Giữ doanh nghiệp ở lại thị trường

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, trong tháng 1.2025, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao gấp 5 lần số doanh nghiệp thành lập mới. Dù một tháng là khoảng thời gian ngắn, lại trùng với dịp nghỉ Tết Nguyên đán, song diễn biến này vẫn gợi nhiều suy nghĩ, nhất là trong bối cảnh đất nước đang phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm nay.

Cụ thể, tháng đầu tiên của năm 2025, cả nước có gần 10,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và gần 22,8 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Như vậy, tổng số doanh nghiệp gia nhập và gia nhập lại thị trường là hơn 33,4 nghìn, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng trong tháng 1, cả nước có 52,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; gần 3,5 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; và 2.021 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 8,3%. Tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 58,3 nghìn, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tháng 1 dương lịch thường rơi vào tháng cuối năm âm lịch hoặc Tết Nguyên đán. Ở thời điểm này, số doanh nghiệp đăng ký mới hoặc hoạt động trở lại thường ít hơn các tháng sau đó. Năm nay không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, đáng lưu ý là, so với cùng kỳ năm 2024, số doanh nghiệp đăng ký mới trong tháng 1.2025 giảm tới 30,3% và số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 20,2%. Tính chung, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lại cao gấp 5 lần số doanh nghiệp thành lập mới.

Vẫn biết thành lập doanh nghiệp tương đối dễ - ít nhất là về mặt thủ tục và điều kiện, nuôi cho doanh nghiệp “sống” và phát triển mới khó! Hơn nữa, sự đào thải, sàng lọc của thị trường là lẽ đương nhiên. Tuy nhiên, Chính phủ và các địa phương cần tìm hiểu nguyên nhân cụ thể khiến nhiều doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường để có giải pháp phù hợp. Chính phủ và các địa phương không thể “cứu” mọi doanh nghiệp bên bờ vực phá sản, giải thể, song hoàn toàn và rất nên hỗ trợ doanh nghiệp, giúp họ ở lại thị trường, duy trì và mở rộng sản xuất, kinh doanh…

Sẽ rất hữu ích cho các cơ quan quản lý ở Trung ương và địa phương trong việc đưa ra quyết định, quyết sách như vậy nếu cơ quan thống kê có thể chi tiết hóa hơn nữa về tình hình doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Ví dụ, doanh nghiệp ngành nghề nào rời thị trường nhiều/ít nhất? Quy mô, loại hình các doanh nghiệp này ra sao? Vì sao doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường?

Trường hợp khó khăn về vốn, phải tìm cách cải thiện khả năng tiếp cận vốn, hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp. Trường hợp do sức cầu của thị trường yếu, phải quan tâm phát triển sức mua, nâng cao cơ cấu tiêu dùng, nâng cao đời sống của người dân, nhất là các nhóm thu nhập thấp. Trường hợp do thủ tục, quy định, phải đẩy nhanh, đẩy mạnh tiến độ cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ các điểm bất hợp lý, tạo không gian mới và động lực phát triển cho doanh nghiệp... theo tinh thần Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo như: Bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”; doanh nghiệp được tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm; xây dựng hành lang pháp lý cho những mô hình kinh tế mới...

Nếu chúng ta có thể nhận diện rõ ràng nguyên nhân cụ thể khiến doanh nghiệp thất bại hoặc đối mặt với nguy cơ “bị khai tử”, từ đó cùng doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tìm ra cách thức gia tăng cơ hội sống sót, thì đây chính là giải pháp hiệu quả nhất để khơi dậy và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cũng như lập nghiệp.

Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Chính phủ đã có Nghị quyết “khoán tăng trưởng” cho các địa phương để cả nước có thể tăng trưởng 8% trong năm nay và tạo đà phấn đấu tăng trưởng hai con số trong một thời gian dài, bắt đầu từ năm 2026. Tạo thuận lợi cho tất cả doanh nghiệp, hiểu vì sao doanh nghiệp rời thị trường và tìm cách “cứu” được những doanh nghiệp không đáng phá sản, không đáng giải thể chính là một giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng đó.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giu-doanh-nghiep-o-lai-thi-truong-post403908.html
Zalo