Giữ gìn nét đẹp văn hóa lễ chùa đầu năm
Tại núi Bà Đen, trong những ngày đầu năm mới, đông đảo người dân địa phương và du khách, phật tử thập phương đến hành hương, cầu an trước Linh Sơn Thánh Mẫu.
Tại Tây Ninh, những năm gần đây, nhiều cơ sở tín ngưỡng tâm linh được trùng tu, xây dựng khang trang như chùa Bà (tọa lạc tại lưng chừng núi Bà Đen, thành phố Tây Ninh), chùa Thiền Lâm (thị xã Hòa Thành), Tòa thánh Cao Đài, miếu Bà Chúa xứ Nguyên Nhung (huyện Châu Thành)… và được du khách lựa chọn tham quan, hành hương vào dịp đầu xuân.
Tại núi Bà Đen, trong những ngày đầu năm mới, đông đảo người dân địa phương và du khách, phật tử thập phương đến hành hương, cầu an trước Linh Sơn Thánh Mẫu. “Tôi thường xuyên đến chùa để cầu nguyện, đặc biệt là mỗi dịp lễ, tết. Giữa không gian tĩnh lặng, trang nghiêm, tiếng chuông chùa vang lên cùng với hương trầm thoang thoảng khiến cho tâm hồn thư thái”- cô Nguyễn Thị Nga, ngụ huyện Tân Biên chia sẻ.
Anh Trần Văn Tấn, du khách đến từ tỉnh Cà Mau, đã vượt hàng trăm cây số đến Tây Ninh. Anh cho biết: “Tôi nghe nhắc đến núi Bà Đen đã lâu, hôm nay mới có dịp đến tham quan, cảnh núi non nơi đây hùng vĩ, không khí tết rất nhộn nhịp, đông vui. Tôi cùng gia đình đến viếng chùa Bà, hy vọng mọi người được khỏe mạnh, thượng lộ bình an”.
Nhắc đến địa điểm được đông đảo du khách đến tham quan dịp đầu năm mới không thể không kể đến Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh. Từ đầu năm mới đến nay, Tòa thánh Cao Đài đón hàng ngàn lượt khách đến tham quan, cúng viếng. Cô Vũ Thị Yên- du khách đến từ thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh cho biết, đây là lần đầu tiên đến tham quan núi Bà Đen và Tòa thánh Cao Đài.
Tham quan công trình tôn giáo này, cô rất ấn tượng trước kiến trúc độc đáo, khuôn viên rộng rãi, không khí trang nghiêm. Hằng năm, cô đều đi lễ chùa ở nhiều nơi trên cả nước để cầu bình an, sức khỏe, gia đình hạnh phúc, kết hợp tham quan, du lịch.
Những năm trở lại đây, chùa Thiền Lâm được trùng tu, nhiều công trình Phật giáo được xây mới, thu hút khách thập phương đến viếng lễ hằng năm.
Chị Thùy Vân, ngụ huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh cho biết, dịp này về quê ăn tết, cả nhà chị tranh thủ đi lễ Phật trước khi đi thăm họ hàng. “Năm nào tôi cũng đi chùa lễ Phật ngày đầu năm. Về nơi cửa Phật, giữa không gian thanh tịnh, lòng mình trở nên thanh thản. Tôi cầu mong gia đình mình một năm mới an khang, thịnh vượng”- chị Vân chia sẻ.
“Phong tục của người Việt mình, mùng Một tết thường đi viếng chùa, mùng Hai đi thăm bà con, mùng Ba đưa ông bà rồi đi tết thầy cô, hoặc đi lễ chùa lạy Phật; đi chùa dịp đầu năm để cầu bình an, cầu sức khỏe, từ ngày 28 đến mùng Ba tết, chùa nào cũng đông người đến viếng”- cô Võ Thị Bạch Tuyết, ngụ huyện Châu Thành chia sẻ.
Không chỉ những người lớn tuổi, rất nhiều bạn trẻ cũng đi chùa đầu năm. Các bạn đến chùa cầu nguyện những điều tốt đẹp cho bản thân, gia đình và thưởng lãm cảnh đẹp, nét thanh tịnh chốn linh thiêng trong tiết xuân và hiểu hơn về truyền thống văn hóa của dân tộc.
Theo ghi nhận, ở chùa Bà, chùa Thiền Lâm (Gò Kén), Tòa thánh Cao Đài… các tín đồ và du khách vãng cảnh đều hành xử rất văn minh, lịch sự; trang phục đẹp, kín đáo; đi đứng, nói chuyện nhẹ nhàng, vui vẻ; không có các hành vi gây phản cảm như chen lấn, xô đẩy hoặc bẻ cành, lá.
Phong tục đi lễ chùa không chỉ giúp người dân Việt Nam giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, ghi nhớ công ơn ông bà tổ tiên mà còn hướng con người tới chân - thiện - mỹ. Cùng với bề dày lịch sử, văn hóa dân tộc; nhiều cơ sở tín ngưỡng tâm linh nổi tiếng và sự đa dạng về tôn giáo, tỉnh Tây Ninh đang là địa điểm du lịch tâm linh được nhiều du khách lựa chọn trong các dịp lễ, tết.