp luật chưa có chế tài kiểm soát, ngăn chặn hoạt động đầu cơ, găm đất nhằm đẩy giá. Trong khi tình trạng mua bán, sang tay không được kiểm soát là nguyên nhân chính dẫn đến "sốt đất" tại nhiều địa phương.
Theo đề xuất của VARS, chính sách thuế bất động sản cần được áp cho hai đối tượng, gồm người mua căn nhà thứ hai trở lên và chủ sở hữu bỏ hoang dự án. Mức thuế sẽ tăng dần với giao dịch mà người bán có thời gian sở hữu ngắn.
Bên cạnh đó, VARS cũng đề nghị, trường hợp chủ sở hữu không xây dựng dự án sau khi nhận đất cũng phải chịu thuế bỏ hoang bất động sản. Đây là chính sách đang được Hàn Quốc áp dụng. Hiện mức thuế suất đang là 5% và sẽ tăng dần theo số năm mà bất động sản bị bỏ hoang.