Giúp Việt Nam kết nối thị trường tài chính toàn cầu

Với Việt Nam, việc có một Trung tâm tài chính mới, khác biệt với những Trung tâm tài chính hiện có để tiếp nhận nguồn lực tài chính dịch chuyển từ các Trung tâm tài chính quốc tế lớn, cung cấp dịch vụ tài chính mới, tiếp cận các thị trường mới, xu thế phát triển mới... đang là nhu cầu cấp thiết.

Thành phố Hồ Chí Minh chỉ cách khoảng 3 giờ bay với các nền kinh tế năng động của châu Á như Singapore, Malaysia, Indonesia. Ảnh: vneconomy

Thành phố Hồ Chí Minh chỉ cách khoảng 3 giờ bay với các nền kinh tế năng động của châu Á như Singapore, Malaysia, Indonesia. Ảnh: vneconomy

Cần xây dựng Trung tâm tài chính cạnh tranh hàng đầu

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, hiện nay, trên thế giới có 121 Trung tâm tài chính và các Trung tâm đang có sự cạnh tranh mạnh mẽ trong việc trở thành Trung tâm tài chính hàng đầu, với các sản phẩm hấp dẫn, đổi mới sáng tạo, phù hợp với sự vận động và phát triển.

Tại Việt Nam, trong Thông báo số 47-TB/TW ngày 15/11/2024, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương thành lập trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại TPHCM và trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng.

Việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam là yêu cầu tất yếu, khách quan trong giai đoạn phát triển mới, giai đoạn vươn mình phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no và hạnh phúc.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Một lợi thế lớn của Việt Nam khi hình thành Trung tâm tài chính mới đó là Trung tâm này nằm ở châu Á - Thái Bình Dương, nơi vốn được đánh giá là trung tâm kinh tế năng động nhất thế giới. Năm 2023, Việt Nam được Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) đánh giá là một trong 03 nền kinh tế sáng tạo dẫn đầu trong số các quốc gia thu nhập trung bình thấp; một trong 07 quốc gia đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua; năm 2024, được WIPO ghi nhận là một trong 08 quốc gia thu nhập trung bình cải thiện thứ hạng nhiều nhất tính từ năm 20133 và là một trong 03 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 14 năm liên tiếp.

Thành phố Hồ Chí Minh chỉ cách khoảng 3 giờ bay với các nền kinh tế năng động của châu Á như Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Năm 2022, Việt Nam có TP.Hồ Chí Minh được đưa vào xếp hạng trong danh sách chính thức các Trung tâm tài chính toàn cầu tại Báo cáo GFCI 31 với thứ hạng là 102/120; tại Báo cáo GFCI 35 (tháng 3/2024), TP.Hồ Chí Minh xếp thứ hạng 108/121 và tại Báo cáo GFCI 36 (tháng 9/2024), xếp thứ hạng 105/121.

Hơn nữa, “Việt Nam đang là điểm sáng về phát triển và tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, thu hút đầu tư, đang dần hội tụ các yếu tố cần thiết để phát triển thị trường tài chính hiện đại, hướng đến hình thành Trung tâm tài chính, có khả năng liên kết với các Trung tâm tài chính trong khu vực và trên thế giới” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, đồng thời nhấn mạnh, Việt Nam cũng nằm trong số những thị trường dẫn đầu về tỷ lệ áp dụng các công nghệ tài chính tương lai, có thể tạo được lợi thế cạnh tranh, hình thành các sản phẩm “đặc thù” cho Trung tâm tài chính ở Việt Nam.

Theo phân tích của các chuyên gia, việc xây dựng, củng cố và phát huy các lợi thế cạnh tranh để hình thành Trung tâm tài chính khu vực, hướng đến Trung tâm tài chính quốc tế đặt ra nhiều thách thức với Việt Nam. Tuy nhiên, nếu thành công, sẽ giúp Việt Nam kết nối thị trường tài chính toàn cầu; thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, tạo ra nguồn lực đầu tư mới, thúc đẩy nguồn lực đầu tư hiện hữu; tận dụng cơ hội dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế; thúc đẩy phát triển thị trường tài chính Việt Nam hiệu quả, bắt kịp chuẩn mực quốc tế; góp phần phát triển bền vững kinh tế đất nước, nâng cao vai trò, vị thế, uy tín và ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế; từ đó bảo đảm quốc phòng an ninh, nhất là trong trong lĩnh vực tài chính từ sớm, từ xa.

Cần xây dựng, vận hành và phát triển Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế có tính cạnh tranh tại Việt Nam. Ảnh: ST

Cần xây dựng, vận hành và phát triển Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế có tính cạnh tranh tại Việt Nam. Ảnh: ST

Quy định nhiều chính sách quan trọng đối với Trung tâm tài chính

Việc xây dựng, vận hành và phát triển Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế có tính cạnh tranh tại Việt Nam sẽ góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Muốn vậy, cần phải xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại Việt Nam.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc xây dựng Nghị quyết về Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam bảo đảm phù hợp với chỉ đạo của Bộ Chính trị, đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo tuyệt đối của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất, thông suốt và liên tục của Nhà nước.

Việt Nam đang sở hữu nhiều lợi thế tự nhiên sẵn có để phát triển Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế: nằm ở ngã tư quốc tế giữa các con đường hàng hải từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, là tâm điểm của khu vực Đông Nam Á; có múi giờ khác biệt với 21 Trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu (đây là lợi thế “riêng có và đặc biệt” trong việc thu hút dòng vốn nhàn rỗi trong thời gian nghỉ giao dịch từ các trung tâm này).

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Khung pháp lý áp dụng cho Trung tâm tài chính phải có tính đột phá, đảm bảo phát huy tối đa các lợi thế của Việt Nam; bắt kịp xu hướng phát triển quốc tế, theo chuẩn mực, thông lệ tiên tiến của thế giới, bảo đảm nguyên tắc pháp quyền, hài hòa với cam kết quốc tế; bảo đảm sự đồng bộ, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, mở đường cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, có tính cạnh tranh cao, khả thi và phù hợp với điều kiện thực tiễn và năng lực nội tại, trong đó ưu tiên lợi ích quốc gia là trên hết; đặc biệt là uy tín và an ninh tài chính quốc gia.

Phát triển Trung tâm tài chính tại khu vực có ranh giới xác định và áp dụng các chính sách đặc thù trong khu vực Trung tâm tài chính, đối tượng tham gia được xác định theo tiêu chí rõ ràng, với chính sách ưu đãi vượt trội để cho phép Việt Nam: thử nghiệm có kiểm soát các chính sách đặc thù nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường tài chính toàn cầu; phân quyền, phân cấp cho cơ quan quản lý Trung tâm tài chính và cải cách thủ tục hành chính tối đa có thể; tập trung quản lý, giám sát dựa trên rủi ro; đánh giá tác động đối với các chính sách phát triển Trung tâm tài chính phù hợp với điều kiện trong nước theo từng giai đoạn để điều chỉnh phù hợp, linh hoạt.

Đặc biệt phải bảo đảm cân đối lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân trên tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro; cần dự báo và có thể phải chấp nhận một mức độ rủi ro nhất định nhưng tăng cường vị thế địa chính trị, địa kinh tế của Việt Nam, gắn lợi ích kinh tế các đối tác, các nước lớn; qua đó góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh “phi truyền thống”; ổn định và phát triển toàn diện về các mặt kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường.

Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các Bộ ngành liên quan và UBND TP.Hồ Chí Minh, UBND TP.Đà Nẵng thành lập Ban soạn thảo, Tổ Biên tập xây dựng Nghị quyết quan trọng này.

Cập nhật thông tin, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau khi gửi văn bản xin ý kiến về hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết. Đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được góp ý của nhiều Bộ ngành và UBND TP.Hồ Chí Minh, TP.Đà Nẵng; đã tiếp thu, giải trình các ý kiến và hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định; hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam trình Chính phủ, xem xét, quyết định.

Dự thảo Nghị quyết đang được xây dựng với 5 Chương và 31 Điều, trong đó quy định về các chính sách đối với Trung tâm tài chính (chính sách tiền tệ, ngân hàng và quản lý ngoại hối; chính sách thử nghiệm có kiểm soát đối với mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính; chính sách tài chính, phát triển thị trường vốn; chính sách thuế thu nhập cá nhân; chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp; chính sách đối với nhà đầu tư chiến lược; chính sách đất đai…). Đồng thời quy định về quản lý nhà nước đối với Trung tâm tài chính (quy định về quyền hạn, trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đối với Trung tâm tài chính quốc tế; Quyền hạn, trách nhiệm quản lý nhà nước của chính quyền địa phương đối với Trung tâm tài chính…)./.

ĐỨC HUY

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/giup-viet-nam-ket-noi-thi-truong-tai-chinh-toan-cau-37999.html
Zalo