Giữ văn hóa Mông từ thổ cẩm tái chế
Những sản phẩm thổ cẩm tái chế được chị Sùng Thị Lan (xã Tả Van, thị xã Sa Pa, Lào Cai) thiết kế từ phần họa tiết hoa văn trên thổ cẩm cũ, tạo nên những sản phẩm độc đáo phục vụ du lịch.
Chị Sùng Thị Lan thiết kế sản phẩm thổ cẩm tái chế, sử dụng lại những phần họa tiết hoa văn trên thổ cẩm cũ để cắt ghép, tạo thành các sản phẩm mới
Không chỉ giúp phát triển kinh tế từ du lịch, thổ cẩm tái chế còn tạo động lực để các dân tộc tại Sapa gìn giữ nghề se lanh dệt vải lâu đời.
Chị Sùng Thị Lan là con thứ 5 trong một gia đình người dân tộc Mông có 11 anh chị em. Như phần lớn cô gái khác trong bản, năm 16 tuổi, chị Lan lập gia đình và chọn nông nghiệp làm kế sinh nhai. Dù vẫn phải lo cái ăn từng ngày, nhưng sinh ra và lớn lên cùng văn hóa dệt thổ cẩm từ bao đời nay, chị Lan luôn đau đáu tình yêu với lĩnh vực này.
Chị Lan chi sẻ, thời gian gần đây, khi du lịch Sapa phát triển, các sản phẩm từ thổ cẩm lại phải nhập về để bán cho khách. Trong khi đó, cuộc sống bà con vẫn nghèo, không phát huy được thế mạnh để làm kinh tế. "Mình nghĩ là tại sao những nét đẹp như này lại không gìn giữ? Tại sao mình cứ phải chạy theo thị trường mà quên mất bà mình, mẹ mình, những người dân bản mình cũng có những sản phẩm đặc trưng biết bao người tìm đến. Bản Tả Van lại là một khu trung tâm trọng điểm của Sapa. Nếu Tả Van không gìn giữ được nét văn hóa thì dần dần sẽ không còn là cái nơi mà thu hút khách về bản nữa" - chị Lan tâm sự
Để làm ra một sản phẩm thổ cẩm thủ công, bà con phải mất rất nhiều thời gian chế tác và công phu khiến giá thành sản phẩm cao, năng suất lại thấp. Vì vậy, sản phẩm này đang bị yếu thế khi cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp. Sau nhiều năm mày mò, suy nghĩ, chị Sùng Thị Lan đã có sáng kiến thiết kế sản phẩm thổ cẩm tái chế, sử dụng lại những phần họa tiết hoa văn trên thổ cẩm cũ để cắt ghép, tạo thành các sản phẩm mới…Ý tưởng này giải quyết được vấn đề thời gian chế tác và nguồn vốn, đồng thời góp phần lớn trong việc bảo vệ môi trường.
Từ kiến thức về thiết kế, chị Lan đã biến những mảnh thổ cẩm tách rời thành những sản phẩm thổ cẩm có tính ứng dụng cao như quần áo, túi xách, tranh vải, được khách du lịch yêu thích vì sự độc đáo và thân thiện với môi trường. Không chỉ giúp phát triển kinh tế từ du lịch, thổ cẩm tái chế còn tạo động lực để các dân tộc tại Sapa gìn giữ nghề se lanh dệt vải lâu đời.
Bên cạnh việc giữ nghề, chị Lan cũng luôn đau đáu khi thấy bà con ở Sapa phải mang các sản phẩm thủ công đi bán rong quá nhiều. Vì vậy, vào năm 2018, khi đã khẳng định được tiềm năng của thổ cẩm tái chế, chị Lan quyết định thành lập HTX thổ cẩm Mường Hoa, tập hợp và dạy nghề cho gần 20 thành viên đều là chị em phụ nữ dân tộc thiểu số… Từ những kỹ năng làm thổ cẩm, thiết kế, đến cách bán hàng, quảng cáo… đều được chị Lan chia sẻ cho bất cứ ai tìm đến…
Nơi này được ví như điểm tựa cho bà con, thu mua và tiêu thụ các sản phẩm mà bà con trong bản làm ra, để bà con hạn chế phải đi bán hàng rong. Đây cũng là nơi quảng bá nét đẹp văn hóa của phụ nữ Mông nói riêng và người dân Tả Van nói chung. Cứ thế, gian hàng nhỏ ở thôn Tả Van Giáy không chỉ là nơi ghé qua của những người yêu thổ cẩm, mà còn trở thành nơi những phụ nữ dân tộc thiểu số cùng nhau hiện thực hóa ước mơ phát triển nghề truyền thống.