Cày ruộng
NSGN - Tôi nghe như vầy: Một thời, Đức Phật du hóa trong nhân gian ở nước Câu-tát-la rồi dần đi đến thôn Nhất-na-la, 2 trú trong rừng Nhất-na-la.
Lúc ấy, Thế Tôn đắp y, ôm bát vào trong thôn Nhất-na-la khất thực. Ngài nghĩ thầm: “Bây giờ còn sớm, Ta có thể đi qua chỗ chuẩn bị thức ăn nước uống3 của Bà-la-môn làm ruộng là Bà-la-đậu-bà-già”4.
Bấy giờ, Bà-la-môn làm ruộng Bà-la-đậu-bà-già sửa soạn đầy đủ năm trăm lưỡi cày, đang chuẩn bị thức ăn nước uống. Từ xa, Bà-la-môn đã trông thấy Thế Tôn nên liền nói: Thưa Cù-đàm! Hôm nay, tôi cày ruộng, gieo giống để cung cấp lương thực. Vậy, Sa-môn Cù-đàm cũng nên cày ruộng, gieo giống để cung cấp lương thực.
Phật bảo Bà-la-môn: Ta cũng cày ruộng, gieo giống để cung cấp lương thực.
Bà-la-môn bạch Phật: Tôi chẳng thấy Sa-môn Cù-đàm có cày, hoặc ách, hoặc vòng da, hoặc dây trói, hoặc cái bừa, hoặc roi, mà nay Sa-môn lại nói: “Tôi cũng cày ruộng, gieo giống để cung cấp lương thực”.
Lúc ấy, Bà-la-môn làm ruộng Bà-la-đậu-bà-già liền nói kệ:
Ngài tự nói làm ruộng,
Mà chẳng thấy cái cày,
Còn tôi nói cày ruộng,
Vì tôi biết cách cày.
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp lại:
Lòng tin là hạt giống,
Khổ nhọc mưa đúng thời,
Trí tuệ là cày, ách,
Tâm hổ thẹn là trục,
Tự giữ gìn chánh niệm,
Đấy là khéo điều phục,
Thúc liễm nghiệp thân, miệng,
Như nơi chứa thức ăn,
Chân thật là xe tốt,
Sống vui, không biếng nhác,
Tinh tấn, không hoang phế,
An ổn và tiến nhanh,
Đi thẳng, chẳng trở lại,
Đạt đến chốn vô ưu.
Người cày ruộng như thế,
Mau được quả giải thoát,
Người cày ruộng như thế,
Không trở lại các cõi.
Bà-la-môn làm ruộng Bà-la-đậu-bà-già bạch Phật: Cù-đàm thật khéo cày ruộng! Cù-đàm cày ruộng thật tài!
Trong lúc nghe Phật nói kệ thì lòng tin của Bà-la-môn càng thêm tăng trưởng nên đem đầy bát thức ăn thơm ngon dâng cúng Đức Phật.
Do vừa nói bài kệ mà có được thức ăn nên Thế Tôn không thọ nhận. Nhân đó, Ngài nói kệ rằng:
Không do vì thuyết pháp,
Nhận ăn thức ăn này,
Vì lợi ích kẻ khác,
Thuyết pháp, không vì ăn.
Nói đầy đủ như đã nói ở phần đầu của kinh Bà-la-môn Hỏa Chủng.5
Khi ấy, Bà-la-môn làm ruộng Bà-la-đậu-bà-già bạch Phật: Thưa Cù-đàm, nay con đem thức ăn này để ở đâu?
Phật bảo Bà-la-môn: Ta không thấy chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên, Sa-môn, Bà-la-môn, trời, thần hay người thế gian có thể dùng thức ăn này mà được an ổn. Ông hãy đem thức ăn này để vào trong nước không có trùng và chỗ đất ít cỏ tươi.
Bà-la-môn ấy liền đem thức ăn này để vào trong nước không trùng, nước liền bốc khói, sôi trào kêu xèo xèo như viên sắt nóng bị ném vào trong nước lạnh tiếng kêu xèo xèo. Khi thấy thức ăn bỏ vào trong nước không trùng, bốc khói sôi lên kêu xèo xèo như thế, Bà-la-môn nghĩ thầm: “Thật kỳ đặc! Sa-môn Cù-đàm có oai đức lớn, có đại lực nên mới có thể làm cho thức ăn thần biến như thế!”.
Khi ấy, Bà-la-môn thấy điềm lạ của thức ăn, tín tâm càng thêm mạnh, liền bạch Phật: Thưa Cù-đàm, hôm nay con có thể ở trong Chánh pháp xuất gia thọ giới Cụ túc được chăng?
Phật bảo Bà-la-môn: Nay ông có thể được ở trong Chánh pháp xuất gia thọ giới Cụ túc, được làm Tỳ-kheo.
Sau khi xuất gia, Bà-la-môn ấy một mình lặng lẽ tư duy về lý do mà một người thuộc dòng quý tộc, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, với niềm tin chân chánh, rời xa gia đình, xuất gia học đạo… cho đến đắc quả A-la-hán, tâm giải thoát hoàn toàn6.
___________
(1) Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.98. 027a10). Tham chiếu: Biệt Tạp. 別雜 (T.02. 0100.1. 374a07); Biệt Tạp. 別雜 (T.02. 0100.264. 466b18); S.7.11 - I.172; Kinh Tập (Sn.12).
(2) Nhất-na-la (一那羅 - Ekanālā).
(3) Tác ẩm thực xứ (作飲食處): Nơi sửa soạn thức ăn. Pāli: ParIVesanā, sự phân phối thực phẩm, hay sự chuẩn bị thức ăn.
(4) Canh điền bà-la-đậu-bà-già (耕田婆羅豆婆遮 - Kasibhāradvāja).
(5) Xem, Tạp. 雜 (T.02. 0099.1157. 308a03).
(6) Nguyên tác Thiện giải thoát (善解脫 - Suvimutta): Xem chú thích trong Tạp. 雜 (T.02. 0099.22. 004c20).
(NSGN 340)