Giữ vững thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực
Năm 2024, các thị trường xuất khẩu nông sản lớn của Việt Nam tiếp tục là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU). Với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2025 đạt khoảng 65 tỷ USD, việc giữ vững và tạo đà tăng trưởng tại khu vực thị trường chủ lực là yêu cầu quan trọng.
Theo Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công thương), năm 2025 hứa hẹn là một năm phát triển mạnh mẽ trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Mỹ, với tổng kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt từ 125 đến 130 tỷ USD, trong đó các mặt hàng nông, thủy sản và đồ gỗ mỹ nghệ sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực.
Theo đó, đồ gỗ mỹ nghệ được dự đoán đạt 10 tỷ USD, tăng hơn 20% so với năm 2024. Xu hướng tiêu dùng sản phẩm nội thất bền vững, tái chế tại Mỹ tiếp tục là động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành hàng này. Ngành nông sản và thủy sản, bao gồm các mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra, hạt điều cũng được dự báo đạt kim ngạch hơn 7 tỷ USD nhờ chất lượng sản phẩm được nâng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm khắt khe của Mỹ. Ngoài ra, mặt hàng cao su cũng được dự đoán sẽ duy trì mức tăng trưởng ổn định, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất công nghiệp tại thị trường này.
Đối với thị trường Trung Quốc, Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc Nông Đức Lai cho biết: Năm 2025, Việt Nam tiếp tục có nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc. Với việc có mặt trong nhiều chuỗi siêu thị lớn ở các tỉnh phát triển sâu trong nội địa Trung Quốc như Sơn Đông, Hồ Nam; cộng với mở rộng giao thương trên các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội của Trung Quốc, nông sản Việt Nam đang hiện diện ngày càng sâu rộng, đa dạng tại thị trường rộng lớn hơn 1,4 tỷ dân. Các sản phẩm rau quả, thủy sản, cao su, sắn… tiếp tục là những mặt hàng có nhiều dư địa phát triển.
Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là năm 2025 được dự báo sẽ có nhiều thay đổi trong chính sách nhập khẩu hàng hóa cũng như ban hành thêm những quy định mới về tiêu chuẩn sản phẩm của nhiều thị trường. Cụ thể tại khu vực EU, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, Luxembourg và EU thông tin, từ giữa tháng 12/2024, Ủy ban châu Âu đã ban hành quy định về rà soát áp dụng các biện pháp tăng cường kiểm tra bổ sung, biện pháp khẩn cấp quản lý nhập khẩu hàng nông sản, thực phẩm từ các nước bên ngoài vào EU và đưa ra quyết định đối với một số nông sản, thực phẩm có nguồn gốc tại Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 8/1/2025.
Theo đó, nâng tần suất kiểm tra mặt hàng sầu riêng từ 10% lên 20%; áp dụng tần suất kiểm tra tại biên giới đối với thanh long từ 30%; đậu bắp và ớt áp dụng tần suất kiểm tra đều là 50%, đồng thời kèm theo các lô hàng là giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và kết quả phân tích kiểm nghiệm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong sản phẩm. Mặt khác, Việt Nam còn phải triển khai nhiều giải pháp để kịp thời gian áp dụng Quy định Chống phá rừng (EUDR) liên quan trực tiếp đến các ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như cà-phê, gỗ, cao su.
Còn tại thị trường Mỹ, theo ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán Thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, để đạt được các mục tiêu xuất khẩu nông sản, các doanh nghiệp Việt Nam cần đối mặt và vượt qua một số thách thức như các biện pháp phòng vệ thương mại; yêu cầu tuân thủ các tiêu chuẩn phát triển bền vững (ESG); cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các đối thủ trong khu vực như Trung Quốc, Bangladesh và Ấn Độ... Cùng đó, người tiêu dùng tại Mỹ cũng đang chuyển dịch sang sử dụng các sản phẩm bền vững, đòi hỏi các doanh nghiệp phải đầu tư lớn vào công nghệ để duy trì lợi thế cạnh tranh.
Trước các thách thức lớn từ nhiều thị trường chủ lực, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, Bộ vẫn tiếp tục triển khai thực hiện các đề án thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang các thị trường Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU… Đặc biệt, tập trung phát triển nông nghiệp xanh theo hướng tăng cường sản xuất nông nghiệp hữu cơ để đáp ứng các yêu cầu mới nhất của các nước nhập khẩu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hiện nay, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ của cả nước khoảng hơn 75.000 ha, trong đó có 38.780 ha sản xuất hữu cơ được chứng nhận TCVN hoặc theo tiêu chuẩn của EU, Mỹ, Nhật Bản. Các địa phương cũng đẩy mạnh quy hoạch vùng sản xuất và hỗ trợ các mô hình sản xuất hữu cơ ở tất cả các lĩnh vực như: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp.
Bên cạnh đó, từ năm 2017 đến nay, Bộ cũng đã loại bỏ được 14 hoạt chất với 1.706 tên thương phẩm thuốc bảo vệ thực vật có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vật nuôi và môi trường ra khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Hiện danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng có 460 hoạt chất với 4.537 tên thương phẩm, trong đó thuốc sinh học chiếm 18,88%. Lượng phân hữu cơ sử dụng chiếm 24,8% trong sản xuất trồng trọt; số lượng sản phẩm phân hữu cơ được công nhận lưu hành tăng hơn 10 lần; số lượng nhà máy có sản xuất phân bón hữu cơ tăng 2,3 lần, công suất tăng 1,8 lần.