Phát triển xanh, mở cánh cửa đưa hàng Việt ra toàn cầu
Không đứng ngoài cuộc phát triển xanh, nhiều doanh nghiệp Việt đã lên kế hoạch từ nhiều năm để đầu tư phát triển xanh bền vững và hôm nay đã 'hái quả ngọt'.
Nhiều doanh nghiệp đã định hình tầm nhìn dài hạn cho kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Không chỉ vậy, nhiều công ty từ lâu đã áp dụng tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp) như là một bước đi quan trọng để hướng tới một tương lai bền vững hơn.
Những câu chuyện thành công
Giữ vị thế hàng đầu về xuất khẩu hồ tiêu, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group rất thấu hiểu câu chuyện xây dựng chiến lược chuyển đổi xanh để nắm bắt cơ hội kinh doanh.
Theo ông Thông, khi đưa sản phẩm vào các thị trường xuất khẩu, công ty đã nghĩ ngay đến việc phải thực hiện phát triển bền vững và chiến lược ESG. Đầu tư vào phát triển bền vững không chỉ là trách nhiệm xã hội mà còn là một quyết định kinh doanh quan trọng. Nhờ đó, Phúc Sinh không chỉ vượt qua các đòi hỏi về kỹ thuật của các thị trường mà còn mở ra những cơ hội phát triển mới như huy động vốn ngoại cho phát triển bền vững.
“Trong hành trình chuyển đổi xanh, chúng tôi đã không ngừng học hỏi và thích nghi với nhiều yếu tố khác nhau, từ việc thuyết phục nông dân áp dụng các tiêu chuẩn xanh cho quá trình canh tác cho đến đầu tư nguồn lực lớn vào đây. Sự kiên định này đã đem đến sự thành công, vì đầu tư cho chứng chỉ xanh mất thời gian hàng năm, và gấp đôi thời gian để thu hồi vốn”- ông Thông nói.
Một ông lớn khác trong lĩnh vực nông nghiệp là Tập đoàn PAN với các sản phẩm từ tôm, cá, gạo cho đến nhiều sản phẩm nông sản khác cũng tìm thấy sự thành công từ tập trung phát triển xanh.
Bà Nguyễn Thị Trà My, Tổng giám đốc Tập đoàn PAN cho biết, hiện sản phẩm gạo mang thương hiệu PAN bán ở thị trường nước ngoài với hơn 1.100 USD/tấn. Điều này có được nhờ vào chất lượng sản phẩm và đáp ứng các tiêu chuẩn phát triển bền vững ở cấp độ toàn cầu.
“Khi xác định tham gia sân chơi toàn cầu, bán sản phẩm nông nghiệp cho thế giới, chúng tôi ngay từ đầu đã xác định phải xây dựng chiến lược phát triển xanh bền vững, thực thi ESG. Vì đây là xu hướng của thế giới, nếu doanh nghiệp không nằm trong dòng chảy đó sẽ sớm bị đào thải”- bà Trà My nói.
Theo vị Tổng giám đốc Tập đoàn PAN, để đưa chương trình phát triển bền vững thực thi cần định hình một tầm nhìn rõ ràng, hướng tới những giá trị cốt lõi và mục tiêu lâu dài.
“Bởi vì PAN có rất nhiều đơn vị thành viên, nên chúng tôi phải xây dựng các ban chỉ đạo phát triển xanh. Đồng thời tổ chức các buổi hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm để nhân viên hiểu rõ về khái niệm phát triển bền vững, tầm quan trọng của nó đối với doanh nghiệp và xã hội. Lãnh đạo cần thể hiện rõ cam kết của mình đối với phát triển bền vững bằng những hành động cụ thể và truyền cảm hứng cho nhân viên”- bà Trà My nói.
Đứng đầu trong ngành cao su, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) cũng nhận thức rõ chiến lược phát triển xanh trong hoạt động kinh doanh sản xuất và đã có nhiều thành công.
Theo ông Lê Thanh Hưng, Tổng giám đốc VRG, tập đoàn đã có 32 công ty xây dựng phương án quản lý rừng bền vững đạt 280.000 ha; 18 thành viên được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế (VFCS/PEFC-FM) trên 118.300 ha rừng cao su và được cấp chứng chỉ rừng bền vững cho chuỗi hành trình sản phẩm 38 nhà máy.
“Chúng tôi xác định thực hiện chiến lược phát triển xanh, phát triển bền vững chính là đầu tư cho cơ hội ở tương lai. Việc thực hiện các hoạt động xanh và bền vững cũng là các tiêu chí quan trọng giúp sản phẩm và thương hiệu tập đoàn đáp ứng yêu cầu khách hàng, đồng thời tạo ra các cơ hội phát triển mới”- ông Hưng nói.
Thực phẩm xanh Việt thu hút khách quốc tế
Áp dụng sản xuất xanh theo tiêu chuẩn quốc tế, nhiều sản phẩm thực phẩm xanh của các doanh nghiệp Việt Nam đã tiếp cận với nhiều khách hàng quốc tế tại triển lãm Vietnam Foodexpo 2024 vừa diễn ra tại TP.HCM.
Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phẩn Thực phẩm G.C (GC Food), cho biết những năm trước đây, chất lượng và giá cả là hai mối quan tâm hàng đầu của các khách hàng quốc tế, thì thời gian gần đây, các khách hàng lại đưa ra nhiều yêu cầu liên quan đến tiêu chuẩn phát triển bền vững ESG (Môi trường – xã hội - quản trị). Nhờ thực hiện quy trình sản xuất thực phẩm xanh theo tiêu chuẩn quốc tế, GC Food chuyên cung cấp nha đam, thạch dừa và các loại nông sản không chỉ cho Việt Nam mà còn xuất khẩu đến thị trường nước ngoài.
Tương tự, các sản phẩm của Công ty sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy) tạo được ấn tượng với nhiều đoàn khách quốc tế tham quan khi doanh nghiệp này đầu tư vào quy trình sản xuất không tạo bã, giúp tối ưu hóa việc sử dụng đậu nành và giảm thiểu lãng phí trong sản xuất sữa thực vật, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn xanh.
Vượt qua rào cản
Ông Lê Thanh Hưng, Tổng giám đốc VRG cho biết, đầu tư phát triển xanh là một câu chuyện dài hơi và cần sự nỗ lực từ nhiều phía. Do đó, giáo dục, nâng cao nhận thức trong toàn tập đoàn về vai trò, ý nghĩa của chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Ông Hưng nhấn mạnh: "Chúng tôi xây dựng nhiệm vụ phù hợp, khả thi, hiệu quả cả ngắn hạn và dài hạn, triển khai quyết liệt, đồng bộ chiến lược phát triển bền vững, góp phần tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của cả hệ thống. Xem đây là nhiệm vụ quan trọng phải thực hiện song song với phát triển sản xuất kinh doanh".
Theo ông Phan Minh Thông, CEO Phúc Sinh Group, một trong những thách thức lớn nhất mà Phúc Sinh đối mặt khi triển khai hoạt động phát triển xanh, bền vững là thiếu hụt nguồn nhân lực có chuyên môn. Do lĩnh vực này còn khá mới mẻ tại Việt Nam, việc tìm kiếm nhân tài gặp nhiều khó khăn.
“Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đã tận dụng nguồn lực sẵn có, đào tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên hiện tại, đồng thời xây dựng các chương trình đào tạo nội bộ. Bên cạnh đó, việc xây dựng một đội ngũ lãnh đạo có tầm nhìn rõ ràng về phát triển bền vững cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi”- ông Thông nói.
Theo các chuyên gia, thực thi chiến lược phát triển bền vững đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn và ổn định. Doanh nghiệp cần chủ động huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau để đảm bảo tính bền vững.
Bên cạnh nguồn vốn tự có, doanh nghiệp có thể tận dụng các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, các nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế và các hình thức hợp tác khác. Việc kết hợp linh hoạt các nguồn vốn này sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro và tăng khả năng thành công của quá trình chuyển đổi.
Dệt may phát triển xanh mới mong duy trì cạnh tranh
Chuyển đổi phát triển xanh là yếu tố then chốt để ngành dệt may Việt Nam phát triển bền vững và duy trì vị thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Hiện đã có một số doanh nghiệp dệt may phát triển xanh mạnh mẽ nhờ áp dụng các giải pháp công nghệ như nhuộm vải không cần nước và sử dụng năng lượng mặt trời tại một số nhà máy. Doanh nghiệp dệt may xây dựng các nhà máy xanh với hệ thống xử lý nước thải tiên tiến và cam kết giảm thiểu lượng khí thải CO2 từ các hoạt động sản xuất.
Dây chuyền tự động của một doanh nghiệp dệt may tại TP.HCM.
Năm 2024, đơn hàng của doanh nghiệp dệt may hồi phục tương đối tốt là nhờ bản thân doanh nghiệp dệt may chủ động thích ứng nhanh trong phát triển xanh để đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của các doanh nghiệp là thiếu lực lượng lao động để đáp ứng được đơn hàng.
Đặc biệt, điều kiện xuất khẩu phải đạt các chứng chỉ xanh thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc vẫn gây trở ngại rất lớn cho doanh nghiệp ngành dệt may.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM