Giữ lửa nghề dệt thổ cẩm

Những năm qua, tỉnh Kon Tum đã có nhiều nỗ lực nhằm bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm, một phần không thể thiếu trong di sản văn hóa dân tộc.

Đặc biệt, việc triển khai Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, đã tạo nên bước chuyển mình rõ nét cho sự hồi sinh và phát triển bền vững của nghề truyền thống này.

Tổ hợp tác dệt thổ cẩm thôn Ri Mẹt, xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei quy tụ nhiều nghệ nhân lành nghề

Tổ hợp tác dệt thổ cẩm thôn Ri Mẹt, xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei quy tụ nhiều nghệ nhân lành nghề

Với quyết tâm gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU về bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Ngay sau đó, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ”, trong đó nghề dệt thổ cẩm được đặt làm trọng tâm.

Gắn với đó là việc triển khai hiệu quả Dự án 6, đã góp phần gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là nghề dệt thổ cẩm, kết hợp chặt chẽ với phát triển du lịch và tạo sinh kế bền vững cho người dân.

Theo Sở VHTTDL tỉnh Kon Tum, từ năm 2017 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ 350 bộ khung dệt cho các hộ gia đình và nhóm hộ có hoạt động sản xuất nghề dệt thổ cẩm trên địa bàn.

Riêng tại TP Kon Tum, đã thành lập 8 tổ hợp tác dệt thổ cẩm, chủ yếu tập trung tại các xã, phường có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, tổ chức 34 lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm, thu hút hơn 600 học viên tham gia.

Trong đó, riêng Sở VHTTDL đã tổ chức 10 lớp với 300 học viên; các huyện, thành phố triển khai 24 lớp tại các làng, thôn nhằm truyền nghề cho thế hệ trẻ, là lực lượng kế thừa giữ gìn di sản văn hóa dân tộc.

Các tổ hợp tác dệt thổ cẩm là nơi truyền dạy, trao truyền cho thế hệ trẻ

Các tổ hợp tác dệt thổ cẩm là nơi truyền dạy, trao truyền cho thế hệ trẻ

Nhờ những hoạt động thiết thực này, số lượng người tham gia dệt thổ cẩm trên toàn tỉnh ngày càng gia tăng, góp phần khôi phục và duy trì nghề truyền thống trong cộng đồng.

Nghề dệt thổ cẩm không chỉ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mà còn mang lại thu nhập ổn định, trung bình từ 2,5 - 3,5 triệu đồng mỗi tháng cho các nghệ nhân dân tộc thiểu số tại chỗ.

Tại thôn Ri Mẹt, xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei, Tổ hợp tác dệt thổ cẩm được thành lập từ năm 2022 với sự hỗ trợ kinh phí của địa phương, quy tụ nhiều nghệ nhân lành nghề.

Chị Y Nhổ, Tổ trưởng chia sẻ: “Việc thành lập tổ hợp tác giúp các thành viên thêm gắn bó, yêu nghề và có thêm thu nhập. Quan trọng nhất là chúng tôi có điều kiện để truyền nghề cho lớp trẻ trong thôn, để các em hiểu và tự hào về truyền thống của dân tộc”.

Tại làng Kon Klor, phường Thắng Lợi, TP Kon Tum, nghệ nhân ưu tú Y Hanh, một trong những người nặng lòng với nghề dệt thổ cẩm Ba Na cùng 15 thành viên trong tổ duy trì hoạt động thường xuyên.

Bà cho biết: “Chúng tôi không chỉ dệt vải mà còn cách tân họa tiết, sáng tạo mẫu mã để sản phẩm phù hợp với thị hiếu hiện đại. Mỗi tấm vải dệt tay có giá từ 1,5 triệu đồng, không chỉ là sản phẩm thủ công mà còn là kết tinh của văn hóa và tâm huyết người làm nghề”.

Trang phục thổ cẩm của người Giẻ Triêng trong lễ hội

Trang phục thổ cẩm của người Giẻ Triêng trong lễ hội

Ông Phan Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Kon Tum cho biết, tỉnh Kon Tum tiếp tục đặt mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị nghề dệt thổ cẩm, gắn với phát triển du lịch và nâng cao đời sống người dân.

Việc khuyến khích thế hệ trẻ tham gia học nghề, cùng với sự hỗ trợ từ chính quyền và các tổ chức sẽ giúp nghề dệt thổ cẩm truyền thống tiếp tục phát triển bền vững trong tương lai.

“Nhờ những nỗ lực bảo tồn, nghề dệt thổ cẩm của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đang từng bước hồi sinh mạnh mẽ. Đây không chỉ là nét văn hóa đặc trưng mà còn là động lực giúp người dân phát triển kinh tế, góp phần vào mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới”, Phó giám đốc Sở VHTTDL Kon Tum nhấn mạnh.

Dù đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận, hành trình bảo tồn và phát huy giá trị nghề dệt thổ cẩm truyền thống vẫn còn nhiều thách thức.

Để nghề sống khỏe, phát triển bền vững, cần tiếp tục có sự đồng hành mạnh mẽ hơn từ các cấp chính quyền, sự sáng tạo của người dân và đặc biệt là sự quan tâm, hỗ trợ chính sách, thị trường để các sản phẩm thổ cẩm Kon Tum không chỉ đẹp về giá trị truyền thống mà còn hấp dẫn về giá trị thương mại.

NGỌC HÒA

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/dan-toc-ton-giao/giu-lua-nghe-det-tho-cam-128034.html
Zalo