Giữ 'hồn cốt' cho phố cổ Hội An
Một chiều cuối tuần của tháng Tư, dạo bước Hội An, tôi - một du khách nhiều lần đến phố cổ đã cảm thấy thất vọng, thấy buồn cho phố cổ. Hồn cốt của Hội An dường như đang mất đi nhường chỗ cho sự ồn ào, xô bồ, chèo kéo và chụp giựt, điều mà trước đây tôi chưa từng cảm nhận rõ rệt như lúc này.

Hàng quán và đủ loại dịch vụ tràn ra lòng đường sau 3giờ chiều - thời điểm Hội An cấm xe gắn động cơ vào khu vực trung tâm phố cổ để dành đường cho người đi bộ. Ảnh: Khả Hân
Hội An nay đã khác
Trật tự đô thị lỏng lẻo, hàng quán vỉa hè bày biện thiếu thẩm mỹ, rác thải vương vãi, dịch vụ du lịch thiếu chuyên nghiệp. Những chiếc xích lô chật vật len lỏi giữa dòng người đi bộ đông nghẹt và những chiếc xe máy, xe đạp gắng động cơ điện đủ loại phóng rất nhanh trong không gian “Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ”.
Các “lằn cai đỏ” (làn sơn màu đỏ trên vỉa hè) tiên phong của cả nước, một thời là niềm hãnh diện của Hội An về trật tự lề đường ưu tiên cho người đi bộ nay vẫn còn đó nhưng bị đè lấp bởi nào bàn, ghế, hàng hóa, xe máy.
Chưa kể, âm thanh cực đại từ các quán bar từ bờ bên kia - An Hội làm cho phố cổ trở nên ồn ào khiến khách du lịch không thể trải nghiệm không gian phố cổ êm đềm, tĩnh lặng như nhiều năm trước.
Tất cả những điều đó đã làm phai mờ đi vẻ đẹp vốn có của Hội An, khiến phố xưa nhạt nhòa và khác xa với hình ảnh “Điểm đến đô thị văn hóa hàng đầu châu Á”, "Top 15 thành phố tuyệt vời nhất châu Á"... mà các tạp chí, du khách quốc tế vẫn thường nhắc đến. Phải chăng, Hội An đang tự đánh mất đi vẻ đẹp vốn có cùng sự quyến rũ độc đáo đã từng làm say đắm lòng người?
Gần sáu năm trước, trong bài viết "Hội An: Đừng nhận thêm khách nữa!", tác giả đã bày tỏ lo ngại về tình trạng quá tải du lịch, một "liều thuốc độc" đang bào mòn di sản này. Thế nhưng, vấn đề đó chẳng những vẫn chưa được giải quyết triệt để mà còn nảy sinh thêm các vấn đề khác.
Hội An đang phải đối mặt với sự "xâm lấn" của những yếu tố mới. Xe đẩy, quầy bán hàng rong xuất hiện với tần suất dày đặc hơn, len lỏi vào mọi ngóc ngách của phố cổ thậm chí đậu ngổn ngang trước các di tích.
Số lượng người bán hàng rong, “cò” dịch vụ trên phố cũng tăng lên đáng kể, kéo theo đó là tình trạng chèo kéo khách du lịch một cách thiếu lịch sự, gây ảnh hưởng không nhỏ đến trải nghiệm của du khách và vẻ đẹp văn minh, thuần hậu của phố cổ.

Du khách thong thả đạp xe ngang qua khu vực chùa Cầu tại Hội An. Ảnh: Nhân Tâm
Hội An cần 'tái thiết du lịch' theo hướng nào?
Từ những vấn đề trên, có thể nhận định rằng, đã đến lúc cần một cuộc "tái thiết" toàn diện, một sự thay đổi căn bản trong cách tiếp cận phát triển du lịch, không thể mãi chạy theo số lượng khách mà bỏ quên chất lượng trải nghiệm và sự bền vững của di sản.
Cuộc "tái thiết" này cần bắt đầu từ việc định hình lại tầm nhìn về du lịch Hội An. Đó không chỉ là một điểm đến "phải đến" vì sự nổi tiếng mà phải là nơi du khách "muốn ở lại" để tận hưởng những giá trị văn hóa, lịch sử và vẻ đẹp thanh bình thực sự. Để đạt được điều này, cần có những hướng tiếp cận cụ thể.
Điều đầu tiên là tập trung vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm. Điều này bao gồm việc đào tạo đội ngũ nhân lực du lịch chuyên nghiệp, chấn chỉnh tình trạng chèo kéo, nâng cao văn minh thương mại và tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, có chiều sâu, khai thác các giá trị văn hóa phi vật thể, làng nghề truyền thống một cách sáng tạo.
Kế đến là quản lý chặt chẽ không gian và trật tự đô thị một cách bền vững. Bên cạnh việc thực thi nghiêm các quy định hiện hành, cần có những giải pháp quy hoạch tốt hơn để hài hòa giữa hoạt động du lịch và cuộc sống của người dân địa phương.
Việc này có thể bao gồm việc phân vùng chức năng rõ ràng, giới hạn số lượng cửa hàng kinh doanh một số ngành nghề nhất định trong khu vực lõi và có những biện pháp hiệu quả để kiểm soát tiếng ồn, vệ sinh môi trường và giao thông.
Cuối cùng, lựa chọn thị trường khách du lịch được xem như yếu tố gắn kết chặt chẽ với hai yếu tố ban đầu. Đây là một bài toán khó và lo ngại về việc giảm doanh thu là hoàn toàn có cơ sở nhưng để thay đổi, địa phương có thể tiến dần, không "từ chối" đột ngột mà theo lộ trình.
Hội An có thể tập trung vào việc thu hút phân khúc khách du lịch sẵn sàng chi trả cho những trải nghiệm chất lượng và có thời gian lưu trú dài hơn. Để làm được điều này, cần có chiến lược tiếp thị và quảng bá phù hợp, tập trung vào những giá trị độc đáo của Hội An thay vì chỉ quảng bá về số lượng điểm tham quan.
Đồng thời, Hội An cần đầu tư vào việc nâng cao chất lượng các sản phẩm và dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của phân khúc khách hàng này. Việc tạo ra những sản phẩm du lịch có thể "níu chân" du khách, khuyến khích khách ở lại lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn sẽ bù đắp cho việc giảm số lượng khách.
Để Hội An thực sự trở lại là một "thành phố xanh, sáng tạo, điểm đến của du khách quốc tế và khách nội địa yêu di sản", chính quyền địa phương cần có một tầm nhìn dài hạn và những hành động quyết liệt, đồng bộ.
Chúng ta cần trả lại cho Hội An sự thanh lịch, quyến rũ và hồn cốt vốn có, để mỗi du khách khi đến đây đều mang về những kỷ niệm đẹp và mong muốn quay trở lại. Đây cũng là cách tiếp thị tại chỗ rất hiệu quả.