Bí ẩn ngôi chùa Hà Nội có lịch sử 1.800 năm, sở hữu 2 'toàn thân xá lợi'

Tới nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra câu trả lời vì sao toàn thân xá lợi của hai vị thiền sư ở chùa Đậu (Hà Nội) bất hoại dù không sử dụng bất cứ loại chất ướp xác nào.

Chùa Đậu tọa lạc trên một gò đất cao giữa cánh đồng làng Gia Phúc (xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín), cách trung tâm Hà Nội khoảng 25km. Ngôi chùa cổ tĩnh mịch nằm dưới bóng cây cổ thụ, xung quanh là hồ nước trong xanh.

Mùa hè, hoa sen nở rực rỡ khắp hồ, hương thơm dịu nhẹ lan tỏa trong không gian, khiến du khách và phật tử tới chùa thấy bình yên khó tả. Những thời điểm khác trong năm, sân - vườn chùa thoang thoảng hương hoa lan, hoa đại…

Đáng chú ý, ngôi chùa có hai pho tượng nhục thân của hai vị thiền sư, được Nhà nước công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2016. Hai pho tượng nhục thân, cho tới nay, vẫn được xem là "bí ẩn chưa thể giải mã".

Chùa Đậu có địa thế đẹp, bao quanh là hồ nước trong xanh

Chùa Đậu có địa thế đẹp, bao quanh là hồ nước trong xanh

Ngôi chùa có 5 tên gọi

Đại đức Thích Quang Minh, trụ trì chùa từ năm 2019 tới nay, cho biết tên ban đầu của chùa là Thành Đạo Tự. Theo cuốn sách cổ bằng đồng lưu giữ ở đây, chùa được khởi công xây dựng từ thế kỷ thứ 3, cách đây khoảng 1.800 năm.

Sau khi chùa rước Đại thánh Bồ tát Pháp Vũ (vị nữ thần cai quản mưa) về thờ thì được gọi là Pháp Vũ Tự.

Thời xưa, ngôi chùa chỉ dành cho các vị vua chúa, quan lại tới lễ Phật, người dân chỉ được vào khi có lễ hội nên dân gian gọi là chùa Vua. Còn có người gọi đây là chùa Bà bởi Bồ tát Pháp Vũ hiện thân là nữ.

Tượng Đại thánh Bồ tát Pháp Vũ tại tòa tam bảo

Tượng Đại thánh Bồ tát Pháp Vũ tại tòa tam bảo

Sau này, nhiều bậc chí sỹ tới đây cầu thi đậu khoa bảng, công thành danh toại, người dân cầu được mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu nên ngôi chùa trở thành điểm linh thiêng nổi tiếng. Chùa được dân gian gọi với tên khác là chùa Đậu.

Tới ngày nay, chùa Đậu vẫn là nơi các sỹ tử tìm tới để cầu mong kết quả thi cử tốt đẹp, đỗ đạt vào những ngôi trường mơ ước.

Các sỹ tử đến chùa cầu mong thi cử đỗ đạt, may mắn

Các sỹ tử đến chùa cầu mong thi cử đỗ đạt, may mắn

Theo văn bia tu tạo dựng năm Dương Hòa đời thứ 5 còn lưu giữ tại chùa, ngôi chùa được tôn tạo, trùng tu lớn vào thời Lý (thế kỷ 11).

Tới thế kỷ 17, chùa được vua Lê Thần Tông, chúa Trịnh Tráng và hàng loạt cung tần, vương thân trong phủ chúa công đức tái thiết, trùng tu. Bởi vậy ngôi chùa có quy mô rất lớn. Vua Lê Thần Tông sắc phong chùa là "An Nam đệ nhất danh lam", tức ngôi chùa có cảnh quan đẹp nhất trời Nam.

Chùa Đậu từng được ban sắc phong là "An Nam đệ nhất danh lam"

'Đệ nhất danh lam' một thời

Đại đức Thích Quang Minh cho biết, trải qua hàng trăm năm, với những thăng trầm của lịch sử, ngày nay toàn bộ di tích lõi của chùa Đậu còn tương đối nguyên vẹn so với thời kỳ được phong là Đệ nhất danh lam thời Hậu Lê - Lê Trung Hưng.

Riêng có tòa tam bảo bị cháy rụi vào năm 1947. "Theo kể lại, tòa tam bảo của chùa cháy suốt 7 ngày 7 đêm. Tuy nhiên, với kiến trúc nội công ngoại quốc, các gian khác trong chùa không bị ảnh hưởng.

Tới năm 2010, tòa tam bảo được phục dựng. Tuy diện tích nhỏ hơn trước nhưng từ gạch, ngói, hoa văn trang trí trên các trụ cột đều được tái hiện rất chi tiết, kỳ công", Đại đức Thích Quang Minh cho biết.

Tòa tam bảo được phục dựng vào năm 2010 rất công phu để tái hiện được nghệ thuật kiến trúc thời Hậu Lê - Lê Trung Hưng

Tòa tam bảo được phục dựng vào năm 2010 rất công phu để tái hiện được nghệ thuật kiến trúc thời Hậu Lê - Lê Trung Hưng

Chùa Đậu không chỉ hấp dẫn du khách tới chiêm ngưỡng mà còn thu hút nhiều nhà khoa học tới nghiên cứu lịch sử, văn hóa. Chùa có nhiều hạng mục chính như cổng tam quan, tòa tam bảo, tiền đường, nhà tổ, hành lang thờ 18 vị La Hán....

Cổng tam quan tại chùa Đậu được xây dựng với cấu trúc 2 tầng 8 mái. Mái lợp được làm bằng ngói vảy cá đỏ và các góc mái được chạm khắc theo hình đầu đao cong vút.

Tầng trên treo một quả chuông đồng đã hàng trăm năm. Hàng ngày, các nhà sư leo qua cầu thang gỗ bạc màu để lên đánh chuông vào 4h30 và 16h30.

Tam quan với chuông đồng, các chi tiết khắc rồng trên gỗ tinh xảo từ hàng trăm năm trước

Tam quan với chuông đồng, các chi tiết khắc rồng trên gỗ tinh xảo từ hàng trăm năm trước

Qua cổng tam quan là khoảng sân rộng, dẫn tới tiền đường gồm 5 gian, 2 chái. Dẫn lên tòa tiền đường gồm có 3 lối, trong đó lối lên chính vẫn còn lưu giữ hai thành bậc được chạm khắc hình rồng tinh xảo, có từ thời Trần (thế kỷ 13-14).

Từ xưa, tiền đường chỉ mở khi có vua chúa, quan lại tới lễ Phật. Ngày nay, vào dịp lễ hội (8-10 tháng Giêng âm lịch), nhà chùa mở cửa tiền đường để du khách qua lại. Ngày thường, các nhà sư, phật tử sẽ đi cửa khác để vào tam bảo.

Nối liền với tiền đường là hai dãy nhà tả vu và hữu vu, kết lại là dãy nhà tổ tạo thành hình chữ "Khẩu", bên trong bao lấy tòa tam bảo. Tam bảo được xây dựng theo hình chữ "Công", thờ chư Phật và Bồ tát Pháp Vũ theo lối "Tiền Phật, hậu thánh".

Nối liền với tiền đường là hai dãy nhà tả vu và hữu vu, kết lại là dãy nhà tổ tạo thành hình chữ "Khẩu", bên trong bao lấy tòa tam bảo

Nối liền với tiền đường là hai dãy nhà tả vu và hữu vu, kết lại là dãy nhà tổ tạo thành hình chữ "Khẩu", bên trong bao lấy tòa tam bảo

Một điều đặc biệt là, chùa có 2 tòa tam bảo. Ở phía bên trái của chùa có một tòa tam bảo nhỏ, trước đây là nơi đón người dân tới lễ bái. Tam bảo nhỏ nằm khuất sau chùa Vua, nối với chùa Vua bằng một cây cầu đá nhỏ.

Bao quanh tam bảo nhỏ là những cây cổ thụ lớn, tỏa bóng mát. Bên trong có một pho tượng đá rất đặc biệt - tượng Quan Âm Lục Chi (6 tay) bằng đá xanh.

Tam bảo nhỏ, nơi trước đây người dân lễ Phật

Tam bảo nhỏ, nơi trước đây người dân lễ Phật

Bên trong tam bảo nhỏ có thờ Phật và Quan Âm Lục Chi

Bên trong tam bảo nhỏ có thờ Phật và Quan Âm Lục Chi

"Ngoài tam bảo từng bị đốt cháy, những khu vực khác của chùa gần như vẫn được giữ nguyên vẹn, chỉ sửa chữa, trùng tu những hạng mục xuống cấp nghiêm trọng. Chùa được làm từ gỗ lim, nhiều cột kèo đã 600-700 năm vẫn vững chãi, không mối mọt”, trụ trì ngôi chùa cho hay.

18 bức tượng La Hán đều có từ xa xưa, càng thờ càng bóng đẹp

18 bức tượng La Hán đều có từ xa xưa, càng thờ càng bóng đẹp

Với bề dày lịch sử, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, chùa Đậu đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử, nghệ thuật loại A từ năm 1964.

Hiện, trong chùa còn lưu giữ khá nhiều cổ vật quý như 6 bia đá có từ khoảng thế kỷ 16; chiếc khánh đồng đúc năm 1774; hai tấm biển gỗ sơn son thếp vàng khắc bài thơ nôm của chúa Trịnh Căn (1682-1709) và chúa Trịnh Cương (1709-1729).

Ngoài ra, chùa còn lưu giữ cuốn sử bằng đồng, được công nhận Kỷ lục quốc gia về cuốn sử chùa bằng đồng có nhiều trang và cổ nhất Việt Nam.

Đại đức Thích Quang Minh, trụ trì chùa Đậu bên tấm bia cổ từ thế kỷ 17

Đại đức Thích Quang Minh, trụ trì chùa Đậu bên tấm bia cổ từ thế kỷ 17

Bí ẩn về toàn thân xá lợi của hai vị thiền sư

Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, đến nay ghi nhận có 4 nhục thân (thân xác bằng thịt vẫn còn nguyên vẹn hay còn gọi là toàn thân xá lợi, nhục thân Bồ Tát) của các vị thiền sư. Trong đó tại chùa Đậu còn đang lưu giữ được 2 nhục thân của thiền sư Vũ Khắc Minh và thiền sư Vũ Khắc Trường, 2 vị trụ trì của chùa vào thế kỷ 17.

Theo thông tin ghi trên bia đá ở hành lang chùa Đậu, thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường là thầy - trò và cũng là hai thành viên dòng họ Vũ Khắc (có thông tin nói hai thiền sư là chú cháu).

Thiền sư Vũ Khắc Minh nhập thất rồi viên tịch năm 1639. Dân gian truyền rằng, trước khi nhập thất, ông nói với các đệ tử: "Mang cho ta một chum nước uống và một chum dầu để thắp. Khi nào thấy dứt tiếng mõ hãy mở cửa am ra. Nếu thi thể của ta đã hỏng thì dùng đất lấp am đi, còn ngược lại thì dùng sơn ta bả lên thi thể…”.

Nhục thân của thiền sư Vũ Khắc Minh đặt tại nhà tổ chùa Đậu hiện nay

Nhục thân của thiền sư Vũ Khắc Minh đặt tại nhà tổ chùa Đậu hiện nay

Sau khi thiền sư Vũ Khắc Minh viên tịch, thiền sư Vũ Khắc Trường trụ trì chùa Đậu một thời gian rồi 10 năm sau cũng nhập thất và viên tịch.

Trải qua gần 400 năm, toàn thân xá lợi của thiền sư Vũ Khắc Minh và thiền sư Vũ Khắc Trường tại chùa Đậu vẫn còn nguyên vẹn

Trải qua gần 400 năm, toàn thân xá lợi của thiền sư Vũ Khắc Minh và thiền sư Vũ Khắc Trường tại chùa Đậu vẫn còn nguyên vẹn

Tới nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra câu trả lời vì sao nhục thân của hai vị thiền sư bất hoại dù không sử dụng bất cứ loại chất ướp xác nào.

"Theo khoa học, muốn ướp xác phải thỏa mãn đồng thời 3 điều kiện: Phải có thuốc; phải hút bỏ nội tạng, ruột, óc; phải để xác trong môi trường chân không.

Thế nhưng, năm 1983, các nhà khoa học xin rước hai thiền sư qua bệnh viện Bạch Mai để chụp X-quang và kết luận rằng, trên nhục thân không có vết đục đẽo, không có hiện tượng hút ruột, hút óc, các khớp xương dính chặt nhau ở thể tự nhiên.

Do bộ não của các ngài vẫn ở bên trong hộp sọ nên khoa học khẳng định đây không phải thuật ướp xác", Đại đức Thích Quang Minh cho biết.

"Tương truyền, hai ngài nhập thất 100 ngày và xây kín cửa thất lại, suốt thời gian đó không ăn uống gì nên các chất hữu cơ trong cơ thể tiêu dần, chỉ còn da bọc xương. Đây hoàn toàn là thể tự nhiên của hai người tu đắc đạo.

Nhục thân của ngài sau khi viên tịch chỉ còn 7kg. Qua phim X-quang có thể thấy một vùng ở đáy bụng vón lại. Các nhà khoa học khẳng định đó chính là nội tạng của ngài. Ở tư thế ngồi thiền, nội tạng khô và rụng xuống, vẫn còn nguyên ở bên trong cơ thể", Đại đức Thích Quang Minh nói thêm.

Nhục thân của thiền sư Vũ Khắc Trường

Nhục thân của thiền sư Vũ Khắc Trường

Từ thế kỷ 17 đến năm 1983, nhục thân của hai thiền sư vẫn ngồi trong am thiền ở môi trường bình thường.

"Hiện am thiền của thiền sư Vũ Khắc Minh vẫn còn nguyên vẹn. Am nằm dưới một cây đại cổ thụ rất lớn, luôn mát mẻ, thanh tịnh. Trong khi am của thiền sư Vũ Khắc Trường đã dựng lại cách đây nhiều năm, sau một trận lụt lớn, khiến nhục thân ngài bị trôi theo dòng nước, am hư hỏng", Đại đức Thích Quang Minh nói.

Am thiền từ thế kỷ 17 của thiền sư Vũ Khắc Minh

Am thiền từ thế kỷ 17 của thiền sư Vũ Khắc Minh

Hiện trong am có một bức tượng mô phỏng nhục thân của thiền sư

Hiện trong am có một bức tượng mô phỏng nhục thân của thiền sư

Năm 1983, sau khi được các nhà khoa học đưa đi kiểm tra, hai nhục thân được phủ một lớp sơn ta lên da dày 0,03mm và nhà chùa rước hai nhục thân vào nhà thờ tổ như hiện nay.

Năm 2003, nhục thân của hai thiền sư được các chuyên gia tu bổ, gia cố nhẹ bằng sơn ta lần nữa và đưa vào bảo quản trong tủ kính bơm khí nitơ.

"Cách đây vài năm, tôi thấy trong tủ kính có xác ruồi, ong chết. Mùa nồm, tủ kính cũng bị mờ hơi nước. Tôi đoán rằng, có thể phần khí nitơ đã không còn. Tôi đang mong mỏi các nhà khoa học và cơ quan chức năng nghiên cứu, có thể đưa nhục thân ra môi trường tự nhiên như trước đây.

Suốt mấy trăm năm, xá lợi toàn thân của hai ngài vẫn nguyên vẹn trong môi trường tự nhiên mà không cần phương pháp bảo quản nào đặc biệt", trụ trì chùa nói.

Am thiền của thiền sư Vũ Khắc Trường

Am thiền của thiền sư Vũ Khắc Trường

Tháng 4/2025, tại hội thảo khoa học "Chùa Đậu (Thành Đạo tự) và dấu ấn hai vị thiền sư họ Vũ trong dòng chảy lịch sử văn hóa dân tộc", GS.TS Nguyễn Văn Kim cho biết, các chuyên gia đề xuất, kiến nghị cơ quan quản lý văn hóa cần gia tăng các biện pháp bảo tồn và bảo vệ nhục thân của hai vị thiền sư.

"Có người đề xuất 5 năm nên khảo sát và đánh giá tổng thể về nhục thân của hai vị. Nhưng tôi nghĩ trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn ra vô cùng mạnh mẽ như hiện nay, có thể khoảng 3-5 năm nên có một cuộc khảo sát, đánh giá tổng thể", GS.TS Nguyễn Văn Kim đưa ý kiến.

Ngôi chùa cổ kính, linh thiêng thu hút du khách và phật tử tới chiêm bái

Ngôi chùa cổ kính, linh thiêng thu hút du khách và phật tử tới chiêm bái

Linh Trang

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bi-an-ngoi-chua-ha-noi-co-lich-su-1-800-nam-so-huu-2-toan-than-xa-loi-2396049.html
Zalo