Sau sáp nhập, tỉnh miền Bắc nào có ngôi chùa lớn bậc nhất thế giới?

Sau khi sáp nhập Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình, tỉnh mới sẽ có lợi thế lớn để phát triển du lịch tâm linh với hàng loạt đền, chùa, di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng như chùa Bái Đính, chùa Tam Chúc, đền Trần...

Chùa Bái Đính

Chùa Bái Đính thuộc xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Quần thể chùa Bái Đính gồm khu chùa cổ và khu chùa mới xây dựng từ năm 2003. Tổng diện tích 539 ha.

Chùa Bái Đính cổ (Bái Đính cổ tự) được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa - cách mạng cấp quốc gia năm 1977. Chùa nằm trên sườn núi, giữa những thung lũng, hồ và núi đá.

Chùa Bái Đính mới được xây dựng với hạng mục công trình chính: cổng Tam Quan, hành lang La Hán, tháp chuông, điện Quan Thế Âm Bồ Tát, điện Pháp Chủ, điện Tam Thế, Phật Di Lặc và Bảo Tháp. Kiến trúc chùa mới đồ sộ nhưng mang đậm bản sắc truyền thống.

Quần thể chùa có nhiều kỷ lục châu Á và Việt Nam: như chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á, có tượng Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á...

Chùa Tam Chúc

Chùa Tam Chúc (Kim Bảng, Hà Nam)- một trong những ngôi chùa lớn nhất thế giới, nằm trong quần thể khu du lịch có diện tích gần 5.000 ha, với gần 1.000 ha hồ nước, 3.000 ha núi đá, rừng tự nhiên cùng nhiều thung lũng, ba mặt bao bọc bởi núi, trước là hồ Tam Chúc với 6 quả núi nhỏ.

Chùa được xây trên trục thần đạo gồm: chùa Ngọc, điện Quan Âm, điện Pháp Chủ, điện Tam Thế, cổng Tam Quan, Trung tâm hội nghị quốc tế.

Chùa Ngọc tọa lạc trên đỉnh núi Thất Tinh, được xây dựng hoàn toàn bằng các phiến đá đỏ granit. Trong chùa thờ một pho tượng bằng ngọc nặng 4,9 tấn.

Điện Quan Âm thờ 1 pho tượng Quan Âm Bồ Tát bằng đồng nguyên khối, nặng 100 tấn và có 8.500 bức tranh các câu chuyện về Đức Phật.

Trung tâm Hội nghị quốc tế được xây dựng nổi trên mặt hồ, có diện tích sàn 10.000m2, có sức chứa 3.500 chỗ ngồi.

Chùa Tam Chúc hấp dẫn du khách. Ảnh: Phạm Hải

Chùa Tam Chúc hấp dẫn du khách. Ảnh: Phạm Hải

Tràng An - Tam Cốc - Bích Động

Năm 2014, Quần thể danh thắng Tràng An đã được Ủy ban di sản Thế giới UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Đây là di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á.

Quần thể hang động Tràng An bao gồm 50 hang khô và 50 hang ngập nước, rất đa dạng về hình thái và chủng loại (hang động xuyên thủng, hang động thông và hang ngầm). Khu vực quần thể hang động này cũng là địa bàn có sự hiện diện của nhiều di tích lịch sử văn hóa, như phủ Đột (còn gọi là đền Trình, thờ hai vị tướng của triều Đinh là Nhị vị Thánh Tiền, tức Tả Thanh Trù và Hữu Thanh Trù); đền Trần (còn có tên khác là đền Nội Lâm hay đền Vụng Thắm, thờ Quý Minh đại vương)...

Quần thể danh thắng Tam Cốc - Bích Động có diện tích tự nhiên lên tới 350,3 hecta, sở hữu cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ với hệ thống hang động cả trên cạn và dưới nước, kết hợp hài hòa với các công trình kiến trúc tôn giáo cổ, các di tích lịch sử gần 1.000 năm.

Khu du lịch sinh thái Tràng An (Ninh Bình). Ảnh: Thạch Thảo

Khu du lịch sinh thái Tràng An (Ninh Bình). Ảnh: Thạch Thảo

Đền Trần

Đền Trần thuộc thôn Tức Mặc, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, là khu di tích lịch sử văn hóa đặc biệt, quan trọng của tỉnh Nam Định, được nhà nước xếp hạng di tích tích lịch sử cấp quốc gia năm 2012. Khu di tích lịch sử đền Trần Nam Định hiện nay tọa lạc trên một khuôn viên rộng lớn, với bố cục chính giữa là đền Thiên Trường (hay còn gọi là đền Thượng), bên phải là đền Cố Trạch (đền Hạ) và bên trái là đền Trùng Hoa.

Dịp đầu năm, đền Trần thu hút rất đông người dân, du khách thập phương đến chiêm bái, xin lộc đầu năm và tham dự Lễ hội khai ấn đền Trần (ngày 11-16 tháng Giêng âm lịch).

Cùng với di tích đền Trần, chùa Phổ Minh (chùa Tháp) là một trong những địa chỉ tâm linh nổi tiếng, gây ấn tượng với du khách bởi những nét cổ kính, xanh mát và bình yên. Tháp Phổ Minh có 14 tầng, cao 19,51m. Hai tầng tháp dưới cùng xây bằng đá có chạm khắc hoa văn cánh sen, hoa văn sóng nước.

Chùa Phổ Minh cổ kính và bình yên. Ảnh: Trần Việt Đức

Chùa Phổ Minh cổ kính và bình yên. Ảnh: Trần Việt Đức

Nam Định còn nổi tiếng với nhiều nhà thờ nổi tiếng mang phong cách kiến trúc Gothic đẹp mắt, tiêu biểu là nhà thờ Hưng Nghĩa ở huyện Hải Hậu; tòa giám mục Bùi Chu nằm trên địa phận xã Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường; đền thánh Kiên Lao nằm ở xã Xuân Tiến, huyện Xuân Trường...

Đền thánh Kiên Lao với chiều dài 75m, rộng 26m, cao 28m và tháp chuông cao 46m. Ảnh: Trọng Tùng

Đền thánh Kiên Lao với chiều dài 75m, rộng 26m, cao 28m và tháp chuông cao 46m. Ảnh: Trọng Tùng

Linh Trang

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/sau-sap-nhap-tinh-mien-bac-nao-co-ngoi-chua-lon-bac-nhat-the-gioi-2391468.html
Zalo