Ra giêng cuốc cỏ đậu phụng…

Tháng giêng, trên những biền bãi quê tôi bên dòng sông Thu Bồn khoác lên chiếc áo màu xanh biêng biếc. Những đồng rau, những khu vườn xinh xắn nhỏ nhắn trong vườn mỗi nhà, là biết bao loại rau trái tươi non mơn mởn như xà lách, tần ô, cải, đậu ve, dưa leo… Sau những ngày Tết vui chơi, đoàn viên là thời khắc ra giêng, bà con quê tôi lại tất bật vào việc đi cuốc cỏ đậu phụng. Đó là nét riêng có làm nên hồn cốt về miền quê, mà theo tôi nghĩ, dù ở quê hay đi xa, ai cũng nhớ 'nét đẹp lao động' này…

Đất trời ra giêng. Nắng sớm mai từng tia vàng ươm và gió se se lạnh. Nắng giêng là nắng như không nắng và mưa cũng như không mưa, chừng như nắng mưa cứ thế cho duyên đất trời. Dọc đường đi ra ruộng ra đồng, các loại hoa dại đua nhau khoe sắc. Lúa xanh thì con gái mơn mởn, các loại rau màu khác cũng biêng biếc ngập tràn. Và, trong khung cảnh bình yên ấy, có nhiều đám đậu phụng hàng thẳng tắp, lá tươi non và long lanh giọt sương trong veo...

Quê tôi - vùng đất "hội thủy, hội duyên" đã lưu truyền lại những câu chuyện, những trầm tích văn hóa, những bến nước, bến đò quê hương… đã cho nhiều thế hệ người dân nơi đây biết bao ký ức ngọt lành. Ngày còn nhỏ, sau những trận lụt hàng năm, tôi nghe ba tôi nói "Cứ chờ khi nào đất ấm thì gieo đậu". Đó là việc gieo đậu phụng mỗi năm một mùa, thường là lên luống đánh đất thẳng hàng. Tôi nhớ mình đã lom khom cúi lưng bỏ giống đậu theo từng hàng một, ba tôi lấp hàng này xong lại đánh luống hàng khác. Những bữa ăn "nửa buổi", nghỉ tay uống nước rồi đến cuối ngày, đâu đã vào đó. Xong công việc đồng áng, vác cuốc đi về với niềm hy vọng trời đừng mưa để giống đậu khô ráo, nằm im vài ba hôm rồi sẽ ngóc mầm đội đất lên cây...

Đi cuốc cỏ đậu trước khi đậu phụng đến kỳ "làm gương" hay "ra gương", đó là một cách gọi dân dã, riêng có về việc cây đậu phụng ra hoa. "Củ" đậu phụng nằm dưới đất thì được gọi là "trái" đậu phụng. Những kiểu gọi như thế, mặc nhiên chỉ dấu cho loại đậu phụng ở quê tôi. Ba tôi bảo thế trong một lần tôi "thắc mắc" khi chỉ thấy duy nhất cho cách gọi này với cây đậu phụng mà thôi. Việc cuốc cỏ đậu thường vào trước hoặc sau Tết, tùy vào thời gian gieo đậu. Những ngày tháng chạp bận rộn, nên cuốc cỏ đậu tranh thủ ngay ra giêng, sau ba ngày "mùng" của Tết. Chỉ là dùng loại cuốc nhỏ lưỡi xới nhẹ đất theo giữa các hàng đậu, để diệt các loại cỏ dại mọc xen trong đậu và để đất "nới nới" ra, bớt "chặt" để dễ bề cho việc "làm trái" sau khi "ra gương". Đi cuốc cỏ đậu vào những ngày ra giêng, hương xuân vẫn còn nồng nàn. Thức ăn nửa buổi thường là các loại bánh trái ra Tết còn như bánh tét, bánh da, bánh in, bánh tổ… Thường vài ba ngày sau khi cuốc cỏ, đậu phụng ra gương là khoảng thời gian đẹp nhất. Nắng sớm ra giêng trải dài trên đám đậu phụng mơn mởn sương mai, những "gương" đậu vàng tươi lấp ló sau nách lá xanh non. Nhìn cả đám đậu phụng trải lên từng hàng một, như bức họa đồng quê có màu vàng nhạt của nắng, màu trăng trắng những giọt sương, màu xanh của lá và màu vàng tươi của "gương". Rồi chờ ngày nhổ đậu thu hoạch chừng hơn tháng. Tôi càng nhớ mẹ cứ tảo tần, tính toán dự phần của đám đậu phụng mùa này cho cả nhà. Là dầu phụng, là hạt đậu phơi khô cho cái ăn gia đình. Một thời mùa mưa, rang đậu giã nhỏ làm muối đậu, thả vào nước mắm... cũng là một món ăn. Làm các món trộn, ngày thường ăn trong nhà, hay đến Tết, đám giỗ, cúng kỵ, gia vị có thêm đậu phụng rang giã nhuyễn vào là thơm lừng. Các món bánh ngày Tết, kẹo đậu phụng... và nhất là món mì Quảng, không thể thiếu dầu phụng và hạt đậu phụng rang. Ba tôi có thói quen khi ăn mì, là phải chan thêm dầu phụng khử nén. Ba bảo ăn như thế mới đậm đà thơm ngon...

Tôi đã đi qua biết bao mùa đậu phụng. Giờ đây, đi trên đường quê vào một sáng tháng giêng, trong mắt tôi là những đám đậu phụng đang ra gương, đẹp đến nao lòng. Dù không còn nhiều như trước đây, nhưng trong tâm tưởng tôi như hiện ra là cả bầu trời tuổi thơ trong vắt. Ngày ấy - bây giờ, ngần đó thôi, đã làm tôi thao thiết, rưng rưng hoài niệm. Là trong nỗi nhớ ấy, có việc ra giêng cuốc cỏ đậu phụng trong nắng xuân ngập tràn...

Quyên Quyên

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/ra-gieng-cuoc-co-dau-phung-post308154.html
Zalo