Giới thiệu hình ảnh Việt Nam yêu chuộng hòa bình, đoàn kết và hòa hợp
Từ ngày 6-8.5.2025, Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc được tổ chức tại Học viện Phật giáo Việt Nam (cơ sở Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM), với sự tham dự của hơn 2.800 đại biểu đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đây là sự kiện quốc tế quan trọng do Liên Hợp Quốc công nhận, là lần thứ tư Việt Nam đăng cai và là lần đầu tiên tổ chức tại TP.HCM, vào đúng dịp kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong bối cảnh ấy, Vesak 2025 mang ý nghĩa sâu sắc, thể hiện vai trò, vị thế và thông điệp hòa bình của Việt Nam trên trường quốc tế.
Vesak là ngày lễ Tam hợp thiêng liêng, kỷ niệm đản sinh, thành đạo và nhập Niết bàn của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Đại biểu tham dự Đại lễ Vesak 2025
Trải qua thời gian, Vesak đã trở thành một lễ hội văn hóa tôn giáo có sức lan tỏa toàn cầu, được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ghi nhận từ năm 1999 như một hoạt động vì hòa bình, vì nhân phẩm và sự phát triển của nhân loại.
Năm nay, chủ đề “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì Hòa bình thế giới và Phát triển bền vững” đã được lựa chọn, phản ánh khát vọng cấp thiết của thời đại, đó là tái thiết niềm tin, hàn gắn chia rẽ và phát huy tinh thần từ bi trong bối cảnh thế giới biến động.
Nội dung chương trình tập trung vào những giá trị cốt lõi của giáo lý Phật giáo như chánh niệm, lòng từ, tinh thần dấn thân phụng sự, nhằm khơi mở đối thoại, nâng cao trách nhiệm xã hội và nuôi dưỡng tâm thức an bình trong cộng đồng nhân loại.
Trong phát biểu khai mạc Đại lễ, Chủ tịch nước Lương Cường khẳng định sự hiện diện của đông đảo đại biểu năm châu là minh chứng sinh động cho tinh thần đoàn kết, từ bi và hòa hợp – những giá trị cốt lõi trường tồn mà Đức Phật đã truyền dạy cho nhân loại.
“Đại lễ Vesak không chỉ là dịp thiêng liêng với hàng triệu tín đồ Phật tử, mà còn là cơ hội để nhân loại cùng nhau chiêm nghiệm, lan tỏa những giá trị nhân văn, cao quý của Phật giáo: từ bi, trí tuệ, hòa bình và bao dung”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Kết thúc bài phát biểu, Chủ tịch nước Lương Cường đề nghị, cần đưa Tâm Từ bi vào chính sách, mang Trí Tuệ vào định hướng phát triển, đề cao Tinh thần Vô Ngã - Vị Tha, tức là làm việc gì cũng không vì bản thân mình mà luôn nghĩ đến lợi ích của đại chúng...

Việc Việt Nam tiếp tục đăng cai Đại lễ Vesak trong năm 2025 thể hiện cam kết mạnh mẽ của Nhà nước và Giáo hội Phật giáo Việt Nam đối với các giá trị hòa bình, đoàn kết và hòa hợp
TP.HCM – nơi diễn ra sự kiện, là thành phố có lịch sử dung chứa nhiều truyền thống tôn giáo, là biểu tượng của tinh thần hòa giải dân tộc và hội nhập quốc tế.
Đại lễ lần này cũng là dịp để Việt Nam khẳng định chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo; khẳng định thành tựu nổi bật của các tôn giáo trong nỗ lực đồng hành cùng dân tộc sau nửa thế kỷ đất nước thống nhất.
Qua đó, bạn bè quốc tế có thể cảm nhận được hình ảnh một Việt Nam cởi mở, mến khách và đầy khát vọng xây dựng một tương lai nhân văn, gắn bó trong cộng đồng thế giới.
Chương trình Đại lễ bao gồm hội thảo quốc tế với hơn 900 tham luận học thuật bằng tiếng Việt và tiếng Anh, triển lãm mỹ thuật Phật giáo, các nghi lễ truyền thống, hoạt động văn hóa nghệ thuật, đêm biểu diễn quốc tế, lễ hội ẩm thực chay và lễ hội thắp hoa đăng.

Các hoạt động giao lưu cộng đồng được tổ chức tại công viên Láng Le (huyện Bình Chánh), Nhà hát Thisky Hall (TP Thủ Đức) và nhiều không gian văn hóa mở khác.
Một điểm đặc biệt của Đại lễ là lễ chiêm bái Xá lợi Phật Thích Ca Mâu Ni – Bảo vật quốc gia Ấn Độ và Xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức, biểu tượng sống động cho tinh thần bất bạo động, vì hòa bình, đã trở thành phần linh thiêng trong ký ức lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Tuyên bố Vesak TP.HCM sẽ được công bố trong Đại lễ là kết tinh của những cuộc đối thoại đa chiều, là tiếng nói thống nhất về đoàn kết và bao dung giữa các truyền thống tôn giáo và các nền văn hóa khác nhau.

Người dân xếp hàng chiêm bái Xá lợi Phật

Văn kiện này không chỉ thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong vai trò quốc gia đăng cai, mà còn là đóng góp thiết thực cho sứ mệnh toàn cầu về phát triển bền vững và xây dựng hòa bình theo tinh thần của Liên Hợp Quốc.
Qua đó, hình ảnh Việt Nam hiện lên như một đối tác tin cậy, chủ động đóng góp vào tiến trình đối thoại quốc tế và hợp tác nhân văn.
Vesak 2025, với Việt Nam là nước chủ nhà, là một dịp để khẳng định vai trò ngày càng rõ nét của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong cộng đồng Phật giáo thế giới.
Với hơn hai nghìn năm lịch sử gắn bó cùng dân tộc, Phật giáo Việt Nam đã phát huy tinh thần nhập thế đặc sắc, đóng góp vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước, và hôm nay tiếp tục đồng hành trong công cuộc kiến tạo xã hội hài hòa.
Hình ảnh ấy, cùng với chính sách đối ngoại nhân dân tích cực, giúp tăng cường hiểu biết và hợp tác giữa Việt Nam với bạn bè quốc tế, góp phần tạo lập môi trường thuận lợi cho phát triển du lịch, văn hóa và đầu tư kinh tế.

Từ ánh sáng của đêm hoa đăng đến tiếng chuông ngân vang trong không gian linh thiêng của thành phố, Đại lễ Vesak 2025 không chỉ mang theo hơi thở tâm linh mà còn khơi dậy một khát vọng chung về hòa bình và tương lai bền vững.
Thông qua Vesak, Việt Nam gửi đến thế giới một thông điệp mạnh mẽ về lòng nhân ái, sự cảm thông và đoàn kết – những giá trị đã, đang và sẽ tiếp tục là nền tảng của tiến trình phát triển đất nước, cũng như đóng góp thiết thực cho hòa bình khu vực và toàn cầu.