Bali 'vỡ mộng thiên đường'
Hòn đảo của các vị thần đang đối mặt với bóng ma mang tên 'du lịch quá tải' trong 2 năm 2023-2024.
Lu-Hai Liang, nhà văn người Anh gốc Hoa, từng du lịch ở hòn đảo được mệnh danh “thiên đường” của Indonesia. Thời gian này, trời Bali nóng hầm hập và nhiệt độ có khi lên đến 35 độ C.
Ngồi trên chiếc xe máy vừa thuê được cùng cô bạn người bản xứ, anh đi từ Canggu đến Seminyak. Vòng xe qua khúc cua, cô bạn của Liang ra hiệu anh nhìn về dãy nhà hàng, tiệm cà phê dọc đường. “Mới 2 năm trước, đó là một ruộng lúa”, cô nói.
Liang đã nghe câu chuyện tương tự từ nhiều tài xế xe ôm công nghệ. Theo họ, mọi thứ thay đổi chóng mặt từ sau đại dịch Covid-19. Hòn đảo của các vị thần phải đối mặt với bóng ma “du lịch quá tải” và gần như không thể chạy thoát.
“Thiên đường” tan vỡ
Nhà văn gốc Hoa đáp xuống Bali vào buổi chiều oi ả. Kẹt xe kéo dài hàng giờ liền, anh buộc phải đi bộ từ sân bay quốc tế I Gusti Ngurah Rai đến khách sạn.
“Đó là quãng đường rất dài, tôi phải đi bộ trên vỉa hè chật kín, dưới lòng đường thì đầy ắp xe”, Liang mô tả trên Nikkei Asia. “Đây không phải thứ tôi đang tìm kiếm khi đến ‘đảo thiên đường’”.
Tháng 12/2023, Bali trở thành tâm điểm chú ý quốc tế khi một tuyến đường bị tắc nghẽn, buộc du khách phải đi bộ hơn 4 km đến sân bay. Nạn tắc tắc đường liên tục diễn ra trên những con đường đi đến điểm tham quan nổi tiếng.
7 tháng đầu năm, Bali đón hơn 3,89 triệu khách du lịch quốc tế, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Tổng cư dân của đảo “thiên đường” chỉ khoảng 4,4 triệu người. Trong năm 2023, khách nước ngoài đến đây đạt mức 5,3 triệu, vượt kỳ vọng 4,5 triệu du khách của chính phủ.
Du lịch không chỉ mang đến cơ hội kinh doanh, việc làm mà còn gây tắc nghẽn giao thông, bê tông hóa thiên nhiên và ảnh hưởng đến bản sắc văn hóa trên hòn đảo các vị thần.
Năm 2023, Bali trục xuất tổng cộng 340 người nước ngoài, tăng từ 188 người vào năm 2022, chủ yếu là người Nga, Mỹ, Anh và Nigeria. Họ vi phạm khi lưu trú quá hạn, làm việc bất hợp pháp hoặc phơi bày cơ thể ở nơi linh thiêng. Nhiều khách du lịch say xỉn, thậm chí những người thừa cơ ăn xin, đã bị tạm giam.
“Họ (du khách - PV) hẳn đã cạn tiền sau những cuộc chơi rồi chuyển sang ăn xin. Có nhiều trường hợp như thế”, Dewa Nyoman Rai Dharmadi, người đứng đầu phòng Cảnh sát Dịch vụ Dân sự Bali chia sẻ với CNA. “Đôi khi dân địa phương cũng làm phiền du khách tại các điểm tham quan. Nói chung, chúng tôi nhắc nhở người dân tạo bầu không khí thuận lợi cho du khách”.
Di sản Thế giới bị đe dọa
Trước khi hạ cánh ở Bali, Liang đọc quyển tiểu thuyết về nạn du lịch quá tải ở Bali. Sách tên The Beach (Tạm dịch: Bãi biển), kể về hành trình du lịch ở “đảo thiên đường” của du khách người Anh tên Richard. Ở Bali, Richard được một gã “điên” tặng cho tấm bản đồ dẫn đến một bãi biển biệt lập, chưa có dấu chân du khách. Người dân xem nơi đây là “phòng tuyến cuối cùng” trước làn sóng du lịch quá tải.
Anh không tin vào câu chuyện trong The Beach. Song, sau hành trình hơn 2 km từ sân bay đến khách sạn và lắng nghe câu chuyện của người dân địa phương, nhà văn nhận ra mọi thứ “thật hơn tưởng tượng”. “Người dân Bali liên tục phàn nàn về khách du lịch nước ngoài. Rất khó nhìn thấy cảnh thiên nhiên hoang sơ ở đây”, anh chia sẻ.
Một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là ruộng bậc thang ở Jatiluwih, Di sản Thế giới được UNESCO công nhận vào năm 2012.
“Mọi thứ diễn ra rất chậm nhưng rõ ràng là đang xảy ra”, Wayan Kaung, hướng dẫn viên du lịch ở Bali, nói với Liang. “Ban đầu người ta dựng một túp lều nhỏ bằng lá dừa bên cạnh ruộng. Sau đó, họ xây cả một nhà hàng kiên cố”.
Báo cáo năm 2018 của Viện nghiên cứu xuyên quốc gia tại Amsterdam ước tính Bali đã mất 1.000 ha đất nông nghiệp do phát triển du lịch trong 15 năm gần nhất.
Với một số nông dân, việc bán đất cho những nhà đầu tư có lợi hơn là kiếm sống bằng nghề trồng lúa. “Miễn là có tầm nhìn đẹp, người ta có thể xây biệt thự”, Kaung nói. “Nếu một người bán đất của mình để xây biệt thự, những người khác cũng bị kéo theo vì nhà đầu tư cần đất để làm đường đi lại”.
Bê tông hóa
Nghiên cứu gần đây của giáo sư nông nghiệp Wayan Windia, Đại học Udayana, cho thấy hòn đảo thiếu 100.000 tấn gạo/năm. 65% lượng nước ngầm ở Bali được sử dụng cho du lịch dẫn đến hơn một nửa dòng sông trên đảo bị phá hủy và đe dọa.
Nyoman Sukma Arida, Phó Trưởng khoa du lịch tại Đại học Udayana ở Bali, đặt câu hỏi hòn đảo này có thể đón bao nhiêu du khách với dân số 4,4 triệu người và diện tích 5.780 km2. “Chúng ta có đủ tài nguyên không? Khách du lịch cần thức ăn, điện năng và nhiều thứ khác”, ông tự hỏi.
Khu vực nằm trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” nghiêm trọng nhất của Bali là quận Canggu, bãi biển Kuta, Legian và Seminyak.
Các tòa nhà bê tông xuất hiện hàng loạt trên đường phố Canggu. Nhiều nhà đầu tư bị thu hút vì giá đất Bali tương đối rẻ so với thị trường. Song, “khu vực này đang bị kẹt xe nghiêm trọng vì không được quy hoạch tổng thể và phù hợp”, Sukma nói.
Chính quyền “đất nước vạn đảo” đang cố kiềm hãm làn sóng phát triển quá mức vì du lịch. Tháng 10, nước này ban hành lệnh cấm tạm thời đối với việc xây nhà nghỉ, resort, villa và trung tâm giải trí mới. Chia sẻ với Reuters, quan chức cao cấp của nước này cho biết lệnh cấm có thể kéo dài đến 10 năm.
Mục đích của chính sách là hạn chế hành vi chuyển đổi đất nông nghiệp thành trung tâm thương mại và ngăn tắc nghẽn giao thông. Tuy nhiên, chuyên gia đánh giá mọi thứ “đã quá muộn”.
Kết thúc chuyến đi Bali, thứ đọng lại trong trí nhớ Liang là dòng người chen chúc ở những điểm tham quan. Du khách chịu áp lực FOMO (Fear of missing out - Tạm dịch: Nỗi sợ bỏ lỡ), muốn tham quan mọi danh thắng nổi tiếng trong vòng 48 tiếng.
“Phóng xe máy đi qua những con đường sầm uất, tôi thấy rõ sự hoang vu đằng sau dãy nhà”, nhà văn gốc Hoa mô tả. “Hy vọng mọi thứ sẽ thay đổi theo hướng tích cực khi chính quyền Indonesia chú trọng vào du lịch bền vững. Dù sao đi nữa, Bali là bài học về việc thiên đường có thể mất đi nhanh chóng như thế nào”.