Giọt vàng từ thiên nhiên

Trong ánh chiều, những vườn nhãn Thái Bình (Yên Sơn) như được phủ một lớp ánh sáng vàng rực. Tiếng ong vo ve văng vẳng như tiếng thì thầm của đất trời, kể về câu chuyện của những giọt mật vàng, tinh túy của đất trời, của công sức con người, của tình yêu với thiên nhiên.

Thủ phủ nuôi ong lấy mật

Trước sân nhà ông Tiến, chủ nhân của 80 đàn ong, thấy tôi đến tưởng khách tìm mua mật ong, liền khoe ngay: “Vừa chiều qua nhà tôi quay mật xong được gần chục xách (mỗi xách 20 lít), khách chờ quay xong mang đi luôn. Bác có muốn mua mật thì lúc này một lít cũng chẳng còn. Khoảng chục hôm nữa thì lại có mật”.

Ông Tiến chia sẻ: “Tôi gắn bó với nghề này gần 20 năm rồi. Ban đầu chỉ nuôi vài đàn cho vui, nhưng về sau thấy nuôi ong ngày càng hiệu quả nên phát triển đến nay đã là 80 đàn”.

Anh Trịnh Duy Hùng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hùng Hậu kiểm tra lượng mật trong thùng.

Anh Trịnh Duy Hùng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hùng Hậu kiểm tra lượng mật trong thùng.

Ông Tiến ước tính, mỗi năm, gia đình ông thu hoạch khoảng trên 1.400 lít mật, trong đó mật ong hoa nhãn chiếm tỷ trọng lớn và có giá trị cao nhất. “Mật ong hoa nhãn có hương thơm đặc trưng, vị ngọt tinh tế mà không mật ong nào sánh được. Một lít mật ong hoa nhãn có giá 200.000 đồng, cao hơn hẳn các loại mật khác”, ông Tiến tự hào chia sẻ.

Thái Bình không chỉ nổi tiếng với những vườn nhãn xanh tốt mà còn là “thủ phủ” nuôi ong lấy mật với hơn 6.000 đàn ong được chăm sóc cẩn thận. Từng đàn ong như những đội quân nhỏ bé nhưng kỷ luật, mỗi ngày bay hàng chục cây số, không ngừng nghỉ thu thập phấn hoa, chắt chiu từng giọt mật ngọt lành.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Chủ tịch UBND xã Thái Bình cho biết: “Với lợi thế hơn 1.600 ha diện tích rừng trồng và gần 200 ha diện tích cây ăn quả, nguồn hoa phong phú như nhãn, vải, cam, bưởi, bạc hà, keo, xuyến chi..., nghề nuôi ong trên địa bàn xã phát triển mạnh. Xã Thái Bình đã khuyến khích người dân phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Nghề này đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ dân. Đặc biệt, nhờ nguồn hoa phong phú quanh năm, người dân có thể thu hoạch mật liên tục, đảm bảo thu nhập ổn định”.

Chất lượng làm nên thương hiệu

Anh Trịnh Duy Hùng, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Hùng Hậu đang tất bật cùng các thành viên kiểm tra chất lượng những thùng nuôi ong đang tích mật.

“Hợp tác xã chúng tôi hiện có 12 thành viên chính thức, quản lý hơn 2.000 đàn ong”, anh Hùng cho biết. “Quan trọng hơn, chúng tôi kết nối với nhiều hộ nuôi ong trong vùng, bao tiêu toàn bộ sản phẩm, đảm bảo đầu ra ổn định cho bà con”. Trung bình mỗi đàn ong của HTX mỗi năm có thể mang lại 25 lít mật ong. Mùa nào mật nấy, hiện thì mật nhãn, mật keo, mật bạc hà, mật xuyến chi... Mỗi loại mật có giá trị khác nhau nhưng mật nhãn nhiều và có giá trị cao hơn cả.

Nuôi ong dưới tán nhãn của các thành viên HTX Hùng Hậu, xã Thái Bình (Yên Sơn).

Nuôi ong dưới tán nhãn của các thành viên HTX Hùng Hậu, xã Thái Bình (Yên Sơn).

Nhờ luôn chú trọng nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm, HTX Hùng Hậu đã xây dựng thành công sản phẩm mật ong Bình Ca đạt OCOP 3 sao vào năm 2021, và năm 2024 được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao. Điều này góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Trước thực tế sản lượng mật lớn nhưng thị trường tiêu thụ chưa thật sự bền vững, HTX Hùng Hậu đã đầu tư máy hạ thủy phần mật ong. Máy giúp quá trình bay hơi nước trong điều kiện chân không, vi khuẩn không tồn tại, giúp mật ong đạt độ đậm đặc cần thiết, giữ được hương thơm và màu sắc tự nhiên. Nhờ đó, mật ong trong vắt, không bị lẫn tạp chất lạ khi đóng chai bán lẻ.

Mật ong hoa nhãn là kết tinh của nắng, của gió, của đất trời và công sức lao động miệt mài của con người. Những giọt mật vàng óng ánh tuôn chảy, tỏa hương thơm ngọt ngào khắp căn phòng. “Mật ong hoa nhãn không chỉ là thực phẩm mà còn là liều thuốc quý”, anh Hùng nói khi đưa cho chúng tôi nếm thử. Vị ngọt thanh, hương thơm tinh tế, màu vàng ấm áp, tất cả hòa quyện tạo nên một sản phẩm hoàn hảo từ thiên nhiên.

“Chúng tôi đã áp dụng quy trình nghiêm ngặt, từ chăm sóc đàn ong, lựa chọn nguồn hoa đến kỹ thuật thu hoạch, chế biến và bảo quản mật. Mỗi giọt mật là kết quả của hàng nghìn chuyến bay của những cánh ong nhỏ bé. Từ sáng sớm đến chiều tà, chúng miệt mài làm việc, không quản ngày đêm, mưa nắng. Một con ong có thể bay xa đến hàng chục km để tìm hoa và phải thăm khoảng 1.000 bông hoa mới thu được đủ mật cho một giọt nhỏ”, anh Hùng giải thích.

“Chúng tôi không chỉ muốn phát triển về số lượng mà còn hướng đến một tương lai bền vững cho nghề nuôi ong. Ong không chỉ cho chúng ta mật mà còn giúp thụ phấn cho cây trồng, duy trì sự cân bằng sinh thái. Tôi tin rằng, những giọt mật vàng sẽ không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn góp phần lan tỏa thông điệp về một cuộc sống hài hòa với thiên nhiên. Đó là món quà quý giá mà chúng tôi muốn gửi đến mọi người” anh Hùng khẳng định.

Phóng sự: Thanh Phúc

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/giot-vang-tu-thien-nhien-211283.html
Zalo