Cuộc chiến thuế quan quay trở lại và 'lợi hại hơn xưa', Việt Nam sẽ xoay sở thế nào?
Các chuyên gia kinh tế cùng nhận diện những cơ hội và thách thức của Việt Nam trong bối cảnh cuộc chiến thuế quan trở lại và xung đột thương mại Mỹ-Trung Quốc ngày càng leo thang.
Loạt đòn áp thuế chóng vánh giữa Mỹ-Trung Quốc đã diễn ra chỉ trong ít ngày, sau khi ông Donald Trump chính thức trở lại nắm quyền lực ở Nhà Trắng đã làm gia tăng nỗi lo toàn cầu về một cuộc chiến thương mại mới giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Sau khi mức thuế quan bổ sung 10% của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có hiệu lực vào ngày 4/2, Bắc Kinh lập tức công bố mức thuế 15% đối với than và khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ, cùng với mức thuế 10% đối với dầu thô, máy móc nông nghiệp và một số chủng loại ô tô lớn, dự kiến sẽ có hiệu lực ngay từ 10/2.
Trung Quốc cũng mạnh tay áp dụng hạn chế xuất khẩu các khoáng sản quan trọng được sử dụng trong các sản phẩm công nghệ cao; mở cuộc điều tra chống độc quyền đối với Google; và đưa hai công ty của Mỹ vào danh sách “các thực thể không đáng tin cậy” - gồm PVH Group là công ty sở hữu Calvin Klein và Tommy Hilfiger, cùng Illumina, một công ty công nghệ sinh học có văn phòng tại Trung Quốc.
![Các chuyên gia kinh tế cùng nhận diện những cơ hội và thách thức của Việt Nam trong bối cảnh cuộc chiến thuế quan trở lại và xung đột thương mại Mỹ-Trung Quốc ngày càng leo thang. (Nguồn: nghiencuuchienluoc.org)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_08_194_51424587/4aed88e0b1ae58f001bf.jpg)
Các chuyên gia kinh tế cùng nhận diện những cơ hội và thách thức của Việt Nam trong bối cảnh cuộc chiến thuế quan trở lại và xung đột thương mại Mỹ-Trung Quốc ngày càng leo thang. (Nguồn: nghiencuuchienluoc.org)
Trật tự kinh tế thế giới sẽ thay đổi lớn
Dự báo về biến động của nền kinh tế thế giới trước một loạt chính sách về thuế quan của Tổng thống Donald Trump vừa qua, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng (Đại học Kinh tế Quốc dân) phân tích, với mức thuế 25% áp dụng cho hàng hóa từ Canada và Mexico, cùng mức thuế 10% đối với hàng hóa từ Trung Quốc, những chính sách của Mỹ có thể gây ra những tác động đáng kể đối với nền kinh tế toàn cầu.
Những thay đổi này không chỉ ảnh hưởng đến quan hệ thương mại giữa Mỹ và các nước mà còn tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu, đầu tư quốc tế và triển vọng tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia.
“Có thể sẽ có sự thay đổi lớn trong trật tự kinh tế thế giới, với sự dịch chuyển lưu lượng thương mại theo hướng giảm xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Điều này có thể dẫn đến việc tăng giá hàng hóa tại Mỹ và tăng chi phí sản xuất, trong khi giá cả tại phần còn lại của thế giới có thể giảm do nguồn hàng dư thừa và cạnh tranh gay gắt, khiến cho cấu trúc kinh tế toàn cầu phải điều chỉnh.
Chỉ những ngành có khả năng cạnh tranh cao và chuỗi cung ứng vững chắc mới có thể tồn tại, trong khi các ngành yếu hơn sẽ phải rút lui khỏi thị trường Mỹ. Đồng thời, các chuỗi cung ứng mới sẽ hình thành nhằm thích ứng với các chính sách thương mại cứng rắn. Điều này có thể làm giảm đà phục hồi tăng trưởng kinh tế toàn cầu sau đại dịch”, ông Lạng dự báo.
Cũng theo ông Lạng, các khu vực thương mại tự do cũng sẽ có cơ hội phát huy vai trò, tiếp nhận sự chuyển hướng thương mại và tạo ra các liên kết thương mại ngoài Mỹ, chẳng hạn như ở châu Âu, khu vực Thái Bình Dương, Nam Mỹ, Trung Đông và châu Phi. Tăng cường khả năng phân mảnh kinh tế thế giới sẽ đòi hỏi chi phí điều chỉnh cao hơn.
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, các chính sách thuế từ Tổng thống Trump sẽ có xu hướng cứng rắn, kéo theo phản ứng từ nhiều quốc gia khác.
“Việc gia tăng bảo hộ thương mại và các rào cản thương mại không chỉ làm leo thang căng thẳng mà còn đe dọa đến sự ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu. Hệ quả có thể là một làn sóng lạm phát mới, đồng thời tăng nguy cơ suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu và khiến tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng gia tăng trở lại”, bà Hương nói.
Cơ hội song hành cùng thách thức
Đánh giá về thách thức của Việt Nam trong bối cảnh cuộc chiến thuế quan trở lại và xung đột thương mại Mỹ-Trung Quốc ngày càng leo thang, bà Hương cho biết, rủi ro đầu tiên đối với Việt Nam, đó là chi phí nhập khẩu nguyên liệu sản xuất có thể tăng do tác động từ giá thế giới và biến động tỷ giá, kéo theo chi phí đầu vào và giá thành sản phẩm bị đội lên. Điều này sẽ gây áp lực lớn lên doanh nghiệp sản xuất, đồng thời khiến giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng cao, tạo áp lực lên lạm phát.
Thứ hai, việc hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ bị hạn chế có thể dẫn đến tình trạng dư thừa và tràn vào thị trường Việt Nam, làm gia tăng áp lực cạnh tranh đối với doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc cũng có thể gặp khó khăn khi Bắc Kinh ưu tiên tiêu thụ hàng hóa nội địa để hỗ trợ nền kinh tế.
Thứ ba, một rủi ro khác là khả năng Trung Quốc lợi dụng Việt Nam như một điểm trung chuyển, lắp ráp sản phẩm và gắn nhãn “Made in Vietnam’ để né thuế của Mỹ. Nếu không kiểm soát chặt chẽ, Việt Nam có thể đối mặt với các biện pháp trừng phạt thương mại tương tự như những gì Washington đã áp dụng với Trung Quốc.
Tuy nhiên, bà Hương cho rằng, khi thuế nhập khẩu vào Mỹ tăng cao, nhiều doanh nghiệp quốc tế buộc phải dịch chuyển chuỗi cung ứng và cơ sở sản xuất khỏi Trung Quốc để giảm thiểu chi phí và rủi ro. Với lợi thế về vị trí địa lý, chi phí sản xuất cạnh tranh và môi trường đầu tư ngày càng cải thiện, Việt Nam đang trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các tập đoàn đa quốc gia.
Thực tế này đã từng diễn ra trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump sau khi phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Khi đó, chính sách áp thuế của ông Trump đã khiến nhiều doanh nghiệp Mỹ và quốc tế rời khỏi Trung Quốc, và Việt Nam nhanh chóng nổi lên như một điểm đến ưu tiên của dòng vốn FDI.
Nhiều “ông lớn” trong ngành sản xuất thế giới đã gia tăng đầu tư và dịch chuyển chuỗi sản xuất sang Việt Nam trong giai đoạn này, đơn cử như Samsung, LG, Foxconn hay Apple, Intel…
Ông Lạng nhấn mạnh, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để gia tăng xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Các ngành công nghiệp chủ chốt của Việt Nam, như dệt may, điện tử, nông sản, và thủy sản, có cơ hội để tăng cường xuất khẩu sang Mỹ. Việc tiếp cận thị trường Mỹ cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp Việt Nam có thể xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm của mình.
Song song với đó, với sự tác động của chính sách thuế mới của Mỹ, Việt Nam cũng có thể tiếp cận những nguồn hàng giá rẻ từ Trung Quốc, Canada và Mexico - những nơi hàng hóa sẽ bị tồn kho do không thể xuất khẩu sang Mỹ.
“Chính sách thuế mới của Mỹ có thể sẽ thúc đẩy dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam. Điều này sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam thu hút đầu tư chất lượng cao, mang lại công nghệ và kỹ năng quản lý mới.
Thông qua việc hợp tác với các công ty Trung Quốc, Việt Nam không chỉ có thể học hỏi và áp dụng công nghệ mới mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm xuất khẩu. Các kênh đầu tư này cũng có thể mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, từ đó nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế quốc tế”, ông Lạng nhận định.