Tư duy đột phá cho siêu đô thị TP.HCM nhìn từ định hướng của Tổng Bí thư Tô Lâm

Một siêu đô thị TP.HCM muốn sánh vai cùng các siêu đô thị khác trên thế giới trước tiên cần được xây dựng bởi một tư duy đột phá, đồng thời được triển khai bằng các giải pháp có tính thông suốt, đồng bộ.

Tại buổi gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu khu vực miền Nam trưa 21-4 tại TP.HCM, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đặt ra một vấn đề rất thời sự, rất đáng suy ngẫm đặt trong bối cảnh TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung đang khẩn trương thực hiện các yêu cầu của việc sáp nhập tỉnh và sắp xếp lại bộ máy hành chính theo mô hình chính quyền hai cấp.

"Quy mô TP.HCM khi đưa lên hỏi, trí tuệ nhân tạo trả lời sau sáp nhập quy mô TP.HCM mới lớn như Thượng Hải của Trung Quốc. Bây giờ chúng ta phải phấn đấu phát triển như Thượng Hải, với quy mô như vậy, tạo ra sự phát triển vượt bậc" - Tổng Bí thư phát biểu, đồng thời nhấn mạnh việc sáp nhập "không chỉ đơn giản 2 + 2 = 4 mà lớn hơn thế".

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Phạm Thị Thanh Xuân, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu công nghệ ngân hàng thuộc Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) nhận định: Vấn đề mấu chốt nhất của TP.HCM sau khi sáp nhập, mở rộng địa giới hành chính, đó là phải mở rộng, đột phá về tư duy trong việc quy hoạch, xây dựng TP bằng những định hướng mới mẻ, tuyệt đối tránh tư duy lối mòn.

So sánh với Thượng Hải, Seoul... là có cơ sở

. Phóng viên: Thưa bà, TP.HCM bước vào kỷ nguyên mới – từ năm 2026 – với một diện mạo rất khác, đáng chú ý nhất là địa phận TP sẽ được mở rộng sau khi sáp nhập hai tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Dương. Tổng Bí thư Tô Lâm mới đây đặt vấn đề quy mô TP.HCM mới sẽ như Thượng Hải (Trung Quốc), làm sao để phát triển ngang bằng. Bà suy nghĩ gì về vấn đề này?

+ PGS-TS Phạm Thị Thanh Xuân: Tôi từng đến Thượng Hải và rất chia sẻ quan điểm rằng TP.HCM hiện tại có nhiều điểm tương đồng và cũng có nhiều tiềm năng tương đồng đến phát triển, sánh vai cùng siêu đô thị này của Trung Quốc.

Ví dụ, với du khách, Thượng Hải có những show diễn “độc nhất vô nhị” mà du khách buộc phải đến tận nơi để trải nghiệm, đây chính là dạng dịch vụ mà thế giới phải nhập khẩu, không thể thay thế bằng bất kỳ hình thức trực tuyến nào. TP.HCM hoàn toàn có tiềm năng để làm được điều tương tự, thậm chí là làm khác biệt, mang đậm bản sắc văn hóa Việt, với chiến lược đầu tư bài bản và dài hơi. Chúng ta còn phải chủ động tạo ra những trải nghiệm đặc biệt để thế giới đến với TP.HCM, và “nhập khẩu ngược” dịch vụ từ chính chúng ta.

Tương tự, Thượng Hải sở hữu cảng biển lớn và đông đúc nhất thế giới, cảng nước sâu Dương Sơn, cùng với sân bay quốc tế Phố Đông hiện đại, đóng vai trò trung chuyển chiến lược cho cả khu vực châu Á. TP.HCM cũng đang nắm trong tay những điều kiện tương đồng: hai cảng biển lớn, cùng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, và đặc biệt là tiềm năng kết nối và khai thác song hành với sân bay quốc tế Long Thành trong tương lai gần.

Dư địa phát triển của TP.HCM vẫn còn rất lớn, không chỉ trong việc nâng cấp hạ tầng để đáp ứng các dòng dịch vụ quốc tế, mà còn để xuất khẩu ngược lại những dịch vụ do chính TP.HCM thiết kế, xây dựng và làm chủ: từ trung tâm trung chuyển hàng không, đến các loại hình dịch vụ sáng tạo.

Như vậy, nếu so sánh hay kỳ vọng TP.HCM với các siêu đô thị có tuổi đời hàng trăm năm ở Phương Tây thì vẫn sẽ có nhiều thách thức lớn, đòi hỏi những chiến lược đột phá mang tính rất dài hơi. Tuy nhiên, nếu nói rằng Việt Nam có một siêu đô thị, mà ở đây là TP.HCM sau khi mở rộng, không thua gì Thượng Hải của Trung Quốc, không kém gì Seoul của Hàn Quốc hay Dubai của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), thì điều đó hoàn toàn có cơ sở và khả dĩ.

Dù rằng để làm được điều ấy, Việt Nam cần thời gian và những đột phá về tư duy phát triển, bởi trên thực tế để kéo cả một đất nước đi lên cùng lúc là bài toán khó. Chúng ta không thiếu tài năng, không thiếu sáng tạo, chỉ thiếu là một hệ kết cấu đủ thông minh và cởi mở để mọi nguồn lực được huy động, đi đúng hướng.

 PGS-TS Phạm Thị Thanh Xuân, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu công nghệ ngân hàng thuộc Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM). Ảnh: HOÀNG GIANG

PGS-TS Phạm Thị Thanh Xuân, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu công nghệ ngân hàng thuộc Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM). Ảnh: HOÀNG GIANG

… định hướng “siêu đô thị”, “vùng đô thị”

. Thưa bà, vì sao việc sáp nhập, mở rộng không gian địa lý của TP.HCM hiện nay rất quan trọng với phát triển kinh tế-xã hội của TP.HCM?

+ Sau 50 năm thống nhất Đất nước, TP.HCM bước vào kỷ nguyên vươn mình với kỳ vọng sẽ thể hiện rõ vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của một “siêu đô thị”, hướng đến năng lực cạnh tranh toàn cầu như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo.

Nhiều năm nay, dù TP.HCM là trung tâm kinh tế-tài chính hàng đầu của cả nước, là nơi diễn ra các hoạt động kinh doanh, đầu tư sôi động nhất cả nước, nhưng cảm giác chung vẫn là “nóng – chật”, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Không gian phát triển các khu dịch vụ chất lượng cao, đổi mới sáng tạo, logistics, công nghiệp, hay nhà ở cho người dân gần như không còn dư địa đáng kể so với những kỳ vọng của chúng ta về vai trò, vị thế TP.HCM đặt trong sự cạnh tranh của khu vực Đông Nam Á và thế giới.

Trong trường hợp TP.HCM, thực tế cho thấy nhu cầu và cả thực tiễn phát triển của TP đã vượt quá “lớp vỏ” về địa giới hành chính hiện tại. Vì vậy, việc sáp nhập các tỉnh, thành và mở rộng địa bàn TP.HCM, theo tôi, là một xu hướng hoàn toàn phù hợp về mặt lý luận lẫn thực tế phát triển, và tôi tin rằng nhiều người – nhất là người dân, DN – đang và sẽ rất phấn khởi vì sẽ được thụ hưởng những giá trị về đô thị tốt hơn.

 Sáp nhập và mở rộng địa giới hành chính TP.HCM là xu hướng phù hợp về mặt lý luận lẫn thực tiễn. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để TP tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế trong sự cạnh tranh của khu vực và thế giới. Ảnh: THUẬN VĂN

Sáp nhập và mở rộng địa giới hành chính TP.HCM là xu hướng phù hợp về mặt lý luận lẫn thực tiễn. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để TP tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế trong sự cạnh tranh của khu vực và thế giới. Ảnh: THUẬN VĂN

Tôi cũng muốn nói thêm về Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu – những địa phương đóng vai trò quan trọng đối với TP.HCM trong thời gian qua. Thực chất, mức tăng trưởng của TP trong nhiều năm qua ở mức cao đều có đóng góp của các địa phương này. Số liệu tăng trưởng GRDP, thuế thu nhập DN, và tiêu dùng của TP.HCM thực tế đã bao hàm một phần giá trị tạo ra tại Bình Dương và Bà Rịa Vũng Tàu.

Ví dụ, nhiều DN, tập đoàn đa quốc gia có trụ sở TP.HCM nhưng hệ sinh thái lao động và nhà xưởng ở hai tỉnh này; hay như nhiều người dân, chuyên gia nước ngoài làm việc ở hai tỉnh này nhưng sống, tiêu dùng dịch vụ (giáo dục, y tế, giải trí…) chủ yếu ở TP.HCM. Chuỗi cung ứng hiện đại không còn phân biệt địa giới hành chính. Như vậy, khi sáp nhập "về chung một nhà", người dân, doanh nghiệp của hai tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương cũng sẽ có cơ hội gia tăng các lợi ích về hệ sinh thái sản xuất, tiêu dùng, không gian phát triển công nghiệp, dịch vụ...

Trong bối cảnh đó, sáp nhập bộ ba hoàn hảo “công nghiệp Bình Dương – Cảng biển Bà Rịa Vũng Tàu – Tài chính, tiêu dùng ở TP.HCM” là xu hướng có lợi cho tất cả ba địa phương nói riêng và TP.HCM mở rộng nói chung.

. TP.HCM hiện đã là một đô thị triệu dân, đứng đầu cả nước về phát triển kinh tế-xã hội, vậy khi mở rộng chúng ta có thể hình dung ban đầu về TP này như thế nào?

+ Các cường quốc trên thế giới đều có các siêu đô thị (megacity) hay những vùng đô thị (metropolitan area). Chúng ta nhìn sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, hay xa hơn là nhiều nước ở Châu Âu, Mỹ đều có các loại hình đô thị như thế.

Điểm mạnh của các siêu đô thị chính là hạ tầng thông thoáng, cơ chế cởi mở, không gian kinh tế-xã hội được tối ưu hóa bằng sự sắp xếp hợp lý các vùng chức năng, nơi nào làm đầu não dịch vụ kinh tế-tài chính, nơi nào đóng vai trò trung tâm vận chuyển, logistics, khu vực nào điều hành hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp… Tất cả phải được quy hoạch, tính toán khoa học dựa vào đặc điểm cấu trúc về địa lý, dân số, nguồn lực khác, thậm chí phải xét đến yếu tố lịch sử, văn hóa.

 Việc sáp nhập Bà Rịa Vũng Tàu và Bình Dương vào TP.HCM, giúp TP sẽ có được “chiếc áo” rộng rãi hơn, từ đó có thể sắp xếp lại không gian phát triển kinh tế-xã hội hợp lý hơn. Ảnh: THUẬN VĂN

Việc sáp nhập Bà Rịa Vũng Tàu và Bình Dương vào TP.HCM, giúp TP sẽ có được “chiếc áo” rộng rãi hơn, từ đó có thể sắp xếp lại không gian phát triển kinh tế-xã hội hợp lý hơn. Ảnh: THUẬN VĂN

TP.HCM theo quan điểm của tôi đang gặp phải những giới hạn trong phát triển, ở đây cụ thể là những điểm nghẽn thường được nhắc đến như phát triển hạ tầng đô thị, môi trường, nhà ở... Những loại “hạ tầng cứng” này một khi bị gò bó, chật hẹp thì trong nhiều trường hợp, những ý tưởng đột phá về mặt thể chế (mà tôi tạm gọi là “hạ tầng mềm”) cũng khó có thể được thực hiện vì không đảm bảo nguồn lực. Ở chiều ngược lại, khi các ý tưởng táo bạo, cơ chế vượt trội bị hạn chế thì kinh tế sẽ khó phát triển, lại thiếu nguồn lực, thiếu tiền để phát triển hạ tầng cứng.

Tôi tin rằng khi mở rộng địa giới hành chính, TP sẽ có được “chiếc áo” rộng rãi hơn, từ đó có thể sắp xếp lại không gian phát triển kinh tế-xã hội hợp lý hơn; quan trọng hơn là có đủ điều kiện cần thiết để nghĩ đến những ý tưởng táo bạo, đột phá hơn về quy hoạch TP trở thành siêu đô thị toàn cầu. Giống như người nông dân khi có mảnh đất rộng hơn thì có thể nghĩ đến nhiều mô hình, ý tưởng sản xuất hơn; có nhiều phương án phối hợp trồng trọt, chăn nuôi và các dịch vụ khác, từ đó đạt năng suất, tăng trưởng cao hơn.

Bằng tư duy đột phá chưa từng có

. Việc xây dựng một siêu đô thị TP.HCM sau khi mở rộng đòi hỏi chúng ta phải giải quyết vấn đề nào tiên quyết, thưa bà?

+ Như tôi đã nói phía trên, “hạ tầng cứng” không thể tách rời “hạ tầng mềm”, cũng như việc nhập hay tách tỉnh không nên chỉ nhìn nhận ở góc độ cơ học. Đâu phải cứ nhập thêm tỉnh, mở rộng thêm đất đai, có thêm nguồn lực về tài chính, lao động thì TP.HCM có thể trở thành siêu đô thị và siêu đô thị của chúng ta có thể tự tin so sánh với Tokyo (Nhật Bản) và Seoul (Hàn Quốc) hay Trùng Khánh, Thượng Hải (Trung Quốc).

 Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được cùng ông Johnathan Hạnh Nguyễn tại hội nghị gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước trên địa bàn TP. Ảnh: THUẬN VĂN

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được cùng ông Johnathan Hạnh Nguyễn tại hội nghị gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước trên địa bàn TP. Ảnh: THUẬN VĂN

“Bài toán” lớn nhất khi sáp nhập, mở rộng địa giới hành chính TP.HCM chính là câu chuyện về tư duy phát triển. Cụ thể, người dân, DN và các ngành chức năng lâu nay vẫn tập trung vào các điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, nhà ở, môi trường tại TP.HCM, thì sau khi mở rộng TP.HCM, tư duy phát triển TP phải vượt lên trên những vấn đề về đô thị như thế. Thay vào đó, tư duy phát triển sẽ phải mang tầm chiến lược sâu sắc hơn, với “bộ đôi hoàn hảo” là phát triển không gian kinh tế (như lâu nay) phải song hành với không gian về an ninh.

Tôi muốn lấy ví dụ “nóng” nhất là các chính sách về thuế mới đây của Mỹ, Trung Quốc hay cuộc chiến thương mại đang diễn ra trên thế giới, cùng với hiện tượng bảo hộ đang được rất nhiều quốc gia đặt ra. Hay như trước đó có chiến tranh ở Trung Đông, Nga-Ukraine, những rủi ro bất thình lình như đại dịch COVID-19… Trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi các rủi ro này xảy ra, dòng chảy hàng hóa, công nghệ, nhân lực dễ bị tắc nghẽn, có thể gây ảnh hưởng chuỗi cung ứng mà phía sau là người lao động, doanh nghiệp... Ngoài ra, những rủi ro nội sinh cũng có thể làm tổn thương sự phát triển, ví dụ ô nhiễm môi trường, tội phạm mạng, năng lượng…

Như vậy, hai không gian kinh tế và an ninh thiết lập mối quan hệ mật thiết như “răng” với “môi”, trong đó không gian kinh tế là vùng hoạt động, thì không gian an ninh là vùng bảo vệ. “Môi hở răng lạnh”, vì vậy siêu đô thị TP.HCM trong tương lai phải vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế mạnh, vừa đảm bảo sự an tâm, khó bị tổn thương của người dân, DN trước các tác động nội sinh hoặc từ bên ngoài.

Siêu đô thị vì lợi ích, hạnh phúc của người dân

. Có thể hình dung những giải pháp ban đầu về mặt tư duy phát triển, với bộ đôi không gian kinh tế và không gian an ninh với một TP.HCM mở rộng là gì?

+ Trước tiên, TP.HCM nếu mở rộng cùng với Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu thì sẽ đảm bảo yếu tố “hội tụ đa tầng” giữa không gian đất, biển, hạ tầng. Xét về an ninh truyền thống, nếu được quy hoạch hợp lý, an ninh truyền thống của TP có thể được đảm bảo nhờ vào hệ thống hạ tầng, địa hình, công nghệ, từ đó đủ sức cho các loại phương tiện “vào nhanh ra nhanh” trong mọi tình huống.

 TP.HCM tập trung mọi nguồn lực trong xã hội, xây dựng TP phát triển thành siêu đô thị với mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Ảnh: HOÀNG GIANG

TP.HCM tập trung mọi nguồn lực trong xã hội, xây dựng TP phát triển thành siêu đô thị với mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Ảnh: HOÀNG GIANG

Tư duy này cũng cần áp dụng cho việc quy hoạch các dòng chảy hàng hóa, đi lại, di chuyển của người dân, tức là đảm bảo kết nối, phản ứng và đáp ứng nhanh chóng các nhu cầu dịch chuyển nhờ vào các phương tiện hiện đại: trên trời, trên mặt đất, dưới mặt đất, trên mặt nước và cả dưới mặt nước.

Bên cạnh đó, nếu trước đây chúng ta còn nói nhiều về chỉ tiêu GRDP của từng địa phương, thì sau hợp nhất, tâm điểm sẽ là con người với tiêu chí then chốt là thu nhập bình quân đầu người. Nói nôm na, quan tâm sâu hơn về thu nhập của người dân, chứ không chỉ chú trọng vào các chỉ số mang tính tổng thể của TP, dù tôi cũng ủng hộ việc TP đặt mục tiêu tăng trưởng hai con số trong kỷ nguyên mới.

Ngoài ra, một quy hoạch mới sau hợp nhất sẽ được xây dựng không còn dựa trên góc nhìn phân tán, địa phương hóa, mà là góc nhìn thống nhất từ một “siêu đô thị” nơi các nguồn lực được phân bổ tối ưu hơn, kết nối hạ tầng được tổ chức quy mô hơn, thông minh hơn và chiến lược phát triển được định hướng trên nền tảng liên vùng.

Tóm lại, tôi nghĩ dùng từ “hợp nhất” là phù hợp, và TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu là ba địa phương cùng “hợp nhất để lớn lên”, thoát khỏi "lớp áo" cũ để thay đổi hình hài, cấu trúc, sức mạnh, tư duy phát triển, trở thành cực tăng trưởng kinh tế hàng đầu của cả nước, tiên phong và dẫn dắt đất nước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên hùng cường của dân tộc Việt Nam.

. Xin cám ơn bà.

ĐỖ THIỆN

Nguồn PLO: https://plo.vn/tu-duy-dot-pha-cho-sieu-do-thi-tphcm-nhin-tu-dinh-huong-cua-tong-bi-thu-to-lam-post845097.html
Zalo