Xuất khẩu rau, quả năm 2025:Làm thế nào để duy trì tăng trưởng bền vững?

Xuất khẩu rau, quả của Việt Nam đã có một năm 2024 thành công rực rỡ, khi đạt kim ngạch 7,15 tỷ USD với nhiều thị trường lớn ghi nhận sự gia tăng đáng kể về kim ngạch xuất khẩu, như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Thái Lan...

Tuy nhiên, tháng 1-2025, xuất khẩu rau, quả bị sụt giảm 11,3% so với tháng 12-2024. Theo Bộ NN&PTNT, đây chỉ là yếu tố thời vụ, không phải vấn đề đáng lo ngại và ngành hàng này vẫn kỳ vọng trở thành điểm sáng của ngành Nông nghiệp trong thời gian tới.

Sơ chế sầu riêng xuất khẩu tại Công ty cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (tỉnh Bến Tre).

Sơ chế sầu riêng xuất khẩu tại Công ty cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (tỉnh Bến Tre).

Không ít thách thức…

Năm 2024, sầu riêng được ví như "trái vàng" của ngành rau, quả, trở thành động lực chính đưa kim ngạch xuất khẩu lên con số kỷ lục, với giá trị xuất khẩu đạt khoảng 3,3 tỷ USD. Điều này một phần nhờ vào sự khai thác hiệu quả thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, việc Trung Quốc phát cảnh báo với sản phẩm sầu riêng và mít tươi nhập khẩu từ Việt Nam vào đầu năm 2025, do vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, cho thấy yêu cầu chất lượng ngày càng cao từ các thị trường nhập khẩu.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho biết, không riêng thị trường Trung Quốc, một số thị trường lớn, như Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước châu Âu cũng đã có những cảnh báo về chất lượng một số loại rau, quả nhập khẩu từ Việt Nam. Mới đây, Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp Quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (Văn phòng SPS Việt Nam) đã có thông báo gửi Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) và Hiệp hội Rau quả Việt Nam liên quan đến việc sửa đổi Quy định (EU) 2019/1793 về tạm thời tăng cường kiểm soát chính thức và các biện pháp khẩn cấp quản lý việc đưa một số hàng hóa nhất định từ một số nước thứ ba vào các nước châu Âu. Theo đó, với quả sầu riêng của Việt Nam, các nước châu Âu tạm thời tăng tần suất kiểm tra tại biên giới từ 10% lên 20%.

Trước đó, Hiệp hội Rau quả Việt Nam đã ra thông cáo báo chí phản ánh tình trạng một số đối tượng gian lận, sao chép trái phép mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sầu riêng thông qua các hình thức hợp đồng ủy quyền sử dụng mã số với các con dấu, chữ ký giả, tự chế… Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của những nhà sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh sầu riêng chân chính.

Ngoài ra, ngành hàng rau, quả còn phải đối mặt với những thách thức không nhỏ của chiến tranh thương mại và xung đột chính trị toàn cầu. Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam Nguyễn Thanh Bình cho rằng, chiến tranh thương mại và xung đột chính trị toàn cầu khiến nhiều thị trường gặp khó khăn trong giao thương hàng hóa. Song, đây cũng là cơ hội để hàng nông sản, trong đó có rau, quả tăng trưởng do nhu cầu của nhiều thị trường. Các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt tình hình để có hướng sản xuất, xuất khẩu hợp lý.

Mở ra những cơ hội

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho rằng, ngành hàng rau, quả kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu năm 2025 có thể đạt mốc 8 tỷ USD và tiến đến mốc 10 tỷ USD vào năm 2027. Mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được, bởi xuất khẩu rau, quả còn rất nhiều dư địa.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để duy trì tăng trưởng và đạt được các mục tiêu đề ra, chất lượng sản phẩm và việc tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quốc tế là yếu tố then chốt. Chính vì vậy, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu các đơn vị chức năng tăng cường giám sát vùng trồng và cơ sở đóng gói; kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và kim loại nặng để bảo đảm trái cây Việt Nam đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng, xây dựng uy tín trên thị trường quốc tế. Chủ tịch Vina T&T Group Nguyễn Đình Tùng cho hay, thực tế không có thị trường nào là dễ tính, nên các nhà cung ứng phải thay đổi tư duy sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe từ đối tác, chuyển hướng phát triển sản xuất xanh, bền vững, đạt chuẩn ở từng mắt xích trong chuỗi cung ứng.

Bên cạnh các sản phẩm tươi, ngành rau, quả Việt Nam cần chú trọng phát triển sản phẩm chế biến sâu, tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết. Ngoài sầu riêng là mặt hàng chủ lực, việc mở rộng xuất khẩu các mặt hàng khác như chanh dây, dừa tươi và các sản phẩm chế biến sẽ giúp ngành rau, quả Việt Nam không chỉ giảm thiểu rủi ro phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống, mà còn tạo ra nguồn thu nhập ổn định và lâu dài. Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam Nguyễn Thanh Bình cho rằng, các doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao năng lực chế biến và bảo quản sau thu hoạch, áp dụng công nghệ tiên tiến để tăng giá trị cho sản phẩm, đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu. Việc hoàn thiện các chuỗi liên kết từ vùng trồng, cơ sở đóng gói đến hệ thống kiểm dịch thực vật và tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu là yếu tố then chốt, giúp duy trì vị thế của rau, quả Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.

“Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường, hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia về các mặt hàng chủ lực. Cùng với đó, Bộ cũng sẽ có những thiết chế luật pháp chặt chẽ hơn, giúp bảo vệ những nhà sản xuất chân chính”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho biết.

Minh Đỗ

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/xuat-khau-rau-qua-nam-2025-lam-the-nao-de-duy-tri-tang-truong-ben-vung-692638.html
Zalo