Đôi vợ chồng già trên bến Ô Lâu
Bến đò Eo trên dòng Ô Lâu là nơi nối giữa thôn Câu Hạ (xã Hải Phong, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) với phường Phong Hòa (thị xã Phong Điền, thành phố Huế). Từ đường Quốc lộ 1A, ngã ba Mỹ Chánh đi về, men sông Ô Lâu, dọc theo phường Phong Hòa và xã Phong Bình (thị xã Phong Điền) dài hơn 10km chỉ có một cây cầu duy nhất bắc qua sông, sang bờ bên a là Quảng Trị. Vì thế, bến đò Eo trở thành 'cây cầu nổi' cho người dân ở 2 bờ sông qua lại hàng ngày.

Bà Võ Thị Lởi gắn bó với nghề đưa đò suốt 15 năm
Miệt mài 15 năm nay, vợ chồng ông Phan Huấn (64 tuổi) và bà Võ Thị Lởi (67 tuổi) lặng lẽ đưa khách sang sông nơi bến đò Eo trên dòng Ô Lâu thơ mộng. Đây vừa là công việc mưu sinh và hơn cả là tình yêu nghề, nhớ tiếng gọi đò nên không nỡ rời xa.
Ông Bùi Quốc Hiệu, người ở gần bến đò Eo, bảo: “May mà có vợ chồng ông Huấn”. Trừ những ngày bão lũ, nước sông dâng cao, còn lại đều đặn từ 6 giờ đến 18 giờ, ông bà luân phiên nhau hoặc chồng, hoặc vợ có mặt trên bến sông này. Bà Lởi kể: “Đông nhất vào các thời điểm từ 6 giờ 30 và 11 giờ 30, học sinh qua đò để đến trường và tan trường. Vì thế, dù có bận việc, hay ốm đau vợ chồng tui cũng phải thay phiên nhau có mặt đúng giờ. Tui mà đến muộn thì tội cho các cháu vì trễ học”.
Ngôi nhà nhỏ của vợ chồng ông Huấn ở xóm Quý, cách bến đò gần 1km. Để tiện chở khách, ông bà dựng lán nhỏ dưới gốc cây cổ thụ ở cạnh bến sông. Mỗi lần vắng khách, ông bà chèo đò vào cái chòi nhỏ để nghỉ ngơi. Trong câu chuyện với bà Lởi, tôi thấm được công việc “làm dâu trăm họ” của vợ chồng bà. Bà Lởi nói: “Có những khách khó tính, gọi hai, ba tiếng mình chưa xuống đò kịp là họ bực bội. Mà vợ chồng tui cũng cố gắng không để khách chờ lâu, họ trễ công việc cũng tội”.
Để tìm lại cảm giác chòng chành và ngắm nhìn sông nước, tôi theo chân những người khách xuống đò để qua bờ bên kia. Gió mát rượi, đôi bờ xanh mướt cỏ cây, nước Ô Lâu trong xanh, êm ả, bình yên. 15 năm gắn bó bến đò Eo, bà Lởi đưa hàng ngàn lượt khách qua lại. Trên con đò ấy, bà nghe biết bao nhiêu câu chuyện buồn vui của bà con khi qua đò. Vì thế, với đôi vợ chồng già trên bến sông quê thì tiếng gọi “đò ơi”, tiếng chào, tiếng hỏi, lời trò chuyện của khách qua sông đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống.
Ông Bùi Văn Linh, Trưởng thôn Câu Hà cho biết: “Mỗi năm gia đình ông Huấn được hợp tác xã nông nghiệp của thôn trả công lao động bằng 3 tấn lúa, chia làm 2 đợt. Nghĩa là cứ mỗi vụ lúa thu hoạch 6 tháng thì gia đình ông Huấn được nhận 1,5 tấn. Đảm nhận công việc này, vợ chồng ông Huấn đã thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm cao”. Với những khách lạ thì tùy lòng hảo tâm, cứ mỗi lần qua đò, khách trả 2.000 đồng ông bà đều vui vẻ kèm theo lời cảm ơn chân tình.
Bà Lởi sức khỏe yếu, hay ốm đau khi trái gió trở trời. Gia đình ông Huấn thuộc diện hộ nghèo. Ngôi nhà cấp 4 đơn sơ được chính quyền xây dựng vẫn chưa có tiền để tô quét. Vợ chồng ông có 3 người con, 2 cô con gái theo chồng vào Nam sinh sống, người con trai cũng đã có gia đình đang ở riêng. Các con nghề nghiệp bấp bênh. Đôi vợ chồng già sống với nhau, nguồn thu nhập chính là tiền công từ những khách ngoài địa phương qua sông, cộng với số lúa được thôn trả từng vụ. Để có thêm thu nhập, những ngày bà Lởi chèo đò thì ông Huấn lại tranh thủ đi đúc bờ lô thuê cho các hộ ở địa phương.
Suốt ngày dài lênh đênh trên sông nước, vợ chồng ông Huấn trên bến đò Eo có không ít lần đối mặt với nguy hiểm. Để bảo đảm an toàn cho chuyến đò ngang, nhiều năm nay, thôn đã trang bị mấy cái áo phao, dây đặt trên đò. Khách nào lên đò muốn mặc thì cứ khoác vào. Còn lại, chủ yếu để sẵn lỡ đò có gặp sự cố gì thì khách sử dụng. Được biết, hơn 15 năm lái đò trên dòng Ô Lâu, những chuyến đò ngang xuôi ngược qua về của vợ chồng ống Huấn, bà Lởi đểu bình an vô sự, khách cập bến an toàn.
Thật thà, chân chất, hình ảnh đôi vợ chồng già bên bến đò Eo được bà con và nhiều khách qua sông quý mến. Chị Kim Lộc ở phường Phong Hòa nhiều lần đi đò của vợ chồng ông Huấn, bà Lởi chia sẻ: “Hai vợ chồng ông bà rất hiền lành và phục vụ khách nhiệt tình. Thời buổi này, tìm được người gắn bó với nghề này suốt 15 năm dài như ông Huấn, bà Lởi là một điều khó”.