Cảm hứng mới cho đề tài bất tận

Đề tài lực lượng vũ trang (LLVT) và chiến tranh cách mạng (CTCM) vẫn luôn chiếm vị trí quan trọng, có sức hấp dẫn văn học nói riêng, các loại hình nghệ thuật nói chung với những góc tiếp cận, khai thác và thể hiện phong phú. Nhà văn Châu La Việt đã có những chia sẻ về tác phẩm cũng như trách nhiệm của người lính cầm bút sẽ làm sâu sắc hơn nhận định trên.

Phóng viên (PV) : Thưa ông, cảm xúc của ông như thế nào khi tiểu thuyết “Vầng trăng Him Lam” của ông được PGS, TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chuyển soạn vở opera cùng tên?

Nhà văn Châu La Việt: Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã tâm sự rằng, opera “Vầng trăng Him Lam” là vở nhạc kịch thứ hai mà ông viết, sau vở “Lá đỏ” năm 2016. Lý do thì có nhiều, song điều ông thấy hứng thú vì tác phẩm khai thác về Chiến thắng Điện Biên Phủ ở góc nhìn mới, nói về các chiến sĩ là những văn nghệ sĩ. Đây là lực lượng quan trọng, cổ vũ tinh thần quân và dân ta làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”. Với người viết như tôi thì đây là điều rất xúc động.

Tôi xin được chia sẻ thêm, hồi nhỏ tôi sống cùng mẹ - Nghệ si Ưu tú Tân Nhân - ở Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương và có điều kiện được biết đến vở nhạc kịch “Cô Sao” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận mà mẹ tôi cũng góp mặt trong đó. Những năm đất nước còn khó khăn như thế, vở nhạc kịch đầu tiên của Việt Nam ra đời với nhiều tiếng vang, góp phần thể hiện quyết tâm xây dựng một nền nhạc kịch hiện đại. Tôi càng ấn tượng hơn khi được biết về hoàn cảnh ra đời của tác phẩm này. Nhiều người nhận định rằng, một người bị giam trong lao tù đế quốc trở thành nhạc sĩ vĩ đại như ông Đỗ Nhuận thì có lẽ chỉ có ở đất nước chúng ta.

Từ vở nhạc kịch ấy, thế hệ chúng tôi được biết nhiều hơn về lịch sử, càng thêm tự hào về thế hệ cha anh. Sau này khi lên đường ra trận, chúng tôi đã mang trên mình những hành trang ấy cùng tình yêu Tổ quốc.

Nhà văn Châu La Việt - Ảnh: Nguyễn Minh

Nhà văn Châu La Việt - Ảnh: Nguyễn Minh

PV: Trước đó, tiểu thuyết “Vầng trăng Him Lam” được ra đời như thế nào, thưa ông?

Nhà văn Châu La Việt: Tháng 8/2023, tôi tham gia trại sáng tác văn học về đề tài LLVT và CTCM. Trại sáng tác quy tụ 15 nhà văn là những tác giả tâm huyết với đề tài chiến tranh và người lính. Bấy giờ, định hướng của Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam với trại sáng tác là động viên các nhà văn sáng tác những tác phẩm hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam trong năm 2024. Tôi như người chiến sĩ được trao nhiệm vụ và đã viết tiểu thuyết “Vầng trăng Him Lam” trong bối cảnh như thế.

Tôi tự nhủ phải viết một tác phẩm không trùng lặp, không viết lại những điều nhiều tác giả từng viết về Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chính vì vậy, thay vì viết về các lực lượng, các binh đoàn bộ binh, pháo binh, dân công... tôi chọn viết về “binh đoàn” nghệ thuật với những người nghệ sĩ-chiến sĩ. Trong đó, hình tượng trung tâm là nhạc sĩ Đỗ Nhuận-tác giả của chùm ca khúc về Điện Biên Phủ: “Hành quân xa”, “Trên đồi Him Lam”, “Giải phóng Điện Biên”... cùng nhiều đồng đội của ông. Họ đều là những người bạn nghệ thuật thân thiết của mẹ tôi, thuộc thế hệ cha chú tôi. Tôi vốn ngưỡng mộ, yêu quý họ từ thuở ấu thơ trong khu văn công Cầu Giấy với mẹ, đã được nghe họ đàn hát, kể cho những câu chuyện quả cảm về người chiến sĩ Điện Biên nên sau này khi viết tiểu thuyết, tôi viết rất nhanh và ngỡ như nó đã sẵn trong tâm hồn tôi tự thuở ấu thơ đến khi trưởng thành, cũng tay súng, tay đàn ra mặt trận...

Với “Vầng trăng Him Lam”, tôi chọn bút pháp tiểu thuyết phi hư cấu, tôn trọng tuyệt đối lịch sử. Tôi khai thác nhiều tư liệu của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, hồi ức của Chính ủy Mạc Ninh và những dòng nhật ký của đạo diễn Khắc Tuế... cùng nhiều kỷ niệm của những cán bộ, chiến sĩ tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tôi đã có lời cảm ơn rất chân thành, sâu sắc các tác giả trên khi hoàn thành tác phẩm này. Nói nghiêm túc, “Vầng trăng Him Lam” là một bản hợp xướng với nhiều giọng hát tuyệt vời mà tôi chỉ là một cây vĩ cầm dẫn chuyện.

Các cựu chiến binh và học sinh tham quan tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tháng 4-2024. Ảnh: Phạm Hiếu

Các cựu chiến binh và học sinh tham quan tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tháng 4-2024. Ảnh: Phạm Hiếu

PV: Dường như ông cũng là tác giả có duyên với những tác phẩm được chuyển thể ở nhiều loại hình nghệ thuật khác?

Nhà văn Châu La Việt: Xin ngược thời gian một chút để nói về con đường sáng tác của tôi. Tôi nhập ngũ năm 1969, sau mấy tháng huấn luyện ở Ninh Bình trong đội hình Sư đoàn 320B, chúng tôi sớm được tung vào mặt trận bởi chiến tranh lúc này đang rất ác liệt. Nhiệm vụ ban đầu của tôi là pháo thủ chiến đấu ở một đơn vị pháo 37mm thuộc Binh trạm 11, rồi Binh trạm 13 (Cục Vận tải quân sự), bảo vệ con đường vào mặt trận Cánh Đồng Chum.

Khép lại những vần thơ rạo rực tuổi thanh xuân, khép lại một tình yêu văn học vô bờ bến, tôi trở thành một người lính thực thụ, quần áo tả tơi vì lửa đạn, sống thường trực trên những mâm pháo, ngày và đêm đối mặt với máy bay, bom đạn địch. Trong tôi luôn sẵn sàng tinh thần bất kể lúc nào mình cũng có thể ngã xuống trên mâm pháo... Biết bao lần nửa đêm hành quân qua những bãi bom nổ chậm dài hàng cây số, chẳng ai biết trước bom sẽ nổ lúc nào, mình sẽ ra đi lúc nào... Thế rồi một ngày, tôi bỗng nhận được quyết định về cơ quan tuyên huấn của Binh trạm, cũng ở ngay giữa mặt trận, tham gia Đội Tuyên văn Binh trạm 13 mới được thành lập. Và kể từ đấy, tôi được giao nhiệm vụ viết kịch, làm thơ cho đội tuyên văn biểu diễn.

Từ đó đến nay, tôi luôn viết như một nhiệm vụ cao cả của đơn vị, của Quân đội giao. Sau này, tôi cũng có nhiều tác phẩm được chuyển thể sân khấu và được các đơn vị nghệ thuật dàn dựng, biểu diễn, ghi hình phát trên truyền hình, như: “Người mẹ và cánh rừng”, “Ngày ấy và hôm nay”, “Trên mảnh đất người đời”... Về nhạc kịch, tôi có hai tác phẩm được chuyển soạn là: “Đường cây mùa xuân” do nhạc sĩ Chu Minh sáng tác âm nhạc và “Mùa xuân lên nương, mùa xuân lên đường” với âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ.

PV: Có điểm chung nào ở các tác phẩm đó, thưa ông?

Nhà văn Châu La Việt: Có một điểm chung là tất cả tác phẩm trên, dù là sân khấu hay nhạc kịch, nhân vật chính, trung tâm của tôi bao giờ cũng là Bộ đội Cụ Hồ. Điều đó cũng cho thấy, người lính nói riêng, đề tài LLVT và CTCM vẫn luôn có sức hút lớn với văn học và các loại hình nghệ thuật nói chung.

PV: Ông suy nghĩ như thế nào về vai trò, trách nhiệm của nhà văn đối với sự phát triển văn học, nghệ thuật?

Nhà văn Châu La Việt: Tôi nghĩ không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, các tác phẩm điện ảnh, sân khấu, opera, vũ kịch... lớn đều dựa trên những tác phẩm văn học. Các thể loại này hỗ trợ nhau và mang đến cho công chúng những xúc cảm thẩm mỹ mạnh mẽ hơn, có sức lan tỏa rộng rãi hơn. Cũng chính vì vậy, nhà văn cần ý thức rõ sứ mệnh của mình với văn chương nói riêng và văn học nghệ thuật nói chung. Với tôi, tôi chỉ là một người lính viết về đồng đội, viết cho đồng đội. Nếu được đồng đội, công chúng yêu thích và có tác động tốt đến đời sống tinh thần là tôi thấy hoàn thành nhiệm vụ, hay nói to tát một chút là hoàn thành sứ mệnh của người cầm bút.

PV: Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam, là một người chiến sĩ cầm bút, chắc hẳn ông cũng ấp ủ những tác phẩm mới?

Nhà văn Châu La Việt: Tôi mới hoàn thành trường ca cũng về đề tài LLVT và CTCM hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam. Về âm nhạc, tôi đang ấp ủ mong ước sau opera “Vầng trăng Him Lam”, tôi và nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân sẽ tập trung sức lực cho một vở opera lớn về Bác Hồ kính yêu của chúng ta.

PV: Trân trọng cảm ơn ông về những chia sẻ trên!

Dương Hòa (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/cam-hung-moi-cho-de-tai-bat-tan-190125.htm
Zalo