Gỡ 'điểm nghẽn' về thể chế để khơi thông nguồn lực

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2025 chiều 5/2, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương cho biết: 'Để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 từ 8% trở lên, cần phải tiếp tục tháo gỡ các 'điểm nghẽn' về thể chế đối với các dự án đầu tư đang vướng mắc, để sớm khai thông các nguồn lực chưa đưa được vào nền kinh tế'.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Trần Quốc Phương. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Trần Quốc Phương. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Theo ông Trần Quốc Phương, trước đây triển khai Nghị quyết của Quốc hội đã ban hành, giao chỉ tiêu tăng trưởng của Việt Nam từ 6,5 - 7%, phấn đấu từ 7 - 7,5% năm 2025. Tuy nhiên, Trung ương đã có chỉ đạo điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt từ 8% trở lên, nhằm tạo nền tảng để Việt Nam bước vào kỷ nguyên tăng trưởng mới, liên tục trong nhiều năm ở mức cao 2 con số (trên 10%). Đây là nhiệm vụ nặng nề”, lãnh đạo Bộ KH&ĐT chia sẻ.

Để đạt được mục tiêu, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT đã chuẩn bị những nội dung, hồ sơ cần thiết trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường sắp tới, điều chỉnh một số chỉ tiêu, đặc biệt một số cân đối liên quan tới đầu tư, ngân sách, lạm phát của nền kinh tế… “Hồ sơ phía Bộ đã trình Chính phủ, dự kiến trong kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội sẽ xem xét, thông qua,” ông Trần Quốc Phương cho biết.

Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT đã chuẩn bị Nghị quyết riêng của Chính phủ để triển khai nhiệm vụ này. Tại kỳ họp Chính phủ sáng 5/2, Bộ đã xin ý kiến các thành viên Chính phủ về Nghị quyết riêng để triển khai.

Nhấn mạnh giải pháp về hoàn thiện thể chế, pháp luật được Bộ đề xuất, ông Trần Quốc Phương cho biết, sẽ bám sát vào quan điểm chỉ đạo của Trung ương và chỉ đạo của Thủ tướng, đó là tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế đối với các dự án đầu tư đang vướng mắc; tăng cường đầu tư công tác động tức thì đối với tăng trưởng kinh tế.

Theo đó, có thể phải triển khai sớm một số dự án quan trọng, điển hình như Dự án tuyến đường sắt tiêu chuẩn, kết nối quốc tế phía Bắc, tuyến đường Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, sau đó là các tuyến đường Hà Nội - Lạng Sơn, Hải Phòng - Móng Cái… “Nhóm thứ 2 là đầu tư trong doanh nghiệp Nhà nước, gắn với quá trình triển khai Nghị quyết 18, các doanh nghiệp Nhà nước sắp tới cũng có sự sắp xếp tạo không gian, cơ hội phát triển doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy đầu tư của doanh nghiệp...”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.

Về xuất khẩu, ông Trần Quốc Phương thông tin, trong phiên họp thường kỳ Chính phủ sáng 5/2, Bộ đã báo cáo Thủ tướng về động lực xuất khẩu. Mặc dù dự báo năm 2025, lĩnh vực xuất khẩu có thể gặp một số trở ngại liên quan tới chính sách bảo hộ như: Chính sách thuế của Mỹ, nguy cơ rủi ro đối với thị trường thương mại thế giới khi có thể có các cuộc trả đũa lẫn nhau khi tăng thuế...

“Thủ tướng đã chỉ đạo phải tận dụng tối đa các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, khơi thông các Hiệp định thương mại mới, như CEPA… khai mở thêm các thị trường mới, đảm bảo tính kết nối giữa đầu vào - đầu ra cho sản xuất và thúc đẩy thị trường trong nước; đồng thời, Thủ tướng cũng chỉ đạo và Bộ đã tiếp thu các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng mới. Hiện, Việt Nam đã có vị thế tốt trong bản đồ công nghệ thế giới như: Công nghệ trí tuệ nhân tạo - AI, công nghệ cao khác… Đây là lợi thế và cơ hội để bứt phá trong lĩnh vực khoa học công nghệ đặc biệt...", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhận định.

Tin, clip: Minh Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/go-diem-nghen-ve-the-che-de-khoi-thong-nguon-luc-20250205183900117.htm
Zalo