Về Tân Bửu hôm nay

Từng là vùng đất in đậm dấu tích chiến tranh, sau nhiều năm nỗ lực xây dựng, xã Tân Bửu (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) hôm nay 'khoác' lên mình diện mạo mới. Đời sống người dân ngày càng được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần, thể hiện rõ nét sự đổi thay của một vùng quê anh hùng.

Đoàn Thanh niên xã Tân Bửu (huyện Bến Lức) thường xuyên tổ chức dọn vệ sinh tại Bia chứng tích tội ác chiến tranh tại ấp 6 nhằm nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ

Đoàn Thanh niên xã Tân Bửu (huyện Bến Lức) thường xuyên tổ chức dọn vệ sinh tại Bia chứng tích tội ác chiến tranh tại ấp 6 nhằm nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ

Anh dũng thời chiến

Xã Tân Bửu có bề dày truyền thống lịch sử. Trong 2 cuộc kháng chiến, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ xã, nhân dân Tân Bửu chiến đấu anh dũng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ với nhiều mất mát và hy sinh, giành được những thắng lợi to lớn, góp phần vào công cuộc giải phóng đất nước, giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Tân Bửu là địa bàn chiến lược của huyện Bến Lức nằm sát căn cứ Vườn Thơm - Bà Vụ. Nơi đây là địa bàn trọng điểm của các chính sách “tố cộng”, “diệt cộng”, “bình định”, “tìm diệt” mà đế quốc Mỹ và chính quyền ngụy ráo riết triển khai. Từ chiến tranh đơn phương, “chiến tranh đặc biệt”, “chiến tranh cục bộ” đến “Việt Nam hóa chiến tranh”, đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai đã dùng nhiều thủ đoạn nhằm đánh phá, khủng bố bằng được phong trào cách mạng ở đây.

Trên địa bàn xã ngày nay vẫn còn nhiều địa điểm ghi dấu những ngày tháng gian lao, anh dũng ấy của quân và dân Tân Bửu. Trong đó, phải kể đến gốc cây me di sản ngay Bia chứng tích tội ác chiến tranh của Mỹ - ngụy tại ấp 6. Tại đây, năm 1964, kẻ thù dùng trực thăng, phi pháo thảm sát 35 đồng bào vô tội của ta, trong đó có nhiều trẻ em.

Dưới cội me cổ thụ ấy, các cán bộ cách mạng ta thường xuyên lui tới, chọn khu vực này làm căn cứ. Nguyên Bí thư Tỉnh ủy - Phạm Thanh Phong từng kể, khoảng năm 1972, Văn phòng Huyện ủy, Huyện Đội Bến Lức đóng tại khu vực xung quanh gốc me cổ thụ và cây me trở thành “vọng gác” của cán bộ, chiến sĩ ta.

Ngày 26/4/1975, các cánh quân của ta từ năm hướng tiến vào Sài Gòn (nay là TP.HCM). Đêm 29/4/1975, du kích Tân Bửu phát loa kêu gọi những binh lính còn lại trong đồn ra hàng để được hưởng chính sách khoan hồng của cách mạng. Đến sáng ngày 30/4/1975, bọn địch ở các bót không chịu nổi sự vây hãm đã tìm cách co cụm về đồn Tân Bửu. Sau khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, nhân dân đã nổi dậy bức hàng đồn địch cuối cùng ở Tân Bửu, giải phóng quê hương.

Với những đóng góp của Tân Bửu vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng và Nhà nước ta đã tặng thưởng Tân Bửu nhiều phần thưởng cao quý: Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, 1 Huân chương Thành đồng Tổ quốc, 2 Huân chương Giải phóng hạng Nhất, 3 Huân chương Giải phóng hạng Nhì, 1 Huân chương Giải phóng hạng Ba,...

Đổi mới trên quê hương anh hùng

Được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào năm 2020, những năm qua, xã Tân Bửu đã và đang triển khai, thực hiện nhiều phần việc mang tính đột phá góp phần giữ vững, nâng chất các tiêu chí đã đạt, phấn đấu “về đích” NTM nâng cao trong thời gian sớm nhất. Chủ tịch UBND xã Tân Bửu - Phạm Thị Trà My cho biết: “Xây dựng NTM là chủ trương lớn, sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị.

Thực hiện theo Nghị quyết Đảng ủy và HĐND xã, UBND xã tiếp tục giữ vững các tiêu chí đã đạt theo Bộ tiêu chí NTM và nâng chất lượng các tiêu chí đã đạt. Hiện nay, xã đạt 14/19 tiêu chí”. Đến cuối năm 2024, diện tích trồng lúa trên địa bàn xã đạt hơn 1.100ha với năng suất bình quân 5-5,2 tấn/ha. Bên cạnh cây lúa truyền thống, nông dân còn mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, mang lại nguồn thu nhập tốt. Chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển ổn định. Tổng đàn gia súc, gia cầm toàn xã đạt hơn 25.000 con. Xã chủ động phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, không để phát sinh ổ dịch lớn.

Đường sá tại xã Tân Bửu (huyện Bến Lức) ngày càng được nâng cấp, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày một nâng cao

Đường sá tại xã Tân Bửu (huyện Bến Lức) ngày càng được nâng cấp, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày một nâng cao

Công tác giáo dục tiếp tục duy trì chất lượng, bảo đảm phổ cập giáo dục đúng độ tuổi; chăm sóc sức khỏe nhân dân được đẩy mạnh, nhất là trong phòng, chống dịch bệnh.

Không chỉ phát triển kinh tế, Tân Bửu còn chú trọng đến các hoạt động an sinh xã hội. Năm 2024, xã vận động sửa chữa 1 căn nhà tình nghĩa và xây mới 1 căn nhà tình thương; trao tặng hàng trăm phần quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo.

Vừa qua, xã hoàn thành sửa chữa 2 căn nhà tình thương cho 2 hộ gia đình gặp khó khăn về nhà ở, trong đó có hộ bà Nguyễn Thị Lời (ấp 5, xã Tân Bửu). Với sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương và sự chung tay của cộng đồng, căn nhà của bà được vận động sửa chữa khang trang hơn, giúp mẹ con bà Lời có chỗ ở an toàn, ổn định hơn trước.

Tân Bửu hôm nay từng bước “thay da, đổi thịt”; hệ thống điện, đường, trường, trạm từng bước hoàn thiện; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày một nâng cao, không ai bị bỏ lại phía sau.

Bí thư Chi bộ ấp 5, xã Tân Bửu - Phạm Hồng Lĩnh cho biết: “Sau chiến tranh, Tân Bửu từng chịu nhiều mất mát, tổn thất nặng nề, từ con người đến cơ sở vật chất đều gần như kiệt quệ. Nhưng nhờ sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước và nỗ lực vươn lên của nhân dân, Tân Bửu từng bước “hồi sinh” mạnh mẽ. Những con đường bêtông thẳng tắp, những ngôi trường khang trang mọc lên trên mảnh đất từng đầy vết bom đạn chính là minh chứng sống động cho sự đổi mới”./.

Khánh Duy - Thu Thảo

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/ve-tan-buu-hom-nay-a194704.html
Zalo