Giữ gìn những tập tục đẹp ngày Tết
Mua muối lộc cầu may, lì xì đầu năm mới, đi lễ chùa để dâng hương, cầu nguyện những điều may mắn cho bản thân, gia đình, xin chữ - cho chữ thư pháp, khai xuân... là những nét đẹp văn hóa ngày Tết, là nhịp cầu nối liền truyền thống với hiện đại, gắn kết bao thế hệ bằng sợi dây văn hóa bền chặt và giàu ý nghĩa.
Tập tục mua muối đầu năm không biết có từ bao giờ, nhưng trong ký ức của chị Dương Thúy Hòa, ở Phường 2, thị xã Quảng Trị, cứ mỗi sáng sớm mùng 1 tết Nguyên đán, thường có một bà gánh muối ngang qua ngõ, cất riêng rao lảnh lót: “Đầu năm mua muối lấy may nào”.
Chỉ chờ có vậy, mẹ chị đã tất tả ra ngõ đón đường người bán muối, mua một túi muối lộc đựng đầy chiếc âu sành to đã được kỳ cọ sạch sẽ từ chiều 30 Tết với quan niệm đầu năm mới mua ít muối để lấy may cho cả năm. Đến khi lập gia đình, chị Hòa vẫn giữ truyền thống mua muối đầu năm mong muốn tình cảm gia đình ngày một đậm đà, gắn kết hơn. Khác với thế hệ bà và mẹ mình, thay vì đựng bằng âu sành, chị Hòa chia ra muối thành từng túi nhỏ, cho vào túi nilon hoặc túi vải, phong bao lì xì... vừa đẹp mắt mà lại tiện cất giữ.
Theo quan niệm dân gian, muối mang vị mặn, có khả năng chống lại xú uế, xua đuổi tà ma và đem lại may mắn cho gia đình. Vì thế, nhiều người thường rắc muối quanh nhà hoặc trên đường với mong muốn bảo vệ sự bình yên, tránh xa điều không may. Muối cũng được coi là biểu tượng của sự gắn kết, bền chặt như tục ngữ nhắc đến: “Tay bưng dĩa muối chấm gừng/Gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau”. Mua muối vào đầu năm thể hiện mong ước gia đình hòa thuận, tình cảm đong đầy và cuộc sống no đủ. Đây cũng là lý do mà nhiều người quan niệm rằng mua muối đầu năm sẽ giúp công việc làm ăn thuận lợi, cả năm gặp may mắn và sung túc.
Tại một số ngôi chùa lớn trên địa bàn tỉnh như chùa Cam Lộ, Tổ đình Sắc Tứ Tịnh Quang... hay những địa điểm vui chơi công cộng, những ngày đầu năm mới người dân thường bày bán muối được gói trong túi đỏ đẹp mắt, đi kèm một hộp diêm cho du khách đi lễ chùa. Chị Nguyễn Thị Hường, người nhiều năm bán muối lộc trước cổng chùa Cam Lộ cho hay, việc bán muối kèm theo bật lửa hoặc diêm với ý nghĩa, muối - lửa mang lại may mắn, tài lộc. Chị Đặng Thị Thúy, phường Đông Lương, TP. Đông Hà chia sẻ: “Gia đình tôi thường đi lễ chùa vào sáng mùng một Tết và vẫn có thói quen mua cho mỗi thành viên trong gia đình một gói muối nhỏ với hy vọng cho sự khởi đầu một năm mới đầy may mắn, bình an, mọi việc được thuận lợi, suôn sẻ”.
Tại Tổ đình Sắc Tứ Tịnh Quang, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, trong ngày đầu tiên của năm mới Ất Tỵ, lượng lớn người dân, du khách đến vãn cảnh, cầu an năm mới. Chị Dương Quỳnh Trâm, ở thị trấn Diên Sanh, huyện Hải Lăng cho biết: Năm nào cũng vậy, sáng mồng 1 Tết, gia đình tôi đều đi chùa làm lễ. Đây là dịp tôi và người thân mong tìm được sự thanh tịnh và hướng những việc cần phải làm cho năm mới. Nhiều người cũng quan niệm đi lễ chùa ngay sau thời khắc năm mới sẽ giúp gia đình có được sự an lạc, cả năm may mắn. Tôi muốn các con biết được điều này để trân trọng nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Còn đối với các bạn trẻ, đi lễ đầu xuân không chỉ để cầu nguyện những điều tốt đẹp cho bản thân và gia đình mà còn là dịp thưởng lãm cảnh đẹp, nét thanh tịnh chốn linh thiêng trong tiết xuân và hiểu hơn về truyền thống văn hóa của dân tộc.
Em Nguyễn Hoàng Nguyên, ở Phường1, TP. Đông Hà chia sẻ: Mỗi dịp Tết, tôi và gia đình thường đi lễ chùa, trước là để vãn cảnh, sau là cầu mong cho bản thân, gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, thuận hòa, mọi sự được hanh thông.
Lì xì hay còn gọi là mừng tuổi ngày đầu năm là nét văn hóa không thể thiếu trong dịp tết Nguyên đán của người Việt. Anh Nguyễn Hải Phong, ở phường Đông Lương, TP. Đông Hà cho biết, dù đã gần 50 tuổi, nhưng anh vẫn còn nguyên cảm giác háo hức như ngày còn nhỏ khi mỗi sáng mồng 1 Tết, con cháu trong nhà áo quần tươm tất xếp hàng chờ bố mẹ lì xì mừng tuổi đầu năm. Người lớn lì xì con trẻ, con trẻ mừng tuổi ông bà, người nhận và người tặng phong bao đều mong nhận những điều tốt đẹp trong năm mới.
“Gia đình tôi đến nay đã có 3 thế hệ, con cháu đông đúc, mỗi sáng mồng 1 đều tụ tập về nhà chúc Tết bố mẹ và chờ nhận phong bao lì xì đầu năm của ông bà như một phần không thể thiếu trong sinh hoạt truyền thống của gia đình. Càng lớn, chúng tôi càng trân trọng những phút giây quây quần sum họp gia đình trong những ngày Tết như thế này, như một dịp để thêm gắn kết tình thân”.
Tục khai xuân cũng được các thế hệ con cháu gìn giữ và lưu truyền nét văn hóa tốt đẹp của cha ông. Với những người làm ăn buôn bán, ngay từ trước Tết đã tính chọn ngày để mở cửa hàng lấy may, khai trương việc buôn bán. Nhiều người lựa chọn hướng xuất hành đầu năm để mong một năm thuận lợi, hanh thông.
Khai bút đầu năm mới cũng là phong tục đẹp, mang chiều sâu ý nghĩa nhân văn trong truyền thống văn hóa Việt. Những nét chữ đầu tiên của năm mới thường mang theo hy vọng về một năm phát đạt, sự nghiệp hanh thông, đồng thời thể hiện sự tôn kính đối với chữ nghĩa, coi trọng việc học.
Gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống ngày xuân chính là góp phần bảo vệ bản sắc văn hóa Việt. Dù hoài niệm với Tết xưa hay háo hức với những điều mới mẻ của Tết hiện đại, thì Tết vẫn mang ý nghĩa đặc biệt, là dịp để con người hướng về cội nguồn, gắn kết với gia đình, bè bạn và cùng nhau đón chào năm mới an lành, hạnh phúc.