Chung tay gìn giữ 'hồn cốt' văn hóa xứ Thanh

Được ví như một 'Việt Nam thu nhỏ', Thanh Hóa là vùng đất giao thoa của 7 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc mang trong mình một bản sắc riêng biệt, tạo nên bức tranh văn hóa đa dạng và rực rỡ sắc màu.

Chính sự đa thanh, đa sắc ấy đã làm nên một Thanh Hóa vừa đậm đà truyền thống, vừa giàu tiềm năng phát triển văn hóa - du lịch - kinh tế bền vững.

Đồng bào dân tộc Mường ở huyện Bá Thước trình diễn “khua luống”

Đồng bào dân tộc Mường ở huyện Bá Thước trình diễn “khua luống”

Trong những năm qua, việc triển khai Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã tạo nên một bước chuyển thực sự.

Không chỉ dừng ở khâu bảo tồn, dự án đã mang đến một cách tiếp cận mới - đó là phát huy văn hóa như một nguồn lực nội sinh để phát triển cộng đồng.

Từ những lễ hội dân gian được khôi phục, nghề thủ công truyền thống được gìn giữ, cho đến không gian sinh hoạt cộng đồng được chăm chút… văn hóa các dân tộc thiểu số xứ Thanh đang được “đánh thức” từ gốc rễ, lan tỏa mạnh mẽ và dần trở thành trụ cột tinh thần, bản sắc và sinh kế cho đồng bào nơi đây.

Bản hòa ca của di sản và khát vọng

Thanh Hóa hiện có hơn 1.535 di tích di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng và kiểm kê bảo vệ. Trong đó, Thành nhà Hồ được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa vật thể đại diện của nhân loại; các lễ hội như Pồn Poông, tục hát chèo làng Mưng, Kin Chiêng Boọc Mạy, Xuân Phả, dân ca dân vũ, múa đèn Đông Anh, Hò sông Mã, Trò Chiềng, Hát cửa đình, đình Thi… được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bên cạnh những lễ hội, nét văn hóa trong trang phục, ẩm thực hay những nghi thức xoay quanh đời sống cũng đang được người dân nơi đây bảo tồn, gìn giữ, tạo nên sức hút đối với du lịch, nhất là trong giai đoạn hội nhập toàn diện như hiện nay.

Huyện vùng cao Lang Chánh có gần 90% đồng bào dân tộc Thái và Mường sinh sống với nhiều nét văn hóa độc đáo đã tạo tiền đề cho du lịch phát triển. Từ khi CLB dệt thổ cẩm của người Thái ra đời, sắc màu thổ cẩm, âm thanh từ khung dệt lại hiện hữu dưới những nếp nhà dài ở khắp các buôn đồng bào dân tộc thiểu số xã Lâm Phú.

Đến thăm CLB dệt thổ cẩm bản Poọng, Chủ nhiệm CLB Lương Thị Biên, nguyên là Chủ tịch Hội LHPN xã Lâm Phú giới thiệu cho chúng tôi từng tấm vải, cách chọn hoa, phối màu...

Chị cho biết, đợt này sản phẩm nhiều, chị em mang về nhà tranh thủ làm thêm. Nhờ được Sở VHTTDL Thanh Hóa cùng huyện Lang Chánh tổ chức các lớp tập huấn về bảo tồn và phát huy nghề thêu, dệt hoa văn trên trang phục truyền thống, chị em trong thôn đã hiểu hơn về giá trị của nghề và tiếp tục gắn bó với nghề cha ông truyền lại.

Hiện nghề dệt thổ cẩm đang được nhiều chị em phụ nữ tham gia, góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.

Nhiều chị em trong CLB chia sẻ, nghề dệt thổ cẩm có từ lâu nhưng dần bị mai một. Chị Biên và nhiều phụ nữ lớn tuổi trong xã luôn trăn trở với nghề của các cụ để lại.

Từ khi được hỗ trợ từ nguồn Dự án 6, chị và các thành viên trong CLB toàn tâm toàn ý dành thời gian, tâm huyết với hy vọng nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Thái quê mình vươn ra thị trường bên ngoài.

Nhờ đó, thu nhập của mỗi người giờ đã đạt từ 2 - 4 triệu đồng/tháng trở lên, góp phần giảm nghèo và duy trì, phát triển nghề truyền thống, bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc.

Cùng với đó, từ nguồn lực của Dự án 6, huyện Lang Chánh đang chuyển mình mạnh mẽ, trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch cộng đồng.

Nhiều khu, điểm du lịch sinh thái mới lần lượt hình thành: Bản Ngàm Pốc (xã Yên Thắng), bản Ngày (xã Lâm Phú), Thung Bằng (xã Đồng Lương), làng Thiền, làng Năng Cát, đền thờ Lê Lợi (xã Trí Nang), làng Húng (xã Giao Thiện), ruộng bậc thang bản Peo (xã Yên Thắng)... đã tạo nên bản sắc độc đáo và hấp lực khó cưỡng đối với du khách.

Song hành cùng phát triển điểm đến, các lễ hội, trò diễn dân gian như Lễ hội Chí Linh Sơn, Lễ hội Mường Đeng, lễ tục Chá Mùn của người Thái đen được phục dựng và tổ chức quy mô, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, khơi dậy niềm tự hào văn hóa dân tộc.

Ba năm trở lại đây, Lang Chánh đã đón khoảng 155.000 lượt du khách, mang lại doanh thu gần 25 tỉ đồng, khẳng định hướng đi đúng đắn trong việc gắn kết phát triển văn hóa với kinh tế du lịch.

Không kém phần sôi động, huyện Bá Thước - vùng đất giàu bản sắc văn hóa cũng đã chủ động xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Nhờ triển khai hiệu quả Dự án 6, nhiều mô hình đã được đầu tư bài bản: Bảo tồn Làng văn hóa Ấm Hiêu (xã Cổ Lũng) với tổng kinh phí gần 4,9 tỉ đồng, hỗ trợ trang phục, nhạc cụ cho các đội văn nghệ dân tộc ở Thành Lâm, Thành Sơn, đầu tư cải tạo 6 nhà văn hóa thôn với tổng vốn hơn 1,2 tỉ đồng.

Đặc biệt, việc khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại thôn Lặn Ngoài (xã Lũng Niêm) không chỉ giữ lửa văn hóa, mà còn mở ra sinh kế bền vững, tạo thêm điểm nhấn độc đáo cho các tour du lịch.

Một lãnh đạo UBND huyện Bá Thước chia sẻ: “Dệt thổ cẩm không chỉ là nghề, mà còn là hồn cốt văn hóa của cộng đồng. Việc khôi phục nghề truyền thống không chỉ tăng thu nhập, tạo việc làm mà còn góp phần định vị thương hiệu du lịch làng nghề - là sức hút đặc biệt với du khách, nhất là khách quốc tế”.

Sản phẩm dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Thái (xã Yên Thắng, huyện Lang Chánh) tại phiên chợ vùng cao bản Ngàm Pốc

Sản phẩm dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Thái (xã Yên Thắng, huyện Lang Chánh) tại phiên chợ vùng cao bản Ngàm Pốc

Bản sắc văn hóa - bệ phóng để du lịch Thanh Hóa bứt phá

Với kho tàng văn hóa truyền thống đa dạng, phong phú và đậm đà bản sắc, Thanh Hóa đang từng bước khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn của du lịch Việt Nam.

Những làn điệu dân ca, vũ điệu dân tộc, trang phục truyền thống, nghi lễ cổ truyền... đã và đang được đánh thức mạnh mẽ, trở thành nguồn lực nội sinh quý giá thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.

Trong những năm qua, Thanh Hóa đã triển khai đồng bộ nhiều đề án chiến lược, tiêu biểu như: 10 đề án phát triển du lịch cộng đồng tại các huyện miền núi, khai thác lợi thế văn hóa và thiên nhiên; Đề án bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ giai đoạn 2021-2030; Đề án phát triển tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số đến năm 2030...

Những đề án này không chỉ góp phần gìn giữ di sản văn hóa, mà còn định hình các sản phẩm du lịch giàu bản sắc, có khả năng cạnh tranh cao.

Bên cạnh việc hoạch định chính sách, ngành VHTTDL tỉnh cũng không ngừng nỗ lực đồng hành cùng cộng đồng. Các lớp tập huấn bảo tồn trang phục truyền thống, truyền dạy dân ca - dân vũ, hỗ trợ đạo cụ cho đội văn nghệ được tổ chức thường xuyên, lan tỏa tinh thần “người dân là chủ thể” trong việc bảo tồn và khai thác văn hóa dân tộc phục vụ du lịch.

Hàng loạt sản phẩm du lịch mang dấu ấn địa phương được hình thành, trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách yêu thích trải nghiệm văn hóa bản địa.

Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Thanh Hóa - bà Vương Thị Hải Yến chia sẻ: “Chúng tôi không chỉ bảo tồn di sản, mà còn trao quyền cho cộng đồng, để chính người dân là người kể chuyện, là linh hồn sống của văn hóa truyền thống”.

Nhờ định hướng đúng đắn và chính sách kịp thời, năm 2024, du lịch Thanh Hóa ghi nhận bước tiến ngoạn mục với 15,3 triệu lượt khách, tăng 22,5% so với năm trước và vượt 110,9% kế hoạch năm.

Trong đó, lượng khách quốc tế đạt 719.000 lượt, mang về tổng thu 33.800 tỉ đồng, tương đương 375 triệu USD - những con số ấn tượng thể hiện sức hút ngày càng lớn từ du lịch văn hóa.

Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện hiệu quả Dự án 6, Thanh Hóa sẽ tập trung: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và cộng đồng dân cư; Đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu cho quản lý di sản và phát triển du lịch cộng đồng; Phối hợp doanh nghiệp xây dựng tour - tuyến đặc sắc, đưa du khách đến gần hơn với đời sống văn hóa của đồng bào; Tăng cường quảng bá, nâng cao chất lượng dịch vụ và thu hút đầu tư xã hội hóa cho công tác bảo tồn di sản văn hóa...

Bản sắc chính là lợi thế cạnh tranh dài hạn, Thanh Hóa đang từng bước hiện thực hóa khát vọng phát triển từ nội lực văn hóa, để mỗi điệu múa, câu hát, mỗi lễ hội truyền thống không chỉ là ký ức gìn giữ, mà còn là nhịp cầu nối quá khứ - hiện tại - tương lai, đưa du lịch địa phương vươn tầm mạnh mẽ.

NGUYỄN LINH

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/dan-toc-ton-giao/chung-tay-gin-giu-hon-cot-van-hoa-xu-thanh-128018.html
Zalo