Giữ gìn bản sắc làng nghề truyền thống
Thực hiện chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, trên cơ sở tâm tư, nguyện vọng của người dân tại các xã sau sáp nhập, đặc biệt đối với các địa phương có làng nghề truyền thống, việc đặt tên gọi mới cho địa phương đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với lịch sử, văn hóa, không làm mất đi nét đặc trưng của các làng nghề truyền thống, không ảnh hưởng đến việc quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, mở ra cơ hội mở rộng quy mô làng nghề, tạo thêm việc làm cho lao động và nâng tầm vị thế, thương hiệu của các sản phẩm làng nghề.

Mô hình nuôi rắn hổ mang sinh sản của anh Hạ Văn Trị, thị trấn Thổ Tang (Vĩnh Tường) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Nguyễn Lượng
Tháng 1/2025, xã An Nhân (Vĩnh Tường) chính thức được thành lập trên cơ sở sáp nhập giữa 2 xã Lý Nhân và An Tường với tổng diện tích tự nhiên 8,3km2, quy mô dân số hơn 17 nghìn người.
Xã An Nhân hiện có 5 làng nghề truyền thống đã được UBND tỉnh công nhận gồm: Làng rèn truyền thống Bàn Mạch, làng mộc truyền thống Vân Giang, làng mộc truyền thống Văn Hà, làng mộc truyền thống Thủ Độ, làng mộc truyền thống Bích Chu. Sau sáp nhập, xã An Nhân có gần 2.000 hộ sản xuất tại làng nghề, tạo việc làm ổn định cho hơn 3.700 lao động địa phương.
Ông Vũ Văn Tân, chủ xưởng rèn có nhiều năm làm nghề rèn tại thôn Bàn Mạch, xã An Nhân cho biết: “Việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã có sự thay đổi nhất định trong đời sống xã hội, tại các địa phương có làng nghề truyền thống, tên gọi mới cho các thôn, xã sau sáp nhập là vấn đề quan tâm của nhiều người dân, bởi tên gọi không chỉ thể hiện lịch sử văn hóa, bản sắc địa phương, còn là sợi dây kết nối con người với quê hương, quảng bá hình ảnh quê hương và các sản phẩm làng nghề.
2 xã Lý Nhân và An Tường vốn có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, lịch sử, lại có các làng nghề truyền thống tương đồng, hỗ trợ nhau, tên xã mới được đặt cũng phù hợp, mỗi xã đều giữ được nét đặc trưng ở tên gọi mới nên tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao của người dân.
Đối với việc gìn giữ, phát triển các làng nghề truyền thống, việc thay đổi tên xã không ảnh hưởng nhiều đến nghề truyền thống, bởi các làng nghề vốn đã có chỗ đứng vững chắc và thị trường tiêu thụ ổn định.
Hơn nữa, việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã giúp các làng nghề có cơ hội mở rộng quy mô, hỗ trợ nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm”.
Với hơn 60% hộ dân trong xã nuôi rắn, được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống, tháng 1/2025, xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường) sáp nhập với thị trấn Thổ Tang (Vĩnh Tường) lấy tên gọi mới là thị trấn Thổ Tang, sau sáp nhập, thị trấn Thổ Tang có diện tích tự nhiên 8,6km2, quy mô dân số gần 25 nghìn người.

Với chất lượng vượt trội, các sản phẩm của làng rèn thôn Bàn Mạch, xã An Nhân (Vĩnh Tường) có thị trường tiêu thụ ổn định. Ảnh: Nguyễn Lượng
Ông Phùng Văn Xuân, hộ chăn nuôi rắn hơn 20 năm tại Tổ dân phố 3, thị trấn Thổ Tang cho biết: “Nghề nuôi rắn ở xã Vĩnh Sơn cũ đã có từ lâu đời, có nét độc đáo riêng mà ít nơi nào có được.
Hiện nay, các sản phẩm làng nghề đã có thương hiệu, thị trường tiêu thụ ổn định, phần lớn sản phẩm từ rắn được xuất khẩu sang Trung Quốc với giá thu mua khoảng 600 nghìn đồng/kg rắn thương phẩm, 50 nghìn đồng một quả trứng rắn, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Sau khi xã Vĩnh Sơn sáp nhập vào thị trấn Thổ Tang, lấy tên là thị trấn Thổ Tang, sản lượng các sản phẩm từ rắn tiêu thụ tại làng nghề không bị ảnh hưởng”.
Trước đó, xã Vĩnh Sơn đã được quy hoạch xây dựng Cụm công nghiệp làng nghề Vĩnh Sơn, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, khuyến khích chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại, đưa nghề nuôi rắn ra khỏi khu dân cư.
Tuy nhiên, do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng nên dự án chưa được triển khai. Với việc sáp nhập 2 địa phương vào một, diện tích tự nhiên tăng lên, tạo dư địa phát triển mới, Ban Thường vụ Đảng ủy thị trấn Thổ Tang đã thành lập 3 tổ tuyên truyền, đối thoại, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án.
Chỉ đạo UBND thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo cụm công nghiệp được xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đáp ứng nhu cầu về mặt bằng sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong khu dân cư.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai Kế hoạch của UBND xã Vĩnh Sơn cũ về chương trình phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ chuyển giao khoa học kỹ thuật hiện đại trong nuôi rắn cho người dân làng nghề, đặc biệt là công nghệ chế biến và đa dạng hóa các sản phẩm chất lượng cao từ rắn hổ mang, đánh giá tác dụng về y dược đối với các sản phẩm từ rắn hổ mang được nuôi tại làng nghề nhằm phát triển thành thương hiệu quốc gia, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Toàn tỉnh hiện có 29 làng nghề, trong đó có 20 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận. Các làng nghề tạo việc làm cho khoảng 55 nghìn lao động khu vực nông thôn.
Việc thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính tại các xã có làng nghề truyền thống không làm mất đi giá trị đặc trưng của làng nghề; cùng với đó, việc mở rộng địa giới, sắp xếp lại đơn vị hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư, mở rộng quy mô và nâng tầm thương hiệu làng nghề truyền thống.