Vào mùa lễ hội
Mùa lễ hội năm 2025 ở Đồng Nai đã và đang diễn ra rộn ràng với đa dạng hoạt động văn hóa, vừa tạo điều kiện để người dân vui xuân, vừa là cơ hội để quảng bá bản sắc văn hóa độc đáo của vùng đất hơn 325 năm hình thành và phát triển.
Việc tổ chức các lễ hội truyền thống đầu xuân không chỉ đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng dân cư, mà qua đó còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, kết nối phát triển du lịch, thu hút du khách đến với Đồng Nai.
Nhiều lễ hội
Lễ hội chùa Ông là một trong những lễ hội đầu xuân ở thành phố Biên Hòa thu hút hàng chục ngàn lượt người dân và du khách tham quan, chiêm bái. Năm nay, lễ hội diễn ra từ ngày 5 đến 10-2 (mùng 8 đến 13 tháng Giêng) với đa dạng các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Nổi bật là lễ nghinh thần bằng đường bộ và diễu hành, biểu diễn văn nghệ, hóa trang trên các tuyến đường chính của thành phố Biên Hòa.
Trưởng ban Trị sự Thất Phủ Cổ miếu (chùa Ông) Huỳnh Hữu Nghĩa cho biết, trong các ngày diễn ra lễ hội, ngoài các nghi lễ truyền thống, sẽ có biểu diễn tuồng cổ, cải lương, giao lưu đờn ca tài tử Nam Bộ; biểu diễn lân - sư - rồng, võ thuật; giao lưu thư pháp Việt - Hoa; lễ thả phúc khí cầu, thả hoa đăng… Các hoạt động không chỉ đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng cho nhân dân, mà còn góp phần bảo tồn, phát huy và lan tỏa giá trị văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tại ấp 8, xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) đều đặn nhiều năm nay duy trì, tổ chức Lễ hội Lồng tồng (Lễ hội Xuống đồng). Đây là một nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, Nùng… thường được tổ chức vào dịp đầu xuân (từ mùng 8 đến 12 tháng Giêng) để cầu cho mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no.
Lễ hội Đua thuyền truyền thống tỉnh Đồng Nai mở rộng mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025 diễn ra vào ngày 9-2 (nhằm ngày 12 tháng Giêng) tại khu vực phía trước đình Tân Lân, thành phố Biên Hòa. Đây cũng là lễ hội thu hút khá đông các đội thi đến từ những địa phương trong và ngoài tỉnh tham gia. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối về giao thông đường thủy khu vực diễn ra đua thuyền, Ban tổ chức đã thành lập trạm điều tiết khống chế và hướng dẫn giao thông thời gian diễn ra đua thuyền với 5 chốt. Qua lễ hội này, tái hiện những nét văn hóa dân gian, thể hiện tinh thần đoàn kết, thể dục thể thao nâng cao sức khỏe trong cộng đồng dân cư.
Tại thành phố Long Khánh và các huyện: Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Long Thành… hàng năm vào tháng 2 và tháng 3 âm lịch đều đồng loạt tổ chức Lễ hội Sayangva của đồng bào dân tộc Chơro. Trong lễ hội, đồng bào Chơro thực hiện các nghi lễ truyền thống cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; đồng thời, cùng nhau biểu diễn cồng chiêng, thi kéo co, nhảy bao bố, bắn nỏ, bịt mắt đập heo đất; thưởng thức ẩm thực cơm lam, rượu cần… Hiện nay, Đồng Nai đã xây dựng hồ sơ khoa học Lễ hội Sayangva để đề nghị Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nhằm thực hiện công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2025, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch giao Thanh tra sở tăng cường công tác thanh - kiểm tra, giám sát trước, trong thời gian diễn ra lễ hội. Kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; lợi dụng lễ hội để kích động bạo lực, tuyên truyền mê tín dị đoan, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh.
Quảng bá hình ảnh đất và người Đồng Nai
Không chỉ với các lễ hội đầu xuân, thời gian qua, nhiều địa phương ở Đồng Nai đã ứng dụng công nghệ số trong việc quảng bá hình ảnh lễ hội trên các nền tảng trực tuyến. Trong đó, các lễ hội như: chùa Ông (thành phố Biên Hòa); Sayangva của đồng bào Chơro, Lễ giỗ Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh… đã được ghi hình, thực hiện phim tư liệu giới thiệu và quảng bá rộng rãi. Nhiều lễ hội ở Đồng Nai đã và đang xây dựng hồ sơ, dữ liệu số, giúp người dân và du khách tra cứu, tìm hiểu thông tin lễ hội để tham gia.
Phó giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Hồng Ân cho hay, vào dịp đầu xuân, vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai diễn ra nhiều lễ hội, phần lớn các lễ hội được tổ chức chu đáo, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, văn hóa của người dân. Tại các di tích diễn ra lễ hội đều bố trí người trực hướng dẫn, đón tiếp khách tham quan, thường xuyên tuyên truyền, vận động chủ thể quản lý văn hóa tránh các tệ nạn xin xăm, bói toán, đốt vàng mã tại lễ hội và các di tích trên địa bàn tỉnh. Qua đó, phục vụ nhân dân vui Xuân, đón Tết lành mạnh, an toàn, thực hiện nếp sống văn minh, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Với sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, các lễ hội không chỉ giữ được giá trị truyền thống, mà còn tạo nên sức hút hiện đại, khẳng định Đồng Nai là điểm đến văn hóa đặc sắc của khu vực Đông Nam Bộ. Mùa lễ hội năm 2025 ở Đồng Nai vừa là dịp để người dân vui Xuân, vừa là cơ hội để quảng bá, lan tỏa văn hóa, thu hút du khách và góp phần phát triển kinh tế bền vững.